Ngày 28/10/2019 UBND tỉnh Hải Dương và Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã ký Chương trình hợp tác số 3803 /CTr-UBND-VCLTCTP về Hợp tác khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương xin giới thiệu kết quả nổi bật quá trình hợp tác giai đoạn 2008 - 2018 và nội dung cơ bản của Chương trình hợp tác giai đoạn 2020 - 2030.
I. Một số kết quả nổi bật trong hợp tác giữa tỉnh Hải Dương và Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm giai đoạn 2008 - 2018
Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (gọi tắt là Viện Cây) đã phối hợp với tỉnh Hải Dương nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển các giống lúa, cây rau màu, cây ăn quả và nghiên cứu áp dụng các quy trình kỹ thuật, mô hình quản lý mới trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hải Dương.
Từ việc thực hiện các nhiệm vụkhoa học và công nghệ(KHCN)đã lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với nhu cầu, tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai của từng địa phương để ứng dụng nhân rộng các mô hình vào sản xuất. Các giống và tiến bộ kỹ thuậtmới của Viện đã và đang đóng vai trò nhất định trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Một số giống lúa như P6, P6ĐB, P376, GL105, N25…vẫn đang tiếp tục được sản xuất với quy mô hàng ngàn ha trên địa bàn tỉnh góp phần ổn định sản xuất. Việc ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, đưa năng suất lúa bình quân của tỉnh lên 60,4 tạ/ha/vụ, cao hơn năng suất lúa trung bình của cả nước (56,6 tạ/ha) 4,2 tạ/ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống cũ từ 7-15% góp phần cải thiện đời sống cho ngườidân.
Nhiều giống cây trồng mới của Viện đã được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh, tạo các vùng sản xuất hàng hóa như các giống khoai tây Sinora, bí xanh số 1, bí xanh số 2, dưa bở vàng thơm Số 1, các giống cây ăn quả: táo, ổi… Các kết quả nghiên cứu đã này góp phần đưa sản lượng cây rau mầu các loại đạt trên 663.222 tấn, nâng cao giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt, xây dựng được một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung giá trị sản xuất đạt 150-300 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình liên kết tổ chức sản xất cây rau màu đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu cho doanh nghiệp là mô hình đầu tiên có sự tham gia liên kết của 4 nhà: Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Nông dân. Đây là mô hình tạo tính ổn định cho người sản xuất an tâm sản xuất, tiếp thu quy trình công nghệ mới, nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm nông sản có chất lượng cao cho công đồng người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Các sản phẩm KHCNcủa Viện đã hỗ trợ một phần cho phát triển nông nghiệp bền vữngcủa tỉnh Hải Dương cả về kinh tế - xã hội và môi trường; giúp cho sự chuyển đổi từ việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún các giống lúa năng suất, chất lượng kém, nhiễm sâu bệnh hại sang hình thành các vùng sản xuất tập trung các giống lúa chất lượng, kháng sâu bệnh, có sự đầu tư của doanh nghiệp và ký kết bao tiêu sản phẩm.
II. Chương trình hợp tác KHCN giữa tỉnh Hải Dương với Viện Cây trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2020 - 2030
1. Mục tiêu cụ thể của Chương trình hợp tác
- Lựa chọn và chuyển giao thành công các tiến bộ KHCN về giống, kỹ thuật canh tác trong sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng lúa vào năm 2030 tăng 15 - 20% so với năm 2020.
- Chuyển giao và làm chủ các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật nhân giống, canh tác, bảo quản sau thu hoạch đối với cây hành, tỏi, mủa; góp phần giảm chi phí giống từ 20 - 30%, mở rộng diện tích hành tỏi trái vụ lên 15 - 20%, nâng cao thu nhập cho người sản xuất hành tỏi từ 100 - 200 triệu đồng/ha/vụ, phấn đấu đến năm 2030 tăng giá trị sản xuất cho nông dân trồng hành tỏi toàn tỉnh khoảng 1.200 - 2.400 tỉ đồng/năm so với năm 2020.
- Nghiên cứu và chuyển giao được các kết quả nghiên cứu về giống, bảo vệ thực vật, canh tác nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất một số loại rau chủ lực của tỉnh như: cà rốt, bắp cải, súp lơ, dưa chuột, bí xanh... để giảm chi phí đầu vào 15 - 20%, năng suất đạt ổn định, chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn, tăng tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất so với năm 2020 khoảng 15 - 30%.
- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất khoai tây hàng hóa, giảm chi phí sản xuất 10 - 15%, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 - 20%.
- Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất cây ăn quả ngắn ngày (cây na, cây ổi, cây táo) nhằm tăng năng suất 10 - 15%, có chất lượng tốt, đạt thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha ở tuổi 4 - 5.
- Xây dựng được thương hiệu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị cho một số loại nông sản có tiềm năng của tỉnh: lúa chất lượng cao, cây thực phẩm xuất khẩu, cây ăn quả và cây dược liệu. Phát triển được một số sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù cho Hải Dương tại một số vùng sản xuất.
2. Nội dung Chương trình hợp tác
* Đối với cây lúa
- Chuyển giao và phát triển sản xuất các giống lúa mới kháng bệnh bạc lá, đạo ôn, rầy nâu, thích ứng với biến đổi khí hậu vào canh tác tại địa bàn tỉnh nhằm giảm tối đa chi phí nhân công và thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo năng suất, chất lượng lúa gạo, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái. Nghiên cứu phòng ngừa, quản lý bệnh thối thân trên giống lúa nếp cái hoa vàng.
- Phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa theo hướng chất lượng cao (lúa thơm, lúa nếp), các giống lúa mới phục vụ cho chế biến (bún, bánh, rượu...), các giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày cho vùng sản xuất cây vụ đông.
- Xây dựng mô hình sản xuất lúa gắn với kỹ thuật canh tác tiên tiến, áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu lúa đặc sản, hữu cơ, lúa dinh dưỡng, lúa dược thảo... tăng giá trị cho mặt hàng lúa gạo.
* Đối với cây hành, tỏi, mủa
- Nghiên cứu tuyển chọn bộ giống hành, tỏi, mủa có khả năng chịu nóng, chịu lạnh, chịu sâu bệnh... phục sản xuất hành trái vụ (Xuân Hè, Hè Thu).
- Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật giảm thiểu bệnh thối củ, sương mai hại cây hành, tỏi trong vụ đông.
- Nghiên cứu các kỹ thuật nhân giống hành, tỏi, mủa bằng phương pháp nuôi cấy mô, nhân giống bằng hạt và phát triển nhân giống hành, tỏi theo quy mô công nghiệp, chủ động nguồn giống sạch bệnh cung ứng cho sản xuất đại trà.
* Đối với cây rau màu khác
- Chuyển giao các giống dưa chuột, bí xanh, cà chua mới có khả năng kháng bệnh cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào sản xuất.
- Xây dựng và phát triển vùng sản xuất rau chủ lực của tỉnh; áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp đối với canh tác cà rốt, bắp cải, súp lơ để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, tăng tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa giá trị cao.
- Chuyển giao kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao, đạt giá trị sản xuất từ 1,5 - 2,5 tỉ/ha/năm. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại một số địa phương trong tỉnh.
- Xây dựng mô hình sản xuất một số cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 5 lần so với sản xuất lúa.
* Đối với cây khoai tây: Nghiên cứu tuyển chọn bộ giống khoai tây mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp ăn tươi và chế biến; Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất khoai tây hàng hóa, giảm chi phí sản xuất 10 - 15%, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập 15 - 20% trên một đơn vị diện tích.
* Đối với cây ăn quả ngắn ngày: Thử nghiệm và phát triển một số giống táo, giống na, giống ổi mới có năng suất cao, chất lượng tốt hơn các giống hiện có; Cải tạo vườn cây ăn trái ngắn ngày bằng các biện pháp lai ghép…
* Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường: Phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; Phát triển thị trường, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh.
3. Nhiệm vụ đặt hàng trong Chương trình
* Một số nhiệm vụ đặt hàng trọng tâm, trước mắt
- Nghiên cứu, tuyển chọn giống lúa nếp đặc sản, lúa thuần chất lượng cao, đặc trưng cho tỉnh Hải Dương.
- Phát triển vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo của tỉnh Hải Dương.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nhân giống hành, tỏi bằng phương pháp nuôi cây mô và gieo hạt phục vụ sản xuất hành, tỏi thương phẩm tại tỉnh Hải Dương.
- Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa và xử lý bệnh thối củ trong sản xuất hành, tỏi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và biện pháp quản lý tổng hợp nâng cao năng suất, chất lượng và tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong sản xuất cây rau màu chủ lực của tỉnh.
- Nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển một số giống cây ăn quả mới năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện của tỉnh Hải Dương.
* Nhiệm vụ đặt hàng trong quá trình thực hiện chương trình: Trong quá trình triển khai thực hiện, căn cứ vào nội dung hợp tác của chương trình, nhu cầu thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh và năng lực đáp ứng của Viện cây, các Sở ngành liên quan và các huyện, thành phố tiếp tục đề xuất nhiệm vụ đặt hàng đưa vào chương trình để triển khai thực hiện.
4. Tổ chức thực hiện
- Định kỳ hàng năm đề xuất thành các nhiệm vụ KHCN cụ thể, đưa vào Kế hoạch khoa học và công nghệ để phê duyệt, triển khai thực hiện.
- UBND tỉnh Hải Dương giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện Chương trình.
- Viện Cây chủ động phối hợp với các địa phương liên quan trong việc đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc nội dung chương trình hợp tác.
- Kết thúc 5 năm tổ chức sơ kết, đề xuất các nhiệm vụ đặt hàng trọng tâm cho 5 tiếp theo và kết thúc 10 năm thực hiện Chương trình, tổ chức tổng kết đánh giá kết quả hợp tác làm cơ sở đề xuất Chương trình hợp tác cho giai đoạn tiếp theo.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Khoa học và Công nghệ) và Viện Cây để xem xét, phối hợp giải quyết./.
Bài của Nguyễn Văn Vóc, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12/2019