Họ Khúc giành và giữ độc lập dân tộc trong hòa bình

Vàocuối thế kỷ IX, tận dụng thời cơ nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ - hào trưởng đất Hồng Châu thuộc Hải Dương - đã giành quyền tự chủ cho dân tộc Việt Nam, kết thúc thời kỳ Bắc thuộc trên đất nước ta. Nghệ thuật giành và giữ độc lập bằng hòa bình của họ Khúc đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm và đặt nền móng cho chính sách ngoại giao mềm dẻo của nước ta trong suốt chặng đường lịch sử sau này.
Họ Khúc giành và giữ độc lập dân tộc trong hòa bình

1. Khúc Thừa Dụ giành độc lập dân tộc trong hòa bình

Trước bối cảnh nhà Đường suy vi: nạn cát cứ diễn ra mạnh mẽ, chính quyền đô hộ nhà Đường dần mất chủ động trong cai trị tại An Nam, năm 905, Khúc Thừa Dụ đã chớp thời cơ, tiến quân ra chiếm đánh phủ thành Tống Bình, tự xưng là Tiết độ sứ, giành quyền tự chủ cho đất nước ta. Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên: “Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở đất Hồng Châu. Thừa Dụ tính khoan dung hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ và xin mệnh lệnh với nhà Đường, nhân thế nhà Đường cho làm chức ấy”.[1]

Sự kiện họ Khúc giành quyền tự chủ cho đất nước năm 905 được đánh giá dưới nhiều quan điểm. Nhiều ý kiến chưa xác nhận mốc thời gian 905 là thời điểm kết thúc thời kỳ Bắc thuộc của nước ta vì họ Khúc mới chỉ xưng Tiết độ sứ, đất nước ta vẫn là một đơn vị hành chính của nhà Đường. Tuy nhiên, trên thực tế không có nhà nghiên cứu lịch sử nào phủ nhận sự kiện năm 905 là sự kiện khởi đầu nền tự chủ ở nước ta bởi mặc dù vẫn mang danh nghĩa thuộc Đường, tuy không xưng vương, nhưng thực chất Khúc Thừa Dụ đã giành độc lập dân tộc, đã thiết lập một chính quyền tự chủ, độc lập và từng bước xây dựng hệ thống hành chính do người dân bản địa nắm giữ và sự kiện này đã đáp ứng được nhu cầu của lịch sử dân tộc ta. Vì vậy, trong những năm gần đây, các sử gia trong và ngoài nước xác định rõ ràng Họ Khúc đã khởi đầu nền tự chủ của nước ta.

Năm 1996, A.B. Poliacop - nhà ngoại giao, nhà Sử học Nga - trong cuốn “Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X-XIV” đã lần đầu xác định thời điểm năm 905 “là bước khởi đầu của các triều đại độc lập thực sự đầu tiên”[2]. Tác giả cho rằng “mặc dù không tuyên bố quyền tự chủ, không xưng vương hay xưng đế” nhưng với sự truyền thừa qua ba đời (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ) và với việc xây dựng hệ thống hành chính cùng những luật lệ mới, họ Khúc thực sự đã chứng tỏ “tinh thần độc lập tự chủ”và “chấm dứt thời kỳ mất nước”[3]. Cùng quan điểm này, Đại cương lịch sử Việt Nam đã xác định “từ năm 905, dù những người đứng đầu đất nước chưa thành lập vương triều và theo xu hướng chung của thời điểm đó, nhận chức Tiết độ sứ, “kỷ nội thuộc Tùy - Đường” như cách nói của người xưa hay đầy đủ hơn là thời Bắc thuộc nói chung đã chấm dứt vĩnh viễn… Nói cách khác, từ năm 905, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới, thời đại độc lập, tự chủ dưới chế độ phong kiến”[4].

Vấn đề là chỉ khi đặt sự kiện họ Khúc giành quyền tự chủ cho đất nước vào bối cảnh lịch sử đương thời, lịch sử mới có thể ghi nhận việc giải quyết mâu thuẫn dân tộc với nước lớn có nhiều tham vọng bá quyền bằng giải pháp hòa bình của Khúc Thừa Dụ là một giải pháp ưu việt nhất. Họ Khúc đã “biết mình, biết người, hiểu thời, biết thế, biết dừng, biết biến”, thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo giữa nước nhỏ với nước lớn, mềm dẻo lợi dụng bộ máy và danh nghĩa của triều đình phong kiến phương Bắc để giành “độc lập thực sự, thần thuộc trên danh nghĩa”[5]. Việc Khúc Thừa Dụ chớp thời cơ lúc nhà Đường rối ren để tạo “thế đã rồi”, chiếm phủ Tống Bình, tự xưng Tiết độ sứ nhưng vẫn giữ danh nghĩa thần phục, “xin mệnh nhà Đường” chính là nghệ thuật ngoại giao mềm dẻo, lấy nhu để chế cương, lấy hòa hảo để chế bạo lực của họ Khúc. Sự chấp nhận “gia phong chức đồng bình chương sự cho quan Tĩnh Hải quân tiết độ sứ là Khúc Thừa Dụ”[6] của nhà Đường vào tháng 2/906 là minh chứng cho một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước, đồng thời cũng là sự thừa nhận việc người Việt cai quản đất Việt, người An Nam xây dựng chính quyền do người An Nam hoàn toàn quản lý.

 Ngay sau khi giành quyền tự chủ, từ năm 906, Khúc Thừa Dụ đã bãi bỏ hệ thống quan lại của chế độ cũ, xóa bỏ mọi chế định cai trị hà khắc của nhà Đường, quy định lại các thể chế giao cho các quan người Việt nắm giữ, tạo bước chuyển quan trọng từ chính quyền lệ thuộc phương Bắc sang chính quyền tự chủ của người Việt. Việc Khúc Thừa Dụ phong cho con trai Khúc Hạo là Tổng chỉ huy quân đội và là người kế vị quyền Tiết độ sứ cho thấy tính tự trị và sự quy củ của một chính quyền tự chủ. Trên thực tế, Khúc Thừa Dụ đã đặt dấu chấm hết cho ách thống trị hơn 1000 năm của phong kiến phương Bắc trên đất nước ta.

Chính sách ngoại giao mềm mỏng, uyển chuyển của Khúc Thừa Dụ đã trở thành nước cờ tối ưu nhất của thời điểm lịch sử này. Họ Khúc vừa buộc nhà Đường chấp nhận không điều kiện, vừa giữ thể diện cho “Thiên triều” và ngăn chặn nhà Đường mưu đồ tái chiếm nước ta, vừa ngăn chặn các tiết độ sứ ở miền biên cương lợi dụng thời cơ lấy danh nghĩa nhà Đường để đánh phá nước ta, vừa có thời gian hòa bình để dưỡng dân, củng cố chính quyền và xây dựng đất nước. Về hình thức, Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chỉ thay mặt nhà Đường cầm quyền ở An Nam, quan hệ giữa nước ta với nhà Đường không có gì khác trước, nhưng thực chất An Nam đã hoàn toàn tự chủ.

Nghệ thuật ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo để giành độc lập dân tộc và xây dựng một chính quyền tự chủ trong hòa bình của họ Khúc đã đạt đến khuôn mẫu chuẩn mực. Vì vậy, có thể nói họ Khúc đã thiết lập nền móng cho nền ngoại giao của nước Việt trong suốt chiều dài lịch sử sau này.

2. Quá trình giữ độc lập dân tộc trong hòa bình dưới thời Khúc Hạo

Sau khi Khúc Thừa Dụ qua đời năm 907, Khúc Hạo kế nghiệp con đường sự nghiệp của cha, nắm quyền Tiết độ sứ. Thời điểm này nhà Hậu Lương đã thay thế nhà Đường, cũng là lúc Trung Quốc bước vào thời kỳ “Ngũ đại thập quốc”. Tuy tình hình trong nước nội chiến rối ren, song các tập đoàn phong kiến Trung Quốc chưa khi nào từ bỏ khát vọng thiết lập lại nền đô hộ ở nước ta.

 Năm 907, sau khi lên nắm quyền thay cha, Khúc Hạo đã  khôn khéo cho một phái bộ sang giao hảo, “thần phục thiên triều” để duy trì hòa bình[7], buộc nhà Hậu Lương phải thừa nhận Khúc Hạo làm Tiết độ sứ năm 907. Tuy nhiên, với tư tưởng bá quyền, song song với việc công nhận Khúc Hạo là “Tiết độ sứ Tĩnh hải quân”[8], năm 908 nhà Hậu Lương lại phong cho người đứng đầu lực lượng cát cứ ở Quảng Châu chức “Tĩnh hải quân Tiết độ, An Nam đô hộ” nhằm thiết lập lại quyền đô hộ nước ta[9]

 Trước những thách thức lớn từ phương Bắc, một lần nữa họ Khúc thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, hòa hiếu đối với nhà Hậu Lương nhằm “lấy nhu, trí để thuận cương”, bảo vệ hòa bình, giữ vững chủ quyền, củng cố chính quyền tự chủ và xây dựng đất nước. Trong khi cùng thời điểm này, các tập đoàn cát cứ phương Bắc ra sức xưng vương, xưng bá, sát phạt lẫn nhau, thì Khúc Hạo không xưng vương, xưng đế, chỉ duy trì việc xưng Tiết độ sứ. Sự nhún nhường, hiểu thời, biết thế, biết dừng, biết biến của Khúc Hạo một lần nữa tạo phên dậu vững chắc cho nền độc lập non trẻ của nước ta, tạo điều kiện để họ Khúc tiếp tục giữ vững nền độc lập, củng cố chính quyền tự chủ của dân tộc trong hòa bình.

Nhờ duy trì hòa bình, nên Khúc Hạo đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng về kinh tế và xã hội. Về kinh tế, Tiết độ sứ Khúc Hạo chia ruộng đất cho nhân dân, thực hiện bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lao dịch nặng nề. Về xã hội, chính quyền thực hiện cải cách hành chính, nỗ lực xây dựng chính quyền dân tộc thống nhất từ trung ương đến địa phương theo các cấp hành chính: lộ, phủ, châu, giáp, xã. Về quân sự, Khúc Hạo đã chú trọng xây dựng lực lượng phòng thủ đất nước, thu phục các hào trưởng vùng biên giới nhằm củng cố và giữ vững an ninh cho biên cương. Về ngoại giao, Khúc Hạo đặc biệt chú trọng việc củng cố quan hệ hữu hảo với triều đình phương Bắc. Việc ông đưa con trai Khúc Thừa Mỹ tới Quảng Châu làm “Hoan hảo sứ” là minh chứng khẳng định chính sách ngoại giao vì hòa bình của chính quyền An Nam.

Các nội dung cải cách với tinh thần “trọng dân”, “dưỡng dân” của họ Khúc đã có vai trò quan trọng trong việc thu phục lòng dân, tạo ổn định xã hội, thống nhất đất nước. Cải cách của Khúc Hạo không chỉ tạo ổn định cho đất nước, phát huy quyền độc lập tự chủ, mà còn củng cố chính quyền tự chủ của nước ta. Từ một mô hình của chính quyền đô hộ, Khúc hạo đã xây dựng một chính quyền thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đây chính là nền móng của một nhà nước phong kiến độc lập của nước ta sau này.       

 Cải cách của Khúc Hạo thể hiện rõ tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, ý thức dân tộc sâu sắc và quyết tâm lớn nhằm đưa dân tộc Việt Nam thoát hẳn khỏi ảnh hưởng của phong kiến phương Bắc. Sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, công cuộc cải cách của họ Khúc đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước, xã hội Việt Nam. Khúc Hạo được coi là nhà cải cách đầu tiên của nước ta dưới thời trung đại[10] và cũng là người đi đầu trong việc xây dựng nền độc lập, tự chủ gắn liền với thống nhất dân tộc.

3. Kết luận

Họ Khúc đã giành, giữ và khẳng định nền độc lập dân tộc ta sau 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù chưa xưng vương, chưa đặt quốc hiệu nhưng họ Khúc đã khẳng định được sự thắng lợi trong việc thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản là giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài và phát triển hưng thịnh cho dân tộc Việt Nam.

Chính sách ngoại giao của họ Khúc trong bối cảnh vô cùng khó khăn đầu thế kỷ X đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt. Chính sự mềm dẻo, khôn khéo trong bối cảnh đó đã tạo môi trường hòa bình trong suốt gần ¼ thế kỷ cho họ Khúc củng cố chính quyền, nuôi dưỡng sức dân, quy tụ sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, tạo cơ sở cho việc nâng cao thế và lực của đất nước. Họ Khúc đã đặt nền tảng quan trọng cho chính sách đối ngoại mềm dẻo, khôn khéo vì hòa bình của Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Những bài học kinh nghiệm từ giải pháp giành, gìn giữ và củng cố chính quyền trong hòa bình của họ Khúc đã được các triều đại sau kế thừa, phát huy, viết tiếp những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

           

 


[1]Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội 1998, Tr217.

 

[2] A.B. Pôliacốp. 1996. Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X- XIV. Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân dịch; Lê Đình Sỹ, Nguyễn Xuân Mạnh, Hán Văn Tâm hiệu đính. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - NXB Chính trị Quốc gia. H. Tr.22.

 

[3]A.B. Pôliacốp. 1996. Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X- XIV. Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân dịch; Lê Đình Sỹ, Nguyễn Xuân Mạnh, Hán Văn Tâm hiệu đính. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - NXB Chính trị Quốc gia. H. Tr.22, 23. 

 

[4] Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. (2010). Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 1). NXB Giáo dục Việt Nam. Hà Nội. tr.102

 

[5] Nguyễn Lương Bích, Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1996, Tr 175. 

 

[6] Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội 1998, Tr217.

 

[7] Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội 1998, Tr218.

 

[8] “Tĩnh hải quân” là tên gọi nhà Hậu Lương đặt cho nước ta thời kỳ này.

 

[9] Văn Tân (1980), Vài nét về chính sách ngoại giao của Trung Quốc với Việt Nam trong thời phong kiến, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 190.

 

[10] Văn Tạo, Mười cuộc cải cách đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, 2006, Tr 26 – 28.

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây