Những nông dân bám ruộng

Ở xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ trong khi nhiều nông dân chán nản, bỏ ruộng hoang thì vẫn còn không ít người bám đồng, gom ruộng cấy lúa đem hiệu quả kinh tế cao. Câu chuyện bám đồng để làm ăn của những nông dân này đã mở ra một hướng đi mới trong quá trình tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Những nông dân bám ruộng

Nhận cấy 3 mẫu ruộng bỏ hoang từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Phố ở thôn Nho Lâm, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ chưa khi nào có ý định từ bỏ đồng ruộng. Theo ông Phố, nhiều người muốn ly nông vì sợ vất vả, lợi nhuận bấp bênh nhưng nếu biết tính toán thì sản xuất nông nghiệp vẫn có lãi. Trước đây, gia đình ông Phố chỉ có 6 sào ruộng khoán. Năm 2017, ông vay mượn mua 1 chiếc máy cày và 1 chiếc máy gặt để đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Những lần đi cày thuê, gặt thuê thấy có nhiều nhà bỏ ruộng, nghĩ nhà sẵn có máy, tiếc của ông về bàn với gia đình xin lại ruộng hoang để cấy. Tính đến nay, tổng diện tích ruộng hoang gia đình ông nhận canh tác lên đến hơn 3 mẫu.

Ông Phố cho biết, ở thôn Nho Lâm những năm gần đây, lực lượng lao động chủ yếu đi làm việc trong các công ty nên không thiết tha với cây lúa. Tuy mỗi sào lúa cho thu lãi không nhiều nhưng nếu gom lại thành cánh đồng mẫu lớn, thành vùng tập trung, các khâu đều được cơ giới hóa thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn. Ông lý giải những vùng lúa sản xuất tập trung sẽ thuận tiện cho việc áp dụng các kỹ thuật chăm sóc như phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu, thu hoạch…làm giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng. Với hơn 3 mẫu ruộng, ông Phố gieo các giống JQ 11, Bắc Thơm...Ông Phố cho biết: “Nhờ áp dụng máy móc trong các khâu canh tác nên đã giảm được chi phí thuê nhân công. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ ông thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi vụ từ dịch vụ gặt thuê, cày thuê và diệt chuột vợ chồng ông còn thu được trên 200 triệu đồng”.

Gia đình anh Trần Đình Lâm, ở thôn Mỹ Ân cũng là “địa chủ” ruộng hoang ở xã Văn Tố. Từ năm 2015, thấy các khu đồng trong xã có nhiều ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, vợ chồng anh Lâm xin để cấy được hơn 7 mẫu. Đến vụ chiêm năm nay, vợ chồng anh đã khai hoang thêm 15 mẫu ruộng hoang ở 2 khu đồng thôn Mỹ Ân và thôn Gia Xuyên tiếp tục gieo cấy. Anh Lâm nói: “Đây đều là những chân ruộng trũng, ruộng xấu,  đất cũng thoái hóa nên mất rất nhiều công sức và tiền của để khai hoang, cải tạo. Để cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất, vợ chồng anh đã mua 1 chiếc máy cày. Hiện anh đang đặt mua một chiếc máy cấy bằng tay và máy sấy thóc”.

Ước muốn tìm hướng đi mới cho cây lúa, anh Lâm đã đi tham quan một số mô hình trồng lúa theo quy trình VietGAP ở một số tỉnh và muốn áp dụng tại địa phương. Nhưng để thực hiện ước mơ đó anh mong muốn có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học và sự liên kết của các doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Thế Lộc, Phó Giám đốc HTX DV NN xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ cho biết: Những năm gần đây, diện tích bị bỏ hoang ở xã Văn Tố ngày càng gia tăng. Vụ mùa năm 2018, xã Văn Tố có 12,8 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, tập trung chủ yếu ở thôn La Giang, Nho Lâm, Đông Lâm... Đây là một trong những địa phương có nhiều diện tích bỏ hoang nhiều nhất huyện. Ngoài nguyên nhân do chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp thì hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp nên dẫn tới nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

Để hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ không có nhu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp, các hộ khác có nhu cầu thuê, mượn đất để sản xuất hoặc giao cho các đoàn thể canh tác để gây quỹ. Xã quy vùng tập trung, khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tranh thủ tối đa nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh. Nhờ đó, có nhiều cá nhân đứng ra đảm nhận gần chục mẫu ruộng bỏ hoang để cấy lúa như: ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn La Giang nhận cấy 7 mẫu; ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Mỹ Ân cấy 5 mẫu ruộng...Việc nhận ruộng hoang để canh tác không những phủ xanh đồng ruộng mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Thực tế cho thấy, khi sản xuất tập trung, hộ dân nào có nhân lực, tích cực áp dụng cơ giới hóa thì sản xuất lúa vẫn cho lợi nhuận khá. Về lâu dài, việc giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để nông dân gắn bó với đồng ruộng. Những mô hình tích tụ ruộng đất này cần phải được quan tâm, động viên bằng những chính sách hỗ trợ kịp thời để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nông dân. 

Bài của Trần Yến

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2020


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập196
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,082,865
  • Tổng lượt truy cập3,788,069
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây