Chẩn đoán bệnh là một khâu rất quan trọng trong bảo vệ thực vật. Nó quyết định cho việc phòng và trị bệnh cây trồng đạt kết quả cao hay không.
Hiện nay, tại các vùng chuyên canh rau màu, bệnh hại cây trồng do nhiều bệnh do nấm gây ra nhưng nhiều loại bệnh do vi khuẩn hay virus gây nên thì hoàn toàn không thuốc chữa. Bệnh chết héo cây rau màu ngày càng phổ biến và gây ra thiệt hại trầm trọng nhất (cây bị bệnh héo chết hoàn toàn). Song, việc chẩn đoán bệnh này đối với nông dân còn có nhiều hạn chế thậm chí là sai lệch. Xin giới thiệu với bà con nông dân cách nhận biết và chẩn đoán bệnh chết héo rau màu như sau:
Bệnh chết héo rau màu chủ yếu là do vi khuẩn hay nấm tồn tại trong đất trồng xâm nhập và tấn công vào bộ rễ cây trồng. Chúng lây lan và đi theo con đường mạch dẫn của cây, gây tắc nghẽn các bó mạch dẫn. Vì vậy, khi cây trồng bị bệnh này thường xuất hiện các triệu chứng héo rũ rồi chết (do cây không vận chuyển được nước và dinh dưỡng nuôi thân, lá). Song, hai loại tác nhân gây bệnh này lại có cách phòng trị khác nhau (Nếu do nấm thì dùng thuốc trị bệnh được nhưng do vi khuẩn gây hại thì chỉ có nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh và phòng ngừa, hạn chế lây lan). Để có cách điều trị đúng quy trình kỹ thuật, nông dân cần căn cứ vào các đặc điểm đặc trưng khác nhau để phân biệt. Đó là:
+ Nếu do nấm Rhizoctonia, Fusarium hay Pythium: Cây sẽ có hiện tượng ngừng sinh trưởng. Sau đó ít ngày, thấy từng bộ phận trên cây bị héo dần (có xu hướng héo từ dưới lên trên ngọn). Tốc độ héo úa trên cây diễn ra từ từ. Thậm chí, trên những cây màu thân gỗ như cà chua, ớt, rau ngót…hiện tượng chết héo lại xảy ra dần dần trên từng cành, nhánh, thân rồi mới chết toàn bộ cây. Có thể nhìn thấy rõ từng đoạn thân bị thâm đen, khô héo. Khi nhổ cây lên nếu chớm bị bệnh thì bộ rễ chỉ bị hư tổn từng phần có thể là chót rễ bị mục hỏng hay một số rễ bị hỏng hoàn toàn. Nếu bệnh nặng thì bộ rễ cây bị nấm xâm nhập và làm hỏng hoàn toàn, thậm chí chỉ còn trơ lại gốc. Hiện tượng rễ bị thối nhưng ở tình trạng thối khô. Nếu nấm tấn công vào phần thân sát mặt đất thì cây sẽ ngã gục khi vẫn còn chưa héo. Quan sát kỹ thấy phần thân sát mặt đất bị thâm đen và thối.
+ Nếu chết héo do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum: Đầu tiên cây vần sinh trưởng bình thường nhưng quan sát kỹ thấy có một vài ngọn, lá non bị héo tái xanh (có thể tươi lại khi ban đêm có sương). Tốc độ héo rũ diễn ra với tốc độ nhanh (chỉ sau 3 - 4 ngày là cây chết hoàn toàn). Nhổ rễ cây lên thấy bộ rễ hầu như nguyên vẹn, không thối mục hay đứt chóp rễ. Cắt đoạn thân ra thấy bó mạch cũng bị thâm đen như nấm gây hại. Song, không nhìn thấy vết thâm bên ngoài vỏ thân. Chẩn đoán kỹ hơn là dùng đoạn thân vừa cắt nhúng vào cốc nước lọc thủy tinh. Sau khoảng 20 phút sẽ thấy dòng dịch vi khuẩn màu trắng sữa đùn ra khỏi đoạn thân cắt (đây là cách phân biệt chính xác nhất). Xảy ra hiện tượng héo tái xanh đột ngột như vậy là do vi khuẩn trong đất trồng đã tấn công vào bộ rễ cây thông qua vết xây xát và lỗ khí khổng. Chúng xâm nhập và lây lan theo các bó mạch làm cây tắc nghẽn mạch, không vận chuyển được nước và dinh dưỡng nuôi cây.
Hiện tượng cây héo chết với các triệu chứng đặc thù khác nhau như trên, nông dân sẽ có cách khắc phục đúng phương pháp. Đó là:
+ Nếu cây héo chết do nấm: Xử lý hạt giống bằng nước ấm từ 50 đến 540C (3 sôi, 2 lạnh) trong khoảng 25 phút. Xử lý đất trước khi gieo trồng 2 ngày bằng vôi bột từ 20 - 25 kg/sào Bắc bộ hoặc thuốc gốc đồng. Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh nặng. Hạn chế tưới nước và ngừng tưới đạm khi cây đang bị bệnh. Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, phân kali và vi lượng để tăng sức chống chịu cho cây. Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma tưới vào gốc cây. Phun hoặc tưới gốc bằng một trong các loại thuốc sau: Nativo, Amistar - top, Rovral, Benlat C, Ridomil MZ, Validacin, Bendazol, Topsin…cần phun kép mỗi lần cách nhau từ 3 - 4 ngày.
+ Nếu cây bị héo do vi khuẩn: Xử lý hạt giống bằng nước ấm từ 50 đến 540C (3 sôi, 2 lạnh) trong khoảng 25 phút. Khẩn trương nhổ bỏ các cây đã chớm bị bệnh và đem tiêu hủy. Hạn chế tưới nước và không bón đạm trong lúc cây bị bệnh. Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, phân kali và vi lượng để tăng sức chống chịu cho cây. Tránh việc tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe, khi tưới nước, tỉa cành, thu hái quả. Phòng bệnh sau mỗi trận mưa giông hay sau đợt xới xáo bằng thuốc Kasuran 50 WP hoặc Kanamin 47 WP…
* Chú ý: Nông dân cần quan tâm và thực hiện tốt công tác phòng bệnh, sẽ có hiệu quả hơn là chữa bệnh. Muốn vậy, trong quá trình chăm sóc cho cây trồng, cần chăm bón sao cho cân đối dinh dưỡng, đảm bảo cây trồng khỏe mạnh và cững chắc. Có như vậy mới hạn chế được sâu bệnh gây hại và đảm bảo cho sản phẩm nông sản được an toàn.
Trần Thị Liên
Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2016