Một số kết quả hợp tác khoa học và công nghệ giữa tỉnh Hải Dương với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2018

Nông nghiệp của tỉnh Hải Dương được ghi nhận có sự tiến bộ vượt bậc trong những năm qua. Trong thành tựu chung đó,đóng góp của nhân tốkhoa học côngnghệ chiếm một vị trí quan trọng. Tận dụng ưu thế vị trí nằm ở vùng tam giác kinh tế trọng điểm khu vực đồng bằng sông Hồngvới điều kiện tự nhiên có nhiều tiềm năng để hợp tác, Hải Dương đã đẩy mạnh hợp tác khoa họcvà công nghệvới nhiều đơn vị nghiên cứu về sản xuất nông nghiệp, trong đó nổi bật là Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (gọi tắt là Viện cây).Nằm trong khuôn khổ củachương trình, hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ giữa tỉnh với Viện cây đã thu được một số kết quả đáng khích lệ trên các phương diện sau:
Một số kết quả hợp tác khoa học và công nghệ giữa tỉnh Hải Dương với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2018

1. Về nghiên cứu, phát triển giống cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh

Hai bên đã nghiên cứu, tuyển chọn được một số giống lúa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương bao gồm: giống lúa ngắn ngày N25, PC6 và P6ĐB đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phục vụ phát triển cây vụ đông trên địa bàn tỉnh; Giống lúa chất lượng tốt, giá trị cao phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu như giống HDT10, Sơn Lâm 2, Gia Lộc 159, 102, 105, LTh31 và giống lúa Gia Lộc 301 làm nguyên liệu phục vụ chế biến bún, bánh. Các giống lúa mới được nghiên cứu, tuyển chọn đưa vào địa bàn tỉnh nhìn chung đều thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; có thời gian sinh trưởng thích hợp với cơ cấu mùa vụ của tỉnh; cho năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh hơn hẳn các giống đang sản xuất đại trà; đáp ứng được nhu cầu và định hướng phát triển lúa gạo hàng hóa của tỉnh.

Ngoài cây lúa, hai bên đã phối hợp nghiên cứu, tuyển chọn thành công một số giống rau màu cho tỉnh như: cà chua VT5, VT10; dưa chuột nếp lai 1, dưa chuột Hạ xanh, dưa bở vàng thơm; bí xanh số 1, số 2; khoai tây Sinora, Marabel… Qua thực tiễn kiểm nghiệm cho thấy, các giống rau màu sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất Hải Dương, có tiềm năng và năng suất thực thu cao, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, một số giống cây ăn quả như Đại táo 15, ổi trắng số 1 đã được quan tâm nghiên cứu, tuyển chọn cho năng suất cao và chất lượng ổn định.

2. Về ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất

Hai bên đã quan tâm ứng dụng và chuyển giao thành công kết quả nghiên cứu về các giống lúa vào thực tiễn sản xuất của địa phương. Mô hình các giống lúa ngắn ngày N25, PC6, P6ĐB đã được người dân đón nhận và nhân rộng tại các huyện như Nam Sách, Gia Lộc, Kim Thành. Các giống lúa HDT10, Lth31, Gia Lộc 102, Sơn Lâm 2, Gia Lộc 159 chất lượng cao, kháng rầy nâu, bạc lá, đạo ôn đã được mở rộng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại nhiều huyện trong tỉnh thay thế dần các giống lúa kém chất lượng đang được canh tác tại địa phương. Một số tiến bộ kỹ thuật đồng bộ đã được hai bên lựa chọn, chuyển giao để phát triển các vùng sản xuất rau màu hàng hóa tập trung, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã làm tăng tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho cây cà rốt lên 25%, cải bắp lên 20% và súp lơ là 18%.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, Hải Dương đã bổ sung và phát triển được một số giống rau màu vào cơ cấu cây trồng của địa phương. Đưa diện tích bí xanh số 1 và số 2 của tỉnh luôn đạt từ 900 - 1.200 ha/năm; diện tích dưa bở vàng thơm Số 1 của tỉnh luôn duy trì ở mức từ 60 - 80 ha/năm, năng suất vượt các giống dưa cũ từ 25 - 30%. Đồng thời đưa giống Đại táo 15 phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, chiếm trên 50% diện tích cây táo của tỉnh; phát triển giống ổi trắng số 1 quả ngọt, ít hạt canh tác ở quy mô từ 600 - 700 ha, mang lại thu nhập cao 2 - 3 lần so với canh tác lúa.

3. Về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho người dân

Hai bên đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức được hơn 200 lớp tập huấn cho trên 21.000 lượt người tham gia. Viện cây còn tổ chức hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng; kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tưới nước hiệu quả, tiết kiệm… Hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đã phổ biến, chuyển giao kịp thời các kỹ thuật canh tác tiên tiến, tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng tới người dân trong tỉnh; giúp người dân nắm vững quy trình sản xuất, từng bước tiếp cận và làm chủ được các kỹ thuật trong hoạt động sản xuất của mình.

4. Các hoạt động hợp tác khác

Hai bên đã tích cực hợp tác để hỗ trợ các địa phương thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Hiện các mô hình hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm đang phát huy tác dụng thiết thực trong thực tế, được tiếp tục duy trì tại các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng sản xuất rau màu tập trung của tỉnh. Đặc biệt, trong 2 năm thực hiện việc kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kim Thành, đã giúp cho người nông dân có đầu ra ổn định. Thu nhập từ sản xuất cải bắp trong chuỗi liên kết đạt từ 160,4 - 167,85 triệu đồng/ha; súp lơ đạt từ 134,6 - 146,7 triệu đồng/ha; cà rốt  đạt từ 168,9 - 181,2 triệu đồng/ha, đem lại hiệu quả vượt trội so với sản xuất thông thường của người dân từ 12- 34%. Bên cạnh việc hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến và mô hình sản xuất hiệu quả,  hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các nông sản đặc sản của tỉnh đã được coi trọng thực hiện.

Hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ giữa tỉnh và Viện cây đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp nhất định vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Kết quả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được người dân đón nhận, áp dụng không chỉ ở phạm vi các huyện trong tỉnh, mà còn lan tỏa sang các tỉnh, thành lân cận. Đây chính là những tác động tích cực mà hoạt động hợp tác đã đạt được trong thời gian qua.

Các kết quả mà hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt được sẽ là những tiền đề quan trọng để tỉnh Hải Dương và Viện câytiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu, ứng dụng trong thời gian tiếp theo. Trong đó các định hướng được hai bên quan tâm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đó là: nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương;Chú trọng đầu tư phát triển bộ giống cây trồng chủ lực đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường và phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh;Quan tâm nghiên cứu, phục tráng, duy trì và phát triển giống cây trồng đặc sản đi đôi với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm; Nghiên cứu, lựa chọn và chuyển giao kịp thời các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương; Ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; gắn công nghệ sản xuất an toàn với công nghệ bảo quản, chế biến và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên./.

Bài của TS Lê Lương Thịnh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10/2019


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây