Thủ phủ xứ Đông

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn xuất bản do Cao Xuân Dục tổng tài biên soạn xong ngày 18/01/1910 viết: “Tỉnh Hải Dương từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 132 dặm; Từ phía Nam đến phía Bắc cách nhau 100 dặm. Phía Đông đến địa giới huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên 74 dặm; Phía Tây đến địa giới huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh 58 dặm; Phía Nam đến địa giới huyện Quỳnh Côi, tỉnh Nam Định 53 dặm; Phía Bắc đến địa giới 2 huyện Quế Dương và Phụng Nhãn, tỉnh Bắc Ninh 47 dặm; Phía Đông đến cửa Úc huyện Tiên Minh 81 dặm; Phía Đông Bắc đến địa giới huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên 113 dặm; Phía Tây Nam đến địa giới huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên 42 dặm; Phía Tây Bắc đến địa giới huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh 22 dặm. Xứ Đông rộng như vậy mà người xưa chọn thành Dền ở Ngọc Lặc, Ngọc Sơn dựng thủ phủ?
Thủ phủ xứ Đông
Người xưa rất coi trọng tính chất địa chính trị: “Phàm lập kinh đô phủ huyện phải chọn nơi rộng rãi, thoáng đãng, bằng phẳng, điều tối quan trọng là đô thị có thể xa núi nhưng tuyệt đối không thể thiếu nước (sông lớn mạch đầy), sau đó lấy sông nước mà xét. Sông nước uốn khúc thanh tú thì long khí hội tụ. Nếu không ở dưới núi lớn thì phải ở trên sông rộng, nơi cao nhưng không khô cằn, nước phải đủ dùng, nơi thấp tuy gần nước mà không bị lũ lụt. Người xưa dùng 6 chữ: bối sơn, diện thủy, hướng dương (tựa lưng vào núi, trước mặt là nước, hướng về mặt trời). Dựa vào những nhận biết về phong thủy nêu trên, và địa hình chiến lược của xứ Đông, ông Phạm Đình Hổ quan đại thần nhà Nguyễn khi ghé thăm trấn sở Mao Điền đã làm bài thơ cảm tác:

                      Trấn sở Hải Dương trên Hồng Lộ

                       Đồn canh văng vẳng tiếng chuông pha

                       Kinh vua vệ dực đường gần gặn

                       Mặt bể quan hà dặm thẳng xa

                       Bóng nguyệt, xóm Mao trong vắt đứng

                       Nhịp cầu sông Cẩm thẳm mù qua

                       Cánh đồng man mác khi nhàn vắng

                       Nọ cuộc can qua dấu chửa nhòa

    Ông cũng nhận xét, phê phán: “Định đô đặt trấn mà chỉ lấy cho gần nơi thanh viện, tiện việc chạy trạm, không để ý đến việc công thủ sau này, thì sao có thể khống chế được sơn hải, bảo vệ cho chốn bang kỳ được”.

    Ông Trần Công Hiến năm 1804 làm trấn thủ Hải Dương đã có lời tấu trình nhà vua rằng nên chọn điểm cao tại Hàn Giang mà xây đặt thành Đông để đóng hương binh mà phòng sự hoãn cấp.

     Ngày 19/3/1804, trong chuyến ra Hà Nội để tiếp sứ nhà Thanh là Tề Bố Sâm vua Gia Long cùng Trấn Thủ Hải Dương Trần Công Hiến đã khai móng xây thành Đông. Hôm ấy trời nắng nhẹ, lễ khai móng sắp bắt đầu thì đột nhiên nhà vua quay sang hỏi Trấn Thủ Trần Công Hiến rằng: “Ai xem ngày khai móng, hôm nay là ngày sát chủ?” Trấn thủ nhanh ý trả lời: “Dạ thưa hôm nay là ngày tốt nhất trong năm, là ngày có Hoàng đế đến nhà”. Việc khai móng xây thành diễn ra thật uy nghiêm.Trải qua 215 năm với bao nhiêu biến cố  lịch sử, thành Đông và Đông Kiều phố vẫn ngày càng phát triển. Lúc đầu thành có diện tích chưa đầy 1 km2, năm 2008 diện tích đô thị nâng lên thành 71,4 km2 và nay là 111,22 km2.

    Nếu nói về thủ phủ xứ Đông, diện tích đô thị Hải Dương hiện nay là 111,22 km2, xưa thời Hùng Vương thuộc Bộ Dương Tuyền. Thủ phủ bộ Dương Tuyền là thành Dền thuộc đất thôn Ngọc Lặc xã Ngọc Sơn. Thành Dền tồn tại suốt thời kỳ Hùng Vương, Thục An Dương Vương. Khi Triệu Đà xâm lược nước ta, chúng chia Âu Lạc thành 2 quận: Giao Chỉ (Bắc bộ) và Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), sát nhập vào nước Nam Việt, cắt cử quan lại và binh lính cai quản. Đứng đầu các quận về hành chính là Điển sứ, về quân sự là Tả tướng. Ở các cấp dưới vẫn giữ các lạc tướng người Việt, duy trì luật pháp, phong tục, tập quán của nước Âu Lạc. Như vậy Thành Dền và người đứng đầu xứ Đông thời kỳ này vẫn duy trì hoạt động. Theo truyền thuyết, thời kỳ tam quốc phân tranh, nhà Đông Ngô xâm chiếm nước ta, thành Dền bị phá hủy “Ngô Tàu phát tán”. Nhà Đông Ngô tồn tại từ năm 222 đến năm 280 SCN. Do vậy thành Dền thủ phủ Bộ Dương Tuyền tồn tại trên 2222 năm tại Ngọc Lặc (nay thuộc TP. Hải Dương).

      Hiện nay trên đất cố đô Hoa Lư có Cầu Dền, chợ Dền; thủ đô Hà Nội có Ô Cầu Dền, khu thành Dền ở Mê Linh Hà Nội; Ở tỉnh Phú Thọ có thành Dền, xóm Dền; Ở thị xã Bắc Giang tỉnh Bắc Giang có đình Dền, chùa Dền, Thành Dền; ở Ngọc Lặc, TP.Hải Dương có thành Dền. “Dền” là lát cắt thời gian văn hóa thời kỳ nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, còn “thành” là yếu tố quân sự (thành trì).

    Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đều có nhận định rằng: Thành Dền ở Bắc Giang là địa đầu phía Bắc ngăn chặn quân Tần, thành Dền ở Phú Thọ, ở Mê Linh - Hà Nội có vai trò bảo vệ kinh đô nhà nước Văn Lang ở Bạch Hạc, Cổ Loa. Thành Dền ở Ngọc Lặc thành phố Hải Dương là nơi đồn trú quân bảo vệ bờ biển phía Đông nhà nước Văn Lang là phên dậu của Bạch Hạc, Cổ Loa, Luy Lâu, Tống Bình, Long Biên, Hoa Lư. Thành Dền ở Hoa Lư là căn cứ địa của quân dân Văn Lang, một vùng núi non hiểm trở có thể che dấu hàng vạn quân.

    Thời kỳ độc lập tự chủ các triều Trần, Lê thủ phủ xứ Đông chuyển về Chí Linh (thành Vạn) trên 500 năm, sau đó chuyển về Mao Điền 65 năm. Năm 1804 thủ phủ xứ Đông chuyển về Hàn Giang xây dựng thành Đông kéo dài đến nay là TP. Hải Dương.

    Thành Đông nằm tại tả ngạn sông Kẻ Sặt, thành Dền nằm ở hữu ngạn sông Sặt ở vị trí là nơi giao hội của 2 dòng nước sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt (thủy khẩu giao hội), là nơi có sông lớn mạch đầy nay nằm trên đất thành phố Hải Dương. Tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, thủ phủ xứ Đông có trên 565 năm chuyển về Chí Linh và Mao Điền còn lại đặt trên đất thành phố Hải Dương ngày nay, sự thật lịch sử đó thật đáng suy ngẫm.

    Bài của Phạm Quý Mùi

    Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2019
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây