Biến vùng đất khô cằn thành vườn cây ăn quả cho thu nhập cao

Từ một vùng đất khô cằn, hoang sơ ở thôn Bắc An, xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ, anh Nguyễn Xuân Ngọ ở thôn Độ Trung, xã Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) đã biến nơi đây thành một vườn cây ăn quả xanh tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao chỉ 3 năm sau đó.

Biến vùng đất khô cằn thành vườn cây ăn quả cho thu nhập cao

Đến thôn Bắc An, xã Đông Kỳ thăm vườn cây ăn quả của anh Nguyễn Xuân Ngọ, chúng tôi thật sự ấn tượng trước mảnh vườn cây trái sum suê, tỏa bóng mát rượi đang vào mùa trổ hoa, kết trái. Trong câu chuyện với chàng trai trẻ tuổi này chúng tôi được biết: Sau nhiều năm bươn trải khắp nơi, khi làm công trình lớn, khi xây nhà tư nhân...để nuôi sống bản thân và gia đình nhưng cũng chỉ đủ sống. Nhiều đêm suy nghĩ, anh Ngọ vẫn thấy rằng không đâu bằng quê mình nên quay về lập nghiệp. Nhớ lại thời gian ở Thanh Hóa anh làm nghề xây dựng được đi tham quan các vườn cây ăn quả, anh Ngọ nhận thấy, trồng cây ăn quả vừa tốn ít công chăm sóc mà thu nhập lại cao. Anh đã đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Quảng Ninh…để từ đó phát huy những ưu điểm của các mô hình học hỏi, hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra đối với mô hình của mình. Dám nghĩ dám làm, từ năm 2015, anh đã mạnh dạn nhận dồn đổi và đấu thầu 5 ha đất ruộng 03 bỏ hoang của những hộ nông dân trong xã Đông Kỳ rồi cải tạo tìm mua giống cây về trồng và chăm sóc.

Nhớ lại quãng thời gian vật lộn với từng tấc đất, anh Ngọ cho biết: “Trước đây, cả khu đất này đâu đâu cũng là cỏ dại, cỏ lau mọc cao hơn đầu người do bị bỏ hoang lâu năm. Để cải tạo vùng đất này, tôi và gia đình lặn lội từ sáng sớm tới tối mịt ngoài ruộng để phát hoang, thuê máy xúc, nhân công để cải tạo, đào đắp thành luống, san ủi để có diện tích làm lán ở tạm. Trong quá trình làm, thấy vợ chồng tôi không quản đêm ngày đổ mồ hôi để cải tạo khu đồng hoang, người dân ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm”.

Khó khăn không chỉ dừng lại ở đấy, vốn là khu đất bỏ hoang lâu năm nên việc cải tạo đất để trồng cây ăn quả không phải là dễ. Anh đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng để mua trấu, phân bò, phân lợn. Theo anh Ngọ bật mí: “Chỉ cần thay đổi lối canh tác và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như không bón quá nhiều phân vô cơ vào cây và đất; bón phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất. Hàng năm, ủ phân bò, phân lợn với trấu, cộng với 5 - 7 kg vôi, 50 kg phân lân Ninh Bình, 100 kg lân Lâm Thao/tấn phân. Liên tục như vậy, sau nhiều năm, đất sạch, cây khoẻ, quả tự nhiên ngọt”, chất lượng quả ngày càng được khách hàng ưa chuộng khi đưa ra thị trường và giá thành khi xuất bán cao hơn những hộ khác trên địa bàn.  

Ngoài ra, anh còn đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun nước tự động tưới cây theo công nghệ tiên tiến hiện nay. Đó là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ dưới mặt đất lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước các vòi phun cố định, tự động xoay được với góc 360 độ, được đặt cao khỏi mặt đất 0,5 - 1 m, để tăng ẩm độ không khí, giảm độ nóng cho quả, cây, chống hiện tượng rụng quả do thời tiết khắc nghiệt. Cách tưới này khắc phục được hiện tượng thời tiết không thuận lợi, như nắng nóng, độ ẩm không khí thấp đảm bảo năng suất, chất lượng quả và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao.

Với sự đam mê và chịu khó tìm tòi, ham học hỏi những loại cây trong vườn của anh Ngọ càng ngày càng phát triển xanh tốt, không phụ công người chăm sóc. Gần 3 năm kể từ ngày bắt tay gây dựng, vườn cây của anh Ngọ đã bắt đầu đơm hoa kết trái và cho thu hoạch. Tuy nhiên mỗi loại cây trồng lại cần có một quy trình chăm sóc riêng, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn anh còn tìm hiểu thêm từ mạng Internet để bổ sung nguồn kiến thức và chăm sóc cây trồng cho phù hợp.

Hiện tại, trong vườn cây của anh đang có khoảng hơn 2.000 cây bưởi da xanh, bưởi Tân Lạc, bưởi đào Hưng Yên; hơn 1.000 cây cam vinh; 500 cây nhãn lồng Hưng Yên. Ngoài ra, anh còn trồng xen 1.000 gốc táo Thái Lan, 600 cây chanh Tứ Qúy và 1.000 cây hồng xiêm. Bên cạnh đó, mô hình trồng cây ăn quả của anh Ngọ còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 6 đến 7 lao động khác trong xã, với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Năm 2019, anh Ngọ tiếp tục mở rộng đấu thấu 5 ha diện tích đất 03 ruộng bỏ hoang cải thành vườn cây ăn quả.

Những nỗ lực, cố gắng của anh Ngọ sẽ được đền đáp xứng đáng khi vài năm tới đây, anh có thể thu được hàng trăm triệu từ khu vườn cây ăn quả. Theo anh Ngọ nhẩm tính: “Nếu từ đây đến cuối năm mà vườn cây vẫn phát triển ổn định thì 1.000 cây táo sẽ cho thu hoạch từ 6 đến 7 tạ, với giá 30.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các loại trái cây khác như hồng xiêm, bưởi, chanh vẫn giữ mức giá như bây giờ thì vườn cây của mình sẽ cho thu nhập khá cao. Bình quân, mỗi năm vườn cây ăn quả của anh Ngọ cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của anh Ngọ, để tạo sản phẩm có chất lượng thì bên cạnh việc thường xuyên cắt, tỉa những nhánh cây thừa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả thì người trồng nên dùng các loại phân bón hữu cơ. Bởi những loại phân này có hàm lượng protein và đạm tự nhiên giúp cây dễ hấp thụ, chắc khỏe, lá cứng, quả ngọt và thơm đậm đà, hơn nữa, không tồn dư hóa chất trong sản phẩm. Ngoài dùng phân chuồng ủ mục, anh dùng bột đỗ tương trộn tro rơm cộng với phân xanh để bón.

Khát vọng làm giàu trên vùng đất quê hương đã giúp anh Nguyễn Xuân Ngọ vượt qua nhiều khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay. Với kiến thức, nghị lực của mình, tin tưởng rằng, anh sẽ thành công hơn nữa, góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương.

Bài của Trần Thị Yến

Đăng trẻn Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12/ 2019


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây