Tỉnh Hải Dương có diện tích gieo trồng cây rau màu khoảng trên 17 nghìn ha mỗi năm, bao gồm các loại cây trồng đa dạng, phong phú như ngô, dưa hấu, dưa lê, su hào, cà rốt, bắp cải...với nhiều vùng trồng rau màu chuyên canh như Kim Thành, Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ. Các hộ trồng thâm canh cây rau màu có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để sản xuất cây rau màu phát triển một cách bền vững, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đóng vai trò quan trọng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây rau màu, giảm chi phí và lượng sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiệu quả vào sản xuất cây rau màu của tỉnh Hải Dương, năm 2015, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương đã xây dựng mô hình thử nghiệm chế phẩm sinh học Trichoderma BIMA. Mô hình triển khai tại các địa phương của huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc, với số lượng 168 kg chế phẩm Trichoderma BIMA; áp dụng trên cây rau màu với quy mô 2 ha; tuân theo quy trình kỹ thuật của Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh.
Chế phẩm sinh học Trichoderma BIMA là loại chế phẩm có chứa nấm đối kháng có khả năng tiêu diệt và khống chế ngăn ngừa các loại nấm bệnh hại cây trồng gây bệnh xì mủ, vàng lá, thối rễ, chết yểu, héo rũ; phân giải các chất xơ trong phế thải hữu cơ thành các đơn chất dinh dưỡng, giúp cho cây hấp thu được dễ dàng; kết hợp với phân hữu cơ làm tăng độ phì nhiêu, cải tạo đất trồng. Vụ hè thu 2015, mô hình thử nghiệm chế phẩm sinh học Trichoderma BIMA được triển khai tại xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ (0,5 ha) và xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc (0,5 ha), áp dụng trên cây dưa hấu, dưa lê. Trung tâm đã cấp phát 84 kg chế phẩm Trichoderma BIMA và 6 tấn phân chuồng để các hộ dân ủ với xác bã thực vật làm phân bón hữu cơ.
Kết quả theo dõi mô hình sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA với mô hình không sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA làm đối chứng cho thấy: Tỷ lệ sống của cây con trong mô hình khi sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA giai đoạn ươm bầu đạt 99,9%, cao hơn so với mô hình không sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA (đạt 97%). Ưu thế của mô hình sử dụng chế phẩm sinh học thể hiện rõ nhất ở khả năng chống chịu sâu bệnh trên cây rau màu. Cây dưa ở mô hình sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA có tỷ lệ nhiễm các loại bệnh héo cây con, rỉ sắt, sương mai ở mức không đáng kể. Trong khi đó, cây dưa ở mô hình không sử dụng chế phẩm Trichoderma có tỷ lệ nhiễm các bệnh trên từ 5-15%. Do diễn biến thời tiết vụ hè thu bất thường, nắng nóng và mưa to cục bộ kéo dài, dẫn đến tỷ lệ bị bệnh héo dây tăng cao ở cả mô hình có và không sử dụng chế phẩm, song mức độ nhiễm bệnh của mô hình sử dụng chế phẩm ở mức độ 3, nhẹ hơn ở mô hình không sử dụng chế phẩm (mức độ 4). Vì thế, các hộ trồng dưa bón chế phẩm Trichoderma BIMA đã giảm được 1/2 lượng thuốc trừ bệnh so với mô hình không sử dụng chế phẩm.
Về năng suất của mô hình dưa hấu, mỗi cây chỉ để lại một quả, khối lượng trung bình dưa hấu đạt 1,5 kg/quả, năng suất đạt 750 kg/sào. Với giá bán trung bình 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư mỗi sào dưa hấu thu lãi khoảng 2- 3 triệu đồng; mô hình dưa lê có năng suất trung bình đạt 700 kg/sào, giá bán trung bình 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư mỗi sào dưa lê thu lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng.
Vụ thu đông 2015, mô hình được triển khai tại hai địa điểm trên với quy mô và số lượng chế phẩm tương tự, áp dụng trên cây su hào vụ đông. Qua theo dõi mô hình ứng dụng chế phẩm trên cây su hào cho thấy: Tỷ lệ sống của mô hình khi sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA giai đoạn ươm bầu cao hơn so với mô hình khi không sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA. Mô hình sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA có sử dụng xác bã thực vật và phân chuồng ủ vởi chế phẩm Trichoderma BIMA thành phân bón hữu cơ hoai mục bón ngoài đồng ruộng làm cho đất tơi xốp và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hấp thu nên củ Su hào của mô sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm Trichoderma có kích thước to hơn so với mô hình không sử dụng Trichoderma.
Tính tới thời điểm hiện tại, thời tiết thuận lợi nên rau màu nói chung và cây su hào nói riêng cũng ít bị sâu bệnh. Mặt khác, mô hình có sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA có khả năng phòng và tiêu diệt các loại nấm gây hại nên cũng giảm đáng kể tỷ lệ bị bệnh phát sinh gây hại. Dự kiến, với giá bán trung bình 2.200 đồng/củ, sau khi trừ chi phí đầu tư mỗi sào Su hào thu lãi 3,5 triệu đồng.
Gia đình ông Lê Mạnh Hùng, thôn Hoàng Xá, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc cùng với 3 hộ trồng rau màu tại xã Hồng Hưng tham gia mô hình sử dụng chế phẩm Trichoderma BIMA trong sản xuất cây rau màu ở cả 2 vụ năm 2015. Ông Hùng cho biết: Sử dụng chế phẩm để xử lý phân chuồng thành phân hữu cơ hoai mục không hề khó áp dụng, chi phí không cao, có hiệu quả rõ rệt đối với cây trồng: cây rau màu khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, lá dày và có màu xanh đậm, khả năng chống chịu các loại bệnh gây hại tốt hơn so với khi chưa sử dụng chế phẩm sinh học. Năm 2015, ông Hùng sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý phân bón để trồng dưa lê và su hào đã giảm được lượng phân hóa học sử dụng, giảm đáng kể thuốc trừ bệnh, thu lãi 3 - 3,5 triệu/sào su hào và 4 - 5 triệu/sào dưa lê. Sau khi kết thúc Dự án không hỗ trợ chế phẩm và phân chuồng, ông Hùng và một số hộ trồng rau màu vẫn tìm mua chế phẩm sinh học Trichoderma BIMA để áp dụng vào sản xuất.
Qua kết quả theo dõi mô hình thử nghiệm chế phẩm sinh học Trichoderma BIMA cho thấy kết quả bước đầu rất khả quan. Các hộ nông dân sử dụng chế phẩm sinh học đã giảm được chi phí sử dụng phân hóa học, giảm lượng thuốc trừ sâu, tạo nguồn nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu nông sản sạch của người tiêu dùng; đồng thời đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ việc thu gom rơm, rạ, xác thực vật hữu cơ để xử lý thành phân bón. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng phát triển mạnh hiện nay, trong đó có chế phẩm Trichoderma đối với cây trồng. Vì vậy, trong thời gian tới cần có các chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân sử dụng rộng rãi chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp từ phía Nhà nước nhằm hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện môi trường.
Thùy Vân - Anh Nguyên
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2016