Nghiên cứu sản xuất viên nang cứng hỗ trợ điều trị bệnh Gout từ cây Lá lốt

Gout là bệnh viêm khớp phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới, nguyên nhân do tăng acid uric trong máu dẫn đến hình thành các tinh thể urat tại khớp và một số mô khác. Tỷ lệ mắc bệnh Gout ở các nước trên thế giới dao động từ 0,1 - 13%. 
Nghiên cứu sản xuất viên nang cứng hỗ trợ điều trị bệnh Gout từ cây Lá lốt

Bệnh Gout phổ biến hơn ở nam so với nữ theo tỷ lệ 3:1 đến 10:1. Điều trị Gout hiện nay có nhiều tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày; một số thuốc có thể gây phát ban da và gây rối loạn chức năng thận hoặc gây độc tính trên thần kinh cơ, ức chế tủy xương, tổn thương gan, thận… Hiện nay cũng đã có một số thuốc đông y và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị Gout nhưng giá thành còn khá cao và có khá ít các sản phẩm thực sự hiệu quả.

Từ năm 2021, Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương đã thực hiện đề tài Nghiên cứu sản xuất viên nang cứng hỗ trợ điều trị bệnh Gout từ cây Lá lốt (piper lolot C.DC.) nhằm đánh giá tác dụng hạ acid uric máu và chống viêm của dịch chiết toàn phần và các phân đoạn chiết từ cây Lá lốt. Đánh giá được độc tính, thành phần hóa học của dịch chiết toàn phần từ cây Lá lốt. Xây dựng công thức, quy trình sản xuất viên nang cứng Gout Chỉ Thống đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam tác dụng điều trị trên bệnh nhân Gout.

Sau 2 năm nghiên cứu cho thấy Lá lốt là một dược liệu rất phổ biến và giá thành rẻ, dễ trồng. Lá lốt đã được sử dụng trong dân gian để giảm các triệu chứng của bệnh thống phong (bệnh Gout) và đã có một số nghiên cứu khẳng định có tác dụng trên động vật thực nghiệm. Cây Lá lốt được trồng đúng vụ (vào vụ Xuân, tháng 3/2021) thu hái đúng thời điểm (vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/2021), được làm khô đúng qui trình nên đảm bảo hàm lượng dược chất và dược liệu đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam. Lá lốt là dược liệu dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ thu hái nên có thể cung cấp nguồn dược liệu lớn.

Về kết quả tác dụng ức chế enzym Xanthin oxidase in vitro, các phân đoạn dịch chiết từ Cây Lá lốt có phân đoạn Ethylacetat thể hiện tác dụng ức chế enzym XO in vitro mạnh nhất với I% ở nồng độ cao nhất 100 µg/mL là 87,77 và giá trị IC50 tính được là 44,16 µg/mL. Phân đoạn n - butanol với giá trị I% đạt 85,26 %, ở nồng độ cao nhất 100 µg/mL, giá trị IC 50 tính được là 44,95 µg/mL. Phân đoạn chloroform và n - hexan thể hiện tác dụng ức chế enzym XO in vitro yếu với giá trị IC50 tính được là 83,89 và 87,04 µg/mL. Phân đoạn chiết ethyl acetat (IC 50 = 112,57 μg/ml) của cây Lá lốt có tác dụng kháng viêm mạnh hơn so với các phân đoạn còn lại.

Tác dụng hạ acid uric của cao khô Lá lốt đạt mức thấp hơn (30% với liều 250 mg/kg, 54% với liều 500 mg/kg và 56% với liều 1000 mg/kg); với tác dụng ức chế xanthin oxidase, Cao khô Lá lốt cho tỷ lệ giảm 8% với liều 500 mg/kg và 9% với liều 1000 mg/kg, thấp hơn allopurinol (12%). Liều 250 mg/kg tác dụng không mạnh, không có sự khác biệt đáng kể giữa liều 500 mg/kg và liều 1000 mg/kg trong nghiên cứu về tác dụng hạ acid uric và ức chế xanthin oxidase

Về kết quả nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp bằng caragenan. Cao khô Lá lốt liều 250 mg/kg, 500 mg/kg và 1000 mg/kg đều có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột so với lô chứng tại thời điểm 1 giờ sau khi gây viêm (p < 0,05), tỷ lệ ức chế phù so với chứng lần lượt là 35,05%, 56,91% và 57,45%, thấp hơn Indomethacin liều 10 mg/kg (62,65%)

Về kết quả chống viêm trên mô hình gây viêm màng hoạt dịch khớp gối bằng tinh thể natri urat. Cao khô Lá lốt liều 250 mg/kg và 500 mg/kg đều thể hiện tác dụng chống viêm tốt, không có sự khác biệt giữa 2 mức liều 500 mg/kg và 1000 mg/kg. Liều 500 mg/kg có tác dụng chống viêm tốt nhất trong cả hai mô hình.

Về kết quả trên mô hình gây quặn đau bằng acid acetic, Cao khô Lá lốt ở cả 3 mức liều đều làm giảm số cơn quặn đau của chuột nhắt trắng so với lô đối chứng trong khoảng thời gian từ phút thứ 10 đến 30 nhưng liều 500 mg/kg và 1000 mg/kg thể hiện tác dụng giảm đau không có sự khác biệt. Cả 3 mức liều 250, 500, 1000 mg/kg đều có tác dụng chống viêm, tác dụng trên XO và giảm đau tốt. Tác dụng giảm acid uric máu và giảm độ phù ở mức liều 250 mg/kg không tốt bằng 2 mức liều 500 mg/kg và 1000 mg/kg trong khi tác dụng ở 2 mức liều 500 mg/kg và 1000 mg/kg không 104 có sự khác biệt đáng kể nên nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thêm ở mức liều 300 mg/kg tác dụng hạ acid uric tương đương mức liều 500 mg/kg. Nghiên cứu độc tính tiếp theo sẽ lựa chọn mức liều 300 mg/kg chuột nhắt tương đương với liều 25,5 mg/kg thể trọng người (ước tính khoảng 1.275 gram - cho người 50 kg).

Về kết quả thử độc tính cấp, chế phẩm thử với liều 26,7 gram/kg - liều cao nhất (gấp 89 lần liều có tác dụng dược lý) có thể cho chuột nhắt trắng uống được qua kim đầu tù không thấy xuất hiện các biểu hiện của độc tính cấp. Sau 28 ngày uống chế phẩm Cao khô Lá lốt với liều có tác dụng dược lý 330 mg/kg và mức liều gấp 3 lần liều điều trị 990 mg/kg, các thông số cân nặng, huyết học, hóa sinh, đại thể cơ quan và mô bệnh học gan, thận của chuột không có sự khác biệt so với lô đối chứng tương ứng. Cao khô Lá lốt đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị.

Viên nang cứng Gout chỉ thống và quy trình sản xuất với các thông số phù hợp, sản xuất được 20.000 viên nang cứng Gout chỉ thống với thành phần chính là Cao khô Lá lốt đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V. Cao khô Lá lốt với mức liều 300 mg/kg, ngoại suy được liều có tác dụng dược lý trên người là 25,5 mg/kg thể trọng (ước tính khoảng 1.275 gram - cho người 50 kg). Liều dùng cho người khoảng từ 50 kg đến 75 kg là 4 viên - 6 viên/ngày (mỗi viên có chứa 320 mg Cao khô Lá lốt) thuận tiện cho sử dụng.

Về các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy: Số bệnh nhân có chỉ số Cholesterol nằm ngoài giới hạn cho phép ở nhóm có sử dụng viên Gout chỉ thống (trước nghiên cứu có 20, sau nghiên cứu có 8, giảm 12 bệnh nhân) giảm tốt hơn nhóm (trước nghiên cứu có 11, sau nghiên cứu có 10, giảm 1 bệnh nhân). Số bệnh nhân có chỉ số Triglycerid cao của nhóm 1 trước nghiên cứu là 23, sau nghiên cứu là 21; ở nhóm 2 tương ứng là 12 và 9. Cao khô Lá lốt có vai trò hạ Cholesterol tốt hơn Triglycerid máu.

Số bệnh nhân có chỉ số GOT/GPT cao cũng giảm tốt hơn ở nhóm có sử dụng viên Gout chỉ thống (nhóm 1). Trước nghiên cứu nhóm 1 có 6 bệnh nhân GOT cao và 9 bệnh nhân có GPT cao, sau nghiên cứu chỉ còn 2 bệnh nhân GOT cao và 2 bệnh nhân có GPT cao. Nhóm có sử dụng viên Gout chỉ thống có nhiều bệnh nhân có sự điều chỉnh chỉ số GOT/GPT về giới hạn tốt hơn nhóm 2 sau nghiên cứu. Các chỉ số cholesterol máu và GOT/GPT có thể liên quan đến khả năng chống gốc tự do và quá trình oxy hóa, bảo vệ tế bào gan, chống xơ vữa động mạch của Lá lốt. Nhóm 1 trước nghiên cứu có 7 bệnh nhân glucose cao thì sau nghiên cứu chỉ còn 1 bệnh nhân có glucose là 6,8 > 6,4. Nhóm 2 trước nghiên cứu có 10 bệnh nhân thì sau nghiên cứu có tới 13 bệnh nhân có tăng glucose máu nhưng trong đó có 2 bệnh nhân có ăn/uống nhẹ trước xét nghiệm máu và 1 bệnh nhân có chỉ số glucose cao bất thường còn lại chỉ dao động từ 6,5 - 7,3.

Kết quả nghiên cứu của Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương đã đánh giá tác dụng hạ acid uric máu bằng kali oxonat xác định Cao khô Lá lốt liều 500 mg/kg và liều 1000 mg/kg có tác dụng làm giảm acid uric. Cao khô Lá lốt có tác dụng hạ acid uric, chống viêm và giảm đau trên mô hình thực nghiệm khá tốt do đó dược liệu Lá lốt có tiềm năng trong việc hỗ trợ điều trị Gout, đã nghiên cứu thử nghiệm thêm mức liều 300 mg/kg tác dụng tương đương mức liều 500 mg/kg.

Viên nang cứng Gout chỉ thống và quy trình sản xuất với các thông số phù hợp, sản xuất được 20.000 viên nang cứng Gout chỉ thống với thành phần chính là Cao khô Lá lốt đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V thuận tiện cho sử dụng. Về các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng khác: Nhóm sử dụng viên Gout chỉ thống có tác dụng giảm Cholesterol đáng kể, có giảm Triglycerid máu; nhiều bệnh nhân có sự điều chỉnh chỉ số GOT/GPT, glucose về giới hạn tốt hơn so với nhóm 2, không làm thay đối chỉ số Ure máu và Creatin quá mức bình thường.

Việc nghiên cứu thành công viên nang này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong điều trị bệnh gout, bởi lá lốt là cây dễ trồng, có nhiều trong tự nhiên, lại an toàn, được người dân sử dụng từ xa xưa.

Bài của ThS. Lê Thị Thảo

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 7 năm 2023

 

 

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay49,510
  • Tháng hiện tại1,074,714
  • Tổng lượt truy cập3,779,918
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây