Bảo tồn và phát huy khu di tích Nhẫm Dương

Khu di tích Nhâm Dương được quan tâm bảo tồn từ trước khi lập hồ sơ xếp hạng bậc Quốc gia, rồi gần đây được liệt hạng Di tích đặc biệt quan trọng. Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trước khí thế đổi mới, cả nước ra quân, tiến nhanh, tiến mạnh vào mặt trận công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước tình thế đó, nhiều nơi vì say sưa với đổi mới nền kinh tế, đặc biệt là công nghiệp xi măng đã vi phạm Pháp lệnh bảo vệ di sản văn hóa dân tộc tại vùng núi đá vôi Kinh Môn. Đề khắc phục tình trạng này, Ban Thông sử và Bảo tàng tỉnh đã thực hiện đề tài Nghiên cứu và bảo tồn cảnh quan và hang động tại vùng núi đá vôi Kinh Môn. Năm 1992 đã hoàn thành sơ đồ các hang động, Ban chủ nhiệm đề tài đề nghị một số hang động cần bảo tồn, trong đó có khu di tích Nhẫm Dương.

Bảo tồn và phát huy khu di tích Nhẫm Dương

 Khu di tích  được quan tâm bảo tồn vì những nội dung sau: Khu di tích Nhẫm Dương có cảnh quan đẹp và hệ sinh thái động thực vật phong phú so với những núi đá vôi trong vùng. Tại đây đã tìm được di tích và di vật văn hóa tiền sử như: di vật của văn hóa Hạ Long, Đông Sơn. Kể từ đầu công nguyên đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng xuất lộ nhiều di tích quan trọng, liên tục từ thời Bắc thuộc đến văn hóa phong kiến Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gần đây cũng là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng.

Về mặt tôn giáo, tại đây còn nhiều di tích Phật giáo từ thời Trần, Lê, Nguyễn, đặc biệt là  chốn tổ của phái thiền Tào Động Việt Nam ở thế kỷ XVII, trong đó có tháp mộ của Thánh tổ Thủy Nguyệt.

Tháng 4/2000, phát hiện di vật và hóa thạch di cốt của con người và động vật của thời kỳ hậu cánh tân, cách ngày nay 5 vạn năm. Từ những nội dung nói trên, được sự quan tâm của Tỉnh ủy và Ủy ban nhận dân tỉnh, sự ủng hộ của những ngành hữu quan và nhân dân địa phương mà di tích được xếp hạng Quốc gia năm 2002, rồi Di tích đặc biệt quan trọng năm 2017. Những di tích được xếp vào hạng Đặc biệt quan trọng trên đất nước ta không nhiều. Đây mới là bước đầu, vấn đề quan trọng hơn là bảo tồn và phát huy một cách toàn diện khu di tích.

Văn hóa Đông Sơn do dân tộc ta sáng tạo cách nay trên 2500 năm, nay vẫn còn hàng vạn di vật được lưu giữ trong các bảo tàng, trống đồng đã trở thành biểu trưng của văn minh dân tộc. Không một nhà nước và công dân nào mang di vật của quốc gia đem bán để tiêu xài trừ bọn phản bội dân tộc và giặc dã. Thành Cổ Loa thời Vua Thục đã gần 2300 năm, Thành nhà Hồ trên 600 năm vẫn còn đó dù bao lần giặc dã tàn phá. Thành Thăng Long bao phen ngoại xâm hủy hoại nay vẫn còn di tích. Bảo vệ những di  tích đó, nhà nước tốn kinh phí, nhân dân tốn công sức và tiền của cốt sao giữ được linh hồn và sự tự tin của dân tộc đã là hài lòng. Ngày xưa không có tham quan du lịch, không ai lấy vé vào di tích, nhân dân còn nghèo, di tích vẫn được bảo tồn bằng tâm hồn, tiền của và xương máu của nhân dân qua hàng nghìn năm. Không thiếu những minh văn ghi nhận những tấm lóng cao cả của tín chủ công đức cho di tích từ rất nhỏ đến lớn và rất lớn trong lịch sử. Chùa Dương Nham trùng tu năm 1532, có trên 600 người công đức từ nhiều nơi trên đất Bắc. Ngày nay một số di tích không có nguồn thu du lịch hay công đức không đủ chi cho nhu cầu bảo tồn do nhiều lý do, dù vậy cũng không lấy nguồn thu tài chính để mà đánh giá di tích. Ví dụ khu nhà sàn Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch, từ khi cho khách tham quan đến giờ, nhà nước không thu của ai môt đồng nào, khách trong và ngoài nước đến mỗi năm một đông. Cái mà nhà nước thu được là sự kính trọng của nhân dân đối với lãnh tụ cách mạng, tự học được từ di tích của Bác những điều bổ ích cho cuộc sống của cá nhân mình, cho trách nhiệm công dân đối với đất nước. Đó mới là thu hoạch lớn lao từ di tích lịch sử - văn hóa dân tộc. Từ những lý do trên mà đặt ra cách bảo tồn di tích Nhẫm Dương.

Trước hết phải hoàn thiện mốc giới của khu di tích. Không có mốc giới cũng có nghĩa là  không có căn cứ bảo tồn. Có mốc giới rồi cần có hàng rào bảo vệ, từ đơn giản đến hiện đại, có như vậy mới bảo tồn được sinh cảnh.

Bảo vệ cảnh quan vốn có và những động thực vật hiện tồn tại, từng bước bổ sung những cây con đã mất. Khí hậu ở tỉnh ta ôn hòa, hằng năm không thiếu nước, mùa đông không khắc nghiệt, cây cối có thể phát triển quanh năm. Chỉ cần không động đến môi trường sinh cảnh thì khu di tích sẽ mau chóng tốt tươi, nếu được chăm bón và bảo vệ theo quy trình hiện đại thì di tích sẽ sớm trở thành thắng cảnh huy hoàng.

Việc tôn tạo các công trình trong khu di tích phải tuân thủ Luật Bảo tồn di tích. Công trình kiến trúc tôn tạo không cần lớn nhưng cần bền đẹp, phù hợp với cảnh quan và môi trường.

Việc trưng bầy trong khu di tích cần chính lý để có một bảo tàng đích thực dù nhỏ. Hiện vật nào khai thác tại khu di tích, hiện vật nào ở ngoài khu di tích cần thuyết minh rành rẽ tránh hiểu lầm mọi thứ đều ở khu di tích. Sớm có người thuyết minh chuẩn mực tại khu di tích, nên lấy người bản xã để tiện việc phục vụ, không nên mọi việc khoán trắng cho nhà chùa. Nhà chùa còn phải lo phần đạo, không thể đảm đương mọi việc của phần đời. Nhà nước đã có dự án bảo tồn và phát huy khu di tích, nhưng từ dự án đến hiện thực là cả một quá trình dài. Trong quá trình thực hiện thấy điều nào bất hợp lý cần sớm điều chỉnh để sự nghiệp phát triển. Đặc biệt là giao thông phải thuận tiện.

Cần giới thiệu một cách căn bản nội dung di tích trên mạng thông tin đại chúng để khách thập phương biết những điểm ưu việt của khu tích trước khi đến thăm di tích, nhất là dịp lễ hội. Cách tiếp khách và giới thiệu đặc điểm của di tích là vấn đề phải đặc biệt quan tâm để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.  

Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại di tích cũng như tài sản của di tích theo luật định. Tiền nhân dân công đức và kinh phí của nhà nước là để bảo tồn di tích, không để cá nhân và tổ chức nào lợi dụng. Có như vậy chúng ta mới có uy tín vận động nhân dân ủng hộ. Hiện nay đời sống của nhân dân đã được cải thiện nhiều, nếu thấy có ích cho dân cho nước nhân dân sẽ ủng hộ, nguồn kinh phí không thiếu chỉ sợ thiếu sự tự trọng và niềm tin.

Việc cuối cùng là tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương, trước hết là bản xã phải đặc biệt quan tâm đến bảo tồn di tích, coi di tích là của quê hương mình. Mọi quyền lợi của di tích, trong đó có nguồn thu cần minh bạch và giành một phần cho phúc lợi cho dân xã. Chỉ có như vậy, di tích mới có thể được bảo tồn và phát huy lâu dài.

Nếu làm tốt được mọi việc như trên, di tích sẽ ngày càng tốt đẹp, nguồn thu ngày càng lớn, phúc lợi của địa phương và bản tự ngày càng nhiều.

Bài của Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12/2019


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây