Huyện Tứ Kỳ: Đẩy mạnh ứng dụng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ

Huyện Tứ Kỳ có diện tích đất tự nhiên 16.539 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 11.147 ha có 6.610 ha trồng lúa và 1.885ha nuôi trồng thủy sản, còn lại là vùng đất chuyển đổi … Huyện có 22 xã và 01 thị trấn, trong đó 11 xã nằm ven đê sông Luộc và sông Thái Bình nên rất có lợi thế về điều kiện tự nhiên để bảo tồn và khai thác rươi, cáy kết hợp trồng lúa hữu cơ, chuối, cây gia vị mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tứ Kỳ.

Huyện Tứ Kỳ: Đẩy mạnh ứng dụng phát triển sản xuất nông nghiệp  công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ

Những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo sản xuất các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm như: Thiên ưu 8, Đài thơm 8, RVT, Bắc thơm,…. Với 68 vùng sản xuất lúa tập trung quy mô từ 10 ha trở lên, tổng diện tích 1.896 ha; xây dựng 20 vùng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới) với diện tích trên 20.000 m2 tập trung ở các xã Quang Khải, Ngọc Kỳ, Quang Phục, Chí Minh.

Đặc biệt huyện đã chú trọng đầu tư sản xuất 367 ha trồng lúa kết hợp khai thác rươi, cáy theo hướng hữu cơ, trong đó, 137 ha đã được chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tại các xã: An Thanh, Chí Minh, Quang Trung, Nguyên Giáp, Bình Lãng, Cộng Lạc, Hà Thanh. Sản lượng ước đạt 300 tấn/năm, cho hiệu quả kinh tế đạt từ 380 - 400 triệu đồng/ha/năm. Về sản xuất nông nghiệp an toàn có 10 ha chuối được chứng nhận Global GAP, 30 ha sản xuất rau màu được chứng nhận VietGAP.

Lĩnh vực chăn nuôi, hiện có 07 trang trại chăn nuôi gia cầm, 01 Hợp tác xã chăn nuôi chim bồ câu Pháp thảo dược được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 02 trang trại chăn nuôi (01 lợn, 01 gia cầm) được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh dịch bệnh trong tổng số 120 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, thỏ.

Trong lĩnh vực nuôi trồngthủy sản với diện tích 1.783 ha, sản lượng đạt 26.000 tấn/năm; có 24 vùng nuôi trồngthủy sản tập trung quy mô từ 20 ha trở lên (tập trung tại các xã Tân Kỳ, Quang Phục, Tái Sơn, Hưng Đạo, Tiên Động, Hà Thanh, Hà Kỳ, Đại Sơn, Quảng Nghiệp,…). Đối tượng nuôi chủ yếu cá trắm, chép, rô phi đơn tính, điêu hồng, cá lăng… cho năng suất nuôi đạt bình quân từ 10 - 15 tấn/ha/năm, cá biệt đối với các hộ sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao có thể đạt từ 30 - 40 tấn/ha/năm; giá trị hiệu quả kinh tế đạt từ 350 - 500 triệu đồng/ha. Với 957 lồng cá hiện nuôi ở sông Luộc và sông Thái Bình cho năng suất nuôi thả đạt bình quân 5 - 7 tấn/lồng.

Khai thác tốt tiềm năng, đổi mới phương thức canh tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế

Với tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai, lao động và nguồn lực đầu tư của nhân dân; Huyện Tứ Kỳ đang tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là khai thác, canh tác rươi, cáy nguồn lợi từ tự nhiên. Nhiều năm trở lại đây, thông qua các đề tài, dự án khoa học đã góp phần nâng cao nhận  thức của người dân trên địa bàn về quá trình sinh trưởng, phát triển và tập tính thích nghi của loài rươi; người dân đã sử dụng phân hữu cơ đã được hoai mục để bón cải tạo đất, nhằm mục đích tăng độ phì nhiêu của đất, bổ sung các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây lúa, tạo điều kiện cho vi sinh vật phù du trong đất phát triển, làm nguồn thức ăn cho rươi. Cùng với việc quan tâm bảo tồn, khai thác vùng rươi, cáy cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bền vững.

Đối với các vùng sản xuất lúa, rau màu và cây gia vị; huyện tập trung, khuyến khích tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tổ chức sản xuất tốt trên vùng đã chứng nhận hữu cơ và cải tạo mở rộng vùng sản xuất lúa kết hợp khai thác theo hướng hữu cơ. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức sản xuất và hỗ trợ chứng nhận VietGAP, Global GAP cho các vùng sản xuất đảm bảo các tiêu chí. Tiếp tục phát triển các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để sản xuất tập trung, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra…

Đến nay, đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp như: Gạo bãi rươi, sản phẩm rươi, cáy các loại Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. 05 sản phẩm về rươi, cáy được UBND tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP. 3 năm trở lại đây huyện đã tổ chức Lễ hội lúa rươi vụ xuân tại xã An Thanh nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của huyện Tứ Kỳ và tìm cơ hội liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước từng bước nâng cao giá trị, thương hiệu đặc sản địa phương.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp và đổi mới phương thức canh tác, khai thác và phát huy có hiệu quả cao đối với nguồn lợi tự nhiên về rươi, cáy. Thời gian tới huyện sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhằm khai thác toàn bộ diện tích đất lúa phía trong đê sang mô hình cấy lúa kết hợp với bảo tồn khai thác rươi, cáy với diện tích là 294 ha. Cùng với xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm ở trong nước và quốc tế; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức kết nối với một số tour, tuyến du lịch đến thăm quan, trải nghiệm vùng rươi, cáy, vùng chuyển đổi sinh thái. Đây là hướng đi đúng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương; các sản phẩm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững./.

Bài của Minh Tuấn - Thu Hoài

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2023


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây