Nhãn hiệu và điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất và thương mại. Trước hết đối với người sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà nói, nhãn hiệu là một công cụ hữu hiệu để đánh dấu hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất hoặc cung cấp, trên cơ sở đó tạo ra cho hàng hóa, dịch vụ của mình một dấu hiệu mang tính chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Còn đối với người tiêu dùng, nhãn hiệu lại là một dấu hiệu quan trọng để nhận diện nguồn gốc hàng hóa dịch vụ, từ đó giúp họ có thể dễ dàng tìm ra hàng hóa, dịch vụ mà họ muốn sử dụng trong muôn vàn các loại hàng hóa, dịch vụ cùng loại trên thị trường. Ngoài chức năng biểu thị nguồn gốc hàng hóa dịch vụ nêu trên, nhãn hiệu còn là một công cụ để tuyên truyền quảng bá, một cách thức để tạo lập và tích tụ giá trị, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.
Nhãn hiệu và điều  kiện bảo hộ nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam

Xét về bản chất, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Nhưng điều này không có nghĩa là bất cứ dấu hiệu nào cũng có thể dùng làm nhãn hiệu, lại càng không phải là bất cứ dấu hiệu nào cũng được nhà nước bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu. Căn cứ theo quy định của pháp luật nhãn hiệu Việt Nam hiện hành, để được bảo hộ nhãn hiệu, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải đáp ứng điều kiện về yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và điều kiện về tính phân biệt của nhãn hiệu.

Về điều kiện yếu tố cấu thành của nhãn hiệu

Theo Khoản 1, Điều 72, Luật sở hữu trí tuệ 2005, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu  phải thỏa mãn hai yêu cầu: một là, dấu hiệu đó phải là dấu hiệu có thể nhìn thấy được; hai là, dấu hiệu đó phải nằm trong phạm vi loại hình dấu hiệu được liệt kê. Do vậy, nếu dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu tuy là dấu hiệu nhìn thấy được, nhưng chúng không thuộc loại hình dấu hiệu được Luật sở hữu trí tuệ liệt kê, thì cũng không thỏa mãn điều kiện về yếu tố cấu thành nhãn hiệu.

Đối với yêu cầu có thể nhìn thấy được, đây là yêu cầu phản ánh tính chất và phương thức cảm nhận của con người về dấu hiệu. Xét về tính chất, để thỏa mãn yêu cầu có thể nhìn thấy được, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là đối tượng hữu hình. Xét về phương thức cảm nhận, dấu hiệu này phải có khả năng tác động vào thị giác, khiến con người có được sự nhận biết về chúng. Khác với Việt Nam, ngoài dấu hiệu có thể nhìn thấy được, một số nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc còn thừa nhận dấu hiệu có thể nghe thấy được hay dấu hiệu có thể ngửi thấy được làm nhãn hiệu.

Đối với yêu cầu loại hình dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu, chúng có thể là dấu hiệu văn tự, dấu hiệu hình ảnh, dấu hiệu màu sắc hoặc dấu hiệu tổ hợp. Trong đó, dấu hiệu văn tự dùng làm nhãn hiệu có thể là từ ngữ, chữ cái hoặc chữ số. Nhưng cần lưu ý, dấu hiệu văn tự mà trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội… của Việt Nam và tổ chức quốc tế; hoặc dấu hiệu văn tự trùng hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân Việt Nam, nước ngoài; hoặc dấu hiệu văn tự làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ, chúng đều không được bảo hộ làm nhãn hiệu.

Dấu hiệu hình ảnh dùng làm nhãn hiệu có thể là hình ảnh hai chiều hoặc hình ảnh ba chiều. Chúng có thể là hình vẽ mang tính tưởng tượng do con người sáng tạo ra hoặc là hình ảnh của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên được con người vẽ lại, chụp lại. Giống như dấu hiệu văn tự, dấu hiệu hình ảnh mà trùng lặp hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước; hoặc trùng lặp hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…; trùng lặp hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài; hoặc trùng lặp hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành…, chúng cũng không được bảo hộ làm nhãn hiệu trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Bên cạnh hai loại hình nêu trên, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu có thể là màu sắc nếu chúng được kết hợp với từ ngữ hoặc hình ảnh, hay chúng được thể hiện thành dạng văn tự hoặc hình ảnh. Ngoài ra, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu còn có thể là dấu hiệu tổ hợp do các dấu hiệu văn tự, hình ảnh, màu sắc tổ hợp lại mà thành.

Về điều kiện tính phân biệt của nhãn hiệu

Điều kiện này được Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định tại Khoản 2 Điều 72 và Điều 74. Theo đó, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu được coi là có tính phân biệt khi đáp ứng hai yêu cầu: một là, dấu hiệu này được cấu thành từ một hoặc một tổ hợp yếu tố có tính dễ nhận biết và dễ ghi nhớ; hai là, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu hoặc tổ hợp cấu thành của nó không thuộc các trường hợp dấu hiệu không có khả năng phân biệt được quy định (tức điều kiện loại trừ).

Đối với tính dễ nhận biết, dễ ghi nhớ, đây là thuộc tính phản ánh khả năng nhận biết và tái hiện của người tiêu dùng về dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu. Xét về phương diện nhận thức, khả năng nhận biết và ghi nhớ về dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu thường quyết định đến khả năng nhận biết và phân biệt nguồn gốc hàng hóa dịch vụ. Do vậy một nhãn hiệu mà quá phức tạp, không dễ nhận biết và ghi nhớ thì sẽ không thể thực hiện tốt chức năng biểu thị và phân biệt nguồn gốc hàng hóa dịch vụ. Ngược lại, một dấu hiệu quá đơn giản hoặc quá phổ biến tuy không ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của người tiêu dùng, nhưng lại ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của họ vì nó thường không để lại ấn tượng cho người tiếp cận.

Đối với điều kiện loại trừ, nó đòi hỏi dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải không thuộc các trường hợp không có khả năng phân biệt được liệt kê. Căn cứ vào tính chất của nó, loại dấu hiệu không có khả năng phân biệt có thể phân thành:

- Dấu hiệu có tính trùng lặp hoặc tương tự với một số đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ hoặc đã được nộp đơn như nhãn hiệu, kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, dấu hiệu có tính trùng lặp hay tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cũng bị coi là đối tượng dấu hiệu không có khả năng phân biệt.

- Dấu hiệu có tính thông dụng. Chúng bao gồm dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến, ví dụ như hình bánh răng biểu hiện cho ngành cơ khí, hình âm dương biểu hiện cho lĩnh vực đông y..., Ngoài ra, tên gọi của hàng hóa, dịch vụ thể hiện bằng ngôn ngữ khác, nếu được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến cũng được coi là tên gọi thông dụng, ví dụ như HOTEL, RESORT dùng cho dịch vụ lưu trú.

- Dấu hiệu có tính miêu tả. Loại này gồm các dấu hiệu có nội dung chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, nguồn gốc địa lý, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ. Nhưng cần lưu ý, nếu các dấu hiệu đó là từ và tập hợp từ chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, chúng có thể đăng ký làm nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể. Nếu dấu hiệu đó là từ và tập hợp từ chỉ dẫn về chất lượng hoặc tính chất, chúng có thể được đăng ký làm nhãn hiệu chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, loại dấu hiệu này còn gồm các từ và tập hợp từ có ý nghĩa mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ sở hữu nhãn hiệu.

- Dấu hiệu khác không có khả năng phân biệt. Loại dấu hiệu này bao gồm tất cả các dấu hiệu khác bị liệt kê vào phạm vi dấu hiệu không có tính phân biệt mà không thuộc hai loại trên. Quy theo đặc điểm chung, loại dấu hiệu này có thể phân thành dấu hiệu quá phức tạp, dấu hiệu quá đơn giản và dấu hiệu biểu thị địa danh. Trong đó, dấu hiệu quá phức tạp bao gồm: từ ngữ thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được; tổ hợp gồm quá nhiều chữ cái hoặc từ ngữ tạo thành; hình vẽ, hình ảnh quá rắc rối, quá phức tạp. Dấu hiệu quá đơn giản bao gồm: dấu hiệu chỉ do một hoặc hai chữ cái, chữ số tạo thành; dấu hiệu chỉ do hình hình học, hình vẽ quá đơn giản tạo thành; hoặc hình vẽ chỉ dùng để làm bối cảnh hay hoa văn trang trí bao gói. Đối với dấu hiệu địa danh, chúng sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu, thông thường nhưng vẫn có thể đăng ký làm nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.

Từ các nội dung nêu trên cho thấy, để có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công, ngoài việc thực hiện đầy đủ các thủ tục nộp đơn và theo đuổi đơn, người đăng ký nhãn hiệu cần phải lựa chọn dấu hiệu phù hợp về điều kiện cấu thành của nhãn hiệu. Đồng thời, họ còn phải lựa chọn dấu hiệu có tính phân biệt, tức dấu hiệu đó không thuộc các trường hợp không có tính phân biệt đã được quy định. Có như vậy dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu của họ mới có thể được nhà nước chấp thuận bảo hộ./.

TS. Lê Lương Thịnh - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ 

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2017


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây