Chế tạo thành công máy hàn “made in Việt Nam”

 

Chế tạo thành công máy hàn “made in Việt Nam”

Máy hàn ống tự động “made in Việt Nam”

Hai TS của Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy hàn ống tự động “made in Việt Nam” với chi phí, giá thành thấp hơn nhiều so với nhập khẩu từ nước ngoài.

Bằng sự say mê nghiên cứu, TS Nguyễn Thanh Phương và TS Nguyễn Văn Hiếu đã chế tạo thành công hệ thống hàn “made in Việt Nam”, giúp nhiều doanh nghiệp Việt giảm bớt chi phí nhập khẩu, vận hành và bảo dưỡng từ nước ngoài.

Công nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu và công nghệ hàn ngày càng tăng, mức lương trong ngành ngày càng cao và đòi hỏi số lượng nhân lực ngày càng lớn. Tuy nhiên trên thực tế, công nghệ hàn là một lĩnh vực còn ít phát triển tại Việt Nam. Thường khi nghĩ đến ngành hàn, người ta chỉ nghĩ đến các người thợ làm việc với bình khí mà không biết rằng, công nghệ hàn là một ngành rộng với rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Để bù đắp thiếu hụt về nhân lực, đòi hỏi các doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm hàn.

Theo TS Nguyễn Thanh Phương, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, hiện nay, ở nước ta ngoài việc ứng dụng các công nghệ hàn thủ công như hàn khí, hàn hồ quang điện, hàn điện tiếp xúc, hàn siêu âm… còn có cả ứng dụng phương pháp điều khiển hàn tự động.

Các nghiên cứu trong nước đã ứng dụng chế tạo thành công robot bám theo đường dẫn hướng, robot hàn tự hành được điều khiển bằng phần mềm máy tính hay tích hợp bộ điều khiển để “dạy học” robot thực hiện quá trình hàn. Các robot ứng dụng trong ngành đóng tàu, hàn khung xe trên dây chuyền xe hơi, thay thế công nhân làm việc trong môi trường độc hại… cho đến công việc hàn cần độ chính xác cao, chỉ tiêu lớn cho các ống tròn.

Đặc biệt, TS Phương cho biết, trong công nghệ hàn, lĩnh vực hàn ống thường có nhu cầu, ứng dụng cao trong hầu hết các ngành kỹ thuật. Nhu cầu chế tạo một máy hàn tự động trong lĩnh vực hàn đường ống là cần thiết và mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hàn nâng cao chất lượng mối hàn, tăng năng suất hàn so với thủ công, giúp giảm chi phí giá thành sản phẩm, tính an toàn lao động cao….

Thế nhưng hiện nay, các thiết bị hàn chi tiết kim loại dạng ống tại Việt Nam chủ yếu vẫn phải nhập từ nước ngoài với giá thành, chi phí vận hành và bảo dưỡng khá cao. Để tiếp cận với công nghệ này, thường chỉ có các công ty có vốn nước ngoài, tập đoàn, công ty lớn mới có khả năng đầu tư thiết bị.

Nắm bắt được vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Phương và TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc kỹ thuật nhà máy sửa chữa máy bay A41 đã cùng nhau nghiên cứu, chế tạo ra hệ thống hàn ống tự động “made in Việt Nam” với chi phí, giá thành thấp hơn nhiều so với nhập khẩu từ nước ngoài.

Được biết, máy hàn ống tự động này là một hệ cơ điện tử gồm 3 phần: phần cơ khí, phần điện - điện tử và phần điều khiển. Trong đó, mỗi phần có một chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Hệ thống chân máy được thiết kế có thể điều chỉnh để phù hợp cho việc hoạt động trên nhiều địa hình khác nhau. Đặc biệt, hệ thống có thể sử dụng nguồn điện xoay chiều 1 hoặc 3 pha, phù hợp cho nhiều doanh nghiệp.

Sau một thời gian nghiên cứu, hiện sản phẩm của hệ thống đã được đưa vào sử dụng tại phân xưởng xe máy đặc chủng thuộc nhà máy A41, Bộ Quốc phòng và được đánh giá cao về những tính năng đem lại. Hệ thống máy hàn ống tự động của TS Nguyễn Thanh Phương và TS Nguyễn Văn Hiếu cũng đã được Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh nghiệm thu và có hướng thương mại hóa để đưa sản phẩm đến với thị trường.

Theo khoahocvacongnghevietnam.com.vn./.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây