Một số giống bắp cải và lưu ý phòng trừ sâu bệnh gây hại

Bắp cải hay cải bắp (Brassica oleracea) là một loại rau chủ lực trong họ Cải, có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải. Nhiệt độ thích hợp cho sự hình thành bắp là 15 - 200C, nhiệt độ trên 250C và nhỏ hơn 100C đều làm giảm sự sinh trưởng của cây cải bắp.

Một số giống bắp cải và lưu ý phòng trừ sâu bệnh gây hại

Ở Việt Nam cải bắp được trồng trong vụ Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Cải bắp có chỉ số diện tích lá cao, hệ số sử dụng nước rất lớn nhưng có bộ rễ chùm phát triển nên chịu hạn và chịu nước hơn su hào và súp lơ. Bắp cải có chứa nhiều vitamin C (44%) và vitamin K (72%). Bắp cải cũng chứa một lượng vừa phải (10 - 19%) vitamin B6 và B9 (axit Folic hay còn gọi là folate). Cải bắp ngoài là món ăn ngon còn có tác dụng chữa được một số bệnh. Tỉnh Hải Dương đã có tới 2.300 ha chiếm 1/5 diện tích của đồng bằng sông Hồng. Các giống cải bắp đang được trồng phổ biến trên địa bàn Hải Dương như: No 70, Grand KK 689, NS Gross, búp sen 3.000, F1 BM 741, KK Cross, F1 GM-78, Sakata 789,...

Hạt giống có nguồn gốc rõ ràng; chất lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận theo quy chuẩn.Giống Grand KK, KK Cross, Thúy Phong, No 70, No 77, ... dùng cho vụ sớm. Giống NS Cross và KY Cross, Shotgun, Green Nova, cải bắp tím dùng cho vụ chính.Giống NS Cross và KY Cross dùng cho vụ muộn.

Lượng hạt giống sử dụng từ 200 - 300 gram/ha. Hạt giống cải bắp được gieo trên khay bầu: Dùng khay loại 40 - 84 lỗ/khay (khay vỉ có đường kính 3 cm, độ sâu 4 cm). Giá thể đóng bầu là hỗn hợp của một số vật liệu chính gồm: xơ dừa 30%, phân chuồng mục 30%, đất 40%, phân lân 2 - 3 kg/tấn giá thể và vôi 5 - 6 kg/tấn giá thể. Cho đầy giá thể vào khay và nén nhẹ. Khay đã ươm hạt giống phải được giữ ẩm thường xuyên từ 70 - 80%, đặc biệt giai đoạn đầu khi mới gieo hạt. Khi cây có 3 - 4 lá thật có thể bứng đi trồng, loại bỏ cây bị bệnh, cây xấu. Trước khi mang cây con ra trồng từ 3 - 5 ngày nên hạn chế nước tưới và chăm sóc dinh dưỡng để cây dễ thích nghi.

Gieo trực tiếp trên luống: Làm đất kỹ, luống đánh rộng 0,8 - 1 m, bón lót phân hữu cơ hoai mục, rải đều phân trên mặt luống, đảo đều đất và phân, vét đất ở rãnh phủ lên mặt luống. Lượng hạt gieo cho 1 mvườn ươm là 1,5 - 2 gram/m2 chia làm 2 đợt để hạt phân bố đều trên mặt luống (khi gieo trộn hạt với đất bột). Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt, phủ một lớp rơm rạ, trấu mỏng trên mặt luống và dùng ô doa tưới nước đủ ẩm. Sau khi gieo tưới 1 - 2 lần/ngày trong vòng 3 - 5 ngày, khi hạt nảy mầm nhô lên mặt đất 2 ngày tưới một lần. Tiêu chuẩn cây giống tốt: phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn. Cây có 4 - 5 lá thật thì nhổ trồng hoặc sau khi gieo hạt 20 - 25 ngày cây con sẽ đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Cây không bị sâu bệnh. Cây giống nhổ đi trồng khi được 3 - 4 lá thật, tưới nước đẫm trước khi nhổ 1 giờ.

Các loại sâu bệnh hại thường gặp trên bắp cải và biện pháp phòng trừ:

- Sâu tơ (Plutella xylostella): Chúng phát sinh và gây hại liên tục quanh năm, Bướm đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm hay theo dây dọc ở mặt dưới lá. Sâu non mới nở gặm biểu bì tạo thành những đường rãnh nhỏ ngoằn ngoèo. Sâu lớn ăn toàn bộ biểu bì lá làm cho lá bị thủng lỗ chỗ gây giảm năng suất và chất lượng rau. Luân phiên sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Elincol 12 ME, Xentari 35 WDG, Ammate150 EC.

- Rệp (Brevicolyne brassicae): Cả rệp non và trưởng thành đều chích hút nhựa cây, làm búp và lá bị xoăn lại, lá nhạt màu hoặc vàng, héo rũ. Ngoài gây hại trực tiếp cho cây trồng, rệp còn là môi giới truyền bệnh virus.

Biện pháp phòng trừ: Tưới nước, giữ ẩm cho cây trồng trong điều kiện thời tiết mùa khô. Sử dụng một số loại thuốc sau:Elincol 12 ME, Elsin 10 EC.

- Sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae): Trưởng thành đẻ trứng rải rác thành từng quả trên lá. Sâu non mới nở gặm ăn chất xanh và để lại màng lá trắng mỏng, sống thành từng cụm. Sâu tuổi lớn phân tán, ăn khuyết lá để lại gân làm cây xơ xác. Sâu xanh bướm trắng phát sinh mạnh trong những tháng ít mưa.

Biện pháp phòng trừ: Dùng vợt bắt bướm, ngắt nhộng trên lá, thu dọn và huỷ bỏ tàn dư cây trồng, luân phiên sử dụng một số hoạt chất sau: Elincol 12 ME, Xentari 35 WDG, Ammate 150 EC.

- Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani): Cây bị bệnh yếu, bắp nhỏ, đôi khi héo và chết, trong điều kiện ẩm ướt bệnh lây lan sang các lá bên cạnh và gây thối bắp, toàn bộ bắp có thể bị thối khô, bắt đầu từ những lá bao phía ngoài. Trên chỗ thối có các hạch nhỏ màu nâu. Bệnh do nấm Rhizoctonia solanigây ra, phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ trong đất cao.

Biện pháp phòng trừ: Luân canh cây trồng; Sử dụng luân phiên một trong các loại hoạt chất sau: VinbenC, BenlatC 50WP.

- Bệnh thối gốc (Phoma ligam): Ban đầu là những vết nứt thối trũng xuất hiện trên gốc thân cây và sau này có thể xuất hiện trên lá, có hình đốm tròn màu nâu nhạt. Những cây bị bệnh thường có kích thước nhỏ hơn. Các vết thối mục lan rộng và bao lấy thân phía trên mặt đất, làm cho cây bị héo và đổ. Thân cây khô và hoá gỗ, mô cây chuyển màu đen, đôi khi có viền đỏ tía.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn, mùa mưa nên làm luống cao, thoát nước tốt, luân canh cây trồng, khi có bệnh xuất hiện cần tiêu hủy sớm cây bệnh. Sử dụng một số loại thuốc sau: Trichoderma spp; Trichoderma viride, ...

- Bệnh cháy lá vi khuẩn (Xanthomonas campestris): Bệnh gây hại ở cây giống và cây đã lớn, vết bệnh có màu vàng, hình chữ V xuất hiện trên rìa lá với mũi nhọn hướng vào trong, những vết bệnh này lan dần vào giữa lá. Diện tích bị nhiễm bệnh chuyển sang màu nâu, các mô cây bị chết. Gân lá ở những vùng bị nhiễm chuyển màu đen có thể nhìn thấy khi cắt lá. Lá của những cây giống nhiễm bệnh chuyển sang màu vàng và rụng trước khi cây lớn. Vệ sinh vườn sau thu hoạch, luân canh cây trồng. Sử dụng các loại hoạt chất sau: Copper Hydroxide.

- Bệnh thối nhũn (Erwinia carotovora): Vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện ở các cuống lá già phía dưới gần mặt đất, tạo thành những đốm mọng nước, sau đó thối nhũn. Vết bệnh theo cuống lá phát triển lên phía trên làm cho cả lá bị vàng và thối nhũn. Các lá phía trên cũng có thể bị bệnh và cả cây bị thối. Khi cây bị bệnh, các tế bào trở nên mềm, có nước và nhớt, có mùi lưu huỳnh.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn sau thu hoạch, làm đất kỹ, lên luống cao dễ thoát nước, luân canh cây trồng khác. Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm, trong điều kiện mùa mưa cần tăng cường bón kali. Sử dụng một số loại nông dược sau: Macozeb 80 WP, Kocide 53.8 DF.

- Bệnh thối hạch (Sclerotinia sclerotirum): Bệnh gây hại từ khi cây còn nhỏ cho tới khi thu hoạch, ở cây con, bệnh xuất hiện ở gốc cây sát mặt đất làm cho chỗ bị bệnh thối nhũn, cây gãy gục rồi chết. Khi trời ẩm ướt trên gốc chỗ bị bệnh xuất hiện một lớp nấm màu trắng xốp.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn, trồng cây sạch bệnh, luân canh với cây trồng khác họ như hành, cà rốt. Bón phân cân đối. Tăng lượng phân chuồng hoai mục có tác dụng kích thích cây khỏe và hạn chế được sự phát triển của bệnh. Sử dụng một số loại hoạt chất sau: Macozeb 80 WP, Kocide 53.8DF.

Bài của KS. Vũ Văn Tân, GĐ Trung tâm Đo lường, Thử nghiệm và Thông tin khoa học

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2023

 

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập184
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,083,857
  • Tổng lượt truy cập3,789,061
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây