Mô hình sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Hà

Huyện Thanh Hà là địa phương có ngành chăn nuôi gia cầm khá phát triển, năm 2020 quy mô đạt trên 827.000 con với phương thức bán chăn thả, do có diện tích vùng chuyển đổi, vườn cây ăn quả lớn.
Mô hình sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Hà

Gà Mía lai Sasso nuôi thương phẩm có khả năng chống chịu bệnh tật tốt và phẩm chất thịt cao vào sản xuất, góp phần làm phong phú các sản phẩm gà thương phẩm hàng hóa chất lượng cao; xây dựng mô hình sản xuất gà thương phẩm áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP, giúp cho người nông dân tiếp cận với những tổ hợp lai mới, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân.

 Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã xây dựng mô hình nuôi giống gà Mía lai Sasso thương phẩm tại7 hộ của thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt và 3 hộ của thôn Song Động, xã Tân An, huyện Thanh Hà quy mô 20.000 con/2 vụ với con giống 1 ngày tuổi.

Trong vụ 1 với quy mô 10.000 con nuôi theo hình thức bán chăn thả tại 7 hộ ở xã Tân Việt và 3 hộ tại xã Tân An. Vụ 2 với quy mô 10.000 con nuôi theo hình thức bán chăn thả tại 4 hộ ở xã Tân Việt và 2 hộ tại xã Tân An. Sau gần 4 tháng chăn nuôi các hộ đã chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng vaccin, cho gà uống thuốc phòng bệnh đầy đủ nên không xảy ra dịch bệnh. Tỷ lệ nuôi sống đến 17 tuần tuổi của gà Mía lai Sasso thương phẩm vụ 1 đạt 97,50% cao hơn một chút so với vụ 2 96,74%.

Ở vụ 1 do thời tiết nắng nóng, có tuần gặp thời tiết nắng nóng cực đoan, gà chết lẻ tẻ trong các tuần nuôi với tỷ lệ chết rất thấp.Ở vụ thứ hai, gà con bị chết chủ yếu trong giai đoạn từ 1 ngày tuổi đến 2 tuần tuổi, do gà con còn nhỏ, sức đề kháng kém lại gặp thời tiết giao mùa, có mưa ẩm, nhiệt độ giảm và không ổn định. Từ tuần thứ 3 trở đi, tỷ lệ nuôi sống của gà Mía lai Sasso cao, nhất là từ tuần thứ 8 đến tuần 17, do thời tiết mát, phù hợp với sinh lý gà, đồng thời, gà càng lớn sức đề kháng càng cao, nên giai đoạn này tỷ lệ chết rất thấp. Tỷ lệ nuôi sống của gà Mía lai Sasso thương phẩm ở 17 tuần tuổi đạt 96,74 - 97,5%, trung bình 2 vụ đạt 97,12%. Tỷ lệ nuôi sốngtrung bìnhcủa gà Mía lai Lương Phượng, Ri lai Lương Phượng nuôi tại địa phương ở 17 tuần tuổi lần lượt là94,7 (vụ 1)- 95,2% (vụ 2) và 97% (vụ 1) - 95,8% (vụ 2). Gà Mía lai Sasso thương phẩm có tỷ lệ nuôi sống cao hơn so với Mía lai Lương Phượng là khoảng 2% và tương đương với Ri lai Lương Phượng nuôi tại địa phương.

Tốc độ sinh trưởng của đàn gà từ lúc 1 ngày tuổi đến 3 tuần tuổi chậm. Từ 4 tuần tuổi đến tuần tuổi thứ 13, tốc độ sinh trưởng cao; tốc độ sinh trưởng tăng nhanh nhất là giai đoạn từ tuần tuổi thứ 5 đến tuần tuổi thứ 12. Gà bắt đầu có xu hướng sinh trưởng chậm hơn từ tuần thứ 13 trở đi và chậm nhất từ tuần thứ 17. Gà Mía lai Sasso lúc 17 tuần tuổi nuôi bán chăn thả có khối lượng cơ thể con trống đạt từ 2.300 - 2.700 gram/con, con mái đạt 1.700 - 2.000 gram/con, trung bình trống mái đạt 2.103 gram/con. Gà Mía lai Lương Phượng lúc 17 tuần tuổi nuôi bán chăn thả có khối lượng cơ thể trung bình trống mái đạt 2.295 gram/con; gà Ri lai Lương Phượng trung bình trống mái đạt 2.151 gram/con.

Ở vụ nuôi thứ nhất, gà Mía lai Sasso khối lượng cơ thể ở 17 tuần tuổi, gà Mía lai Sasso thấp hơn so với gà Ri lai Lương Phượng là 48 gram/con và thấp hơn so với gà Mía lai Lương Phượng là 192 gram/con.

Ở vụ nuôi thứ hai, gà Mía lai Sasso lúc 17 tuần tuổi nuôi bán chăn thả có khối lượng cơ thể con trống đạt từ 2.400 - 2.800 gram/con, con mái đạt 1.800 -2.100 gram/con, trung bình trống mái đạt 2332 gram/con. Ở 17 tuần tuổi, khối lượng trung bình trống mái vụ thứ hai cao hơn vụ thứ nhất là 229 gram/con. Lúc 17 tuần tuổi nuôi bán chăn thả, khối lượng cơ thể trung bình trống mái gà Mía lai Lương Phượng và Ri lai Lương Phượng lần lượt là 2.441 gram/con và 2.345 gram/con. Ở vụ thứ hai, do có kinh nghiệm chăn nuôi gà Mía lai Sasso thương phẩm, khối lượng cơ thể ở 17 tuần tuổi của gà Mía lai Sasso thấp hơn so với gà  Mía lai Lương Phượng là 109 gram/con và có khối lượng tương đương so với gà Ri lai Lương Phượng.

Qua 2 vụ nuôi thì gà Mía lai Sasso nuôi thương phẩm lúc 17 tuần tuổi nuôi bán chăn thả có khối lượng cơ thể con trống đạt từ 2.500 - 2.800 gram, con mái đạt 1.800 - 2.100 gram, trung bình trống mái ở cả 2 vụ đạt 2.218 gram, thấp hơn không nhiều so với gà Mía lai Lương Phượng và có khối lượng tương đương so với gà Ri lai Lương Phượng nuôi tại địa phương. Tại tuần thứ 15, trung bình khối lượng gà trống mái đạt từ 1.875 gram (vụ 1) đến 2.092 gram (vụ 2); gà có mẫu mã ngoại hình đặc trưng của tổ hợp lai Mía lai Sasso, gà săn chắc, chất lượng thịt thơm ngon. Tại thời điểm 15 tuần tuổi, gà đã đủ tiêu chuẩn xuất bán; song do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sức tiêu thụ chậm, thương lái lựa chọn mua gà thương phẩm nuôi dài ngày (khoảng 17 tuần tuổi trở đi). Gà lai Mía lai Sasso phát dục chậm, nên giai đoạn tuần 15 - 17 tuần tuổi gà vẫn sinh trưởng khá. Gà nuôi đến 17 tuần tuổi có chất lượng cao hơn giai đoạn 13 - 15 tuần tuổi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Thị trường ưa chuộng gà thương phẩm khoảng 16 - 17 tuần tuổi trở đi, giai đoạn này gà săn chắc, phẩm chất thịt thơm ngon hơn giai đoạn gà 13 - 15 tuần tuổi, dễ tiêu thụ, giá bán khá cao, có lợi cho người sản xuất. Gà Mía lai Sasso thương phẩm chất lượng cao được xuất bán gà ở 17 tuần tuổi là phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng của gà Mía lai Sasso vụ 1 và vụ 2 lần lượt là 3,27 và 3,22; trung bình cả 2 vụ là 3,25 tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng. Đến 17 tuần tuổi, tiêu tốn thức ăn của gà Mía lai Lương Phượng ở vụ 1 và vụ 2 lần lượt là 3,33 và 3,29; trung bình 2 vụ là 3,31. Đến 17 tuần tuổi, tiêu tốn thức ăn của gà Ri lai Lương Phượng ở vụ 1 và vụ 2 lần lượt là 3,37 và 3,32; trung bình 2 vụ là 3,34. Trung bình 2 vụ, ở 17 tuần tuổi, chỉ số tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng của gà Mía lai Sasso thương phẩm thấp hơn 0,06 kgTA/kgTT so với gà Mía lai Lương Phượng và thấp hơn 0,09 kgTA/kgTT so với gà Ri lai Lương Phượng. Gà Mía lai Sasso có khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn tốt tương tự gà Mía lai Lương Phượng và gà Ri lai Lương Phượng tại địa phương. Gà Mía lai Sasso thương phẩm phát dục chậm hơn so với gà Ri lai Lương Phượng nên quá trình nuôi ít có hiện tượng bổ đạp, mổ cắn nhau.

Qua 2 vụ nuôi gà Mía lai Sasso thương phẩm có lợi nhuậnđạt 19.040.000 ± 2.310.000 đồng/1.000 gà (vụ 1) đến 16.390.000 ± 5.030.000 đồng/1.000 gà (vụ 2), cao hơn gà Mía lai Lương Phượng nuôi tại địa phương khoảng 4 triệu đồng/1.000 gà; do gà Mía lai Sasso thương phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon nên có giá bán cao hơn gà Mía lai Lương Phượng từ 1.500 đồng - 2.000 đồng/kg so với gà Ri lai Lương Phượng nuôi tại địa phương, giá bán tương đương gà Mía lai Sasso; lợi nhuận gà Mía lai Sasso cao hơn Ri lai Lương Phượng nuôi tại địa phương là 1.800.000 đồng - 2.400.000 đồng/1.000 gà. Gà Mía lai Sasso nuôi thương phẩm dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm phương thức nuôi bán chăn thả, quy mô 20.000 con tại xã Tân Việt và xã Tân An, huyện Thanh Hà sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đến 17 tuần tuổi đạt 96,74 - 97,5%, trung bình khối lượng cơ thể lúc 17 tuần tuổi đạt từ 2.103 gram/con (vụ 1) đến 2.332 gram/con (vụ 2); tiêu tốn thức ăn trung bình 3,25 kg thức ăn hỗn hợp/kg tăng trọng. Qua 2 vụ nuôi lợi nhuận đạt 19.040.000 ± 2.310.000 đồng/1.000 gà (vụ 1) đến 16.390.000 ± 5.030.000 đồng/1.000 gà (vụ 2), cao hơn gà Mía lai Lương Phượng nuôi tại địa phương khoảng 4 triệu đồng/1.000 gà; do gà Mía lai Sasso thương phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon nên có giá bán cao hơn gà Mía lai Lương Phượng từ 1.500 đồng - 2.000 đồng/kg; lợi nhuận gà Mía lai Sasso cao hơn Ri lai Lương Phượng nuôi tại địa phương là 1.800.000 đồng - 2.400.000 đồng/1.000 gà. Gà Mía lai Sasso thương phẩm có khả năng chống chịu tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt, ít bệnh tật, sản phẩm thịt có chất lượng cao, thơm ngon, màu sắc, hình dáng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với chăn nuôi bán chăn thả quy mô nông hộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài của Phạm Thanh Thủy, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8/2021

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập175
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,315,000
  • Tổng lượt truy cập4,020,204
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây