Kết quả, Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh đã công nhận 92 sáng kiến đạt cấp tỉnh, trong đó có 27 sáng kiến lĩnh vực khoa học tự nhiên, 40 sáng kiến lĩnh vực khoa học nhân văn và 25 sáng kiến lĩnh vực khoa học xã hội. Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định chấm sáng kiến, chất lượng sáng kiến năm 2018 đảm bảo yêu cầu về tính mới, tính sáng tạo; khả năng áp dụng, nhân rộng; khả năng mang lại lợi ích thiết thực. Các sáng kiến tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết cần đổi mới, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý, đổi mới công tác chuyên môn giảng dạy. Trong đó, các sáng kiến thuộc lĩnh vực quản lý đã đưa ra các biện pháp cụ thể, rõ ràng phù hợp với yêu cầu đổi mới, đề cập vấn đề cần thiết được xã hội quan tâm và mang tính thời sự như: “Biện pháp đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao chất lượng quản lý giáo dục cấp tiểu học”, “Biện pháp chỉ đạo giáo viên áp dụng quan điểm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” trong tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo”, “Một số biện pháp nâng cao chất lượng thực tập sư phạm cho sinh viên chuyên ngành giáo dục mầm non tại trường mầm non thực hành Hoa Sen”.
Về lĩnh vực chuyên môn, các sáng kiến đưa ra những biện pháp cụ thể, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu đổi mới trong giảng dạy như các sáng kiến: “Xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan có phản hồi và hướng dẫn trên máy tính tiếp cận định hướng phát triển năng lực học sinh phần Chất khí – Vật lí 10”, “Thiết kế và xây dựng hệ thống bài tập hình vẽ thí nghiệm hóa học nhằm phát triển năng lực nhận thức, tư duy sáng tạo cho học sinh trung học phổ thông”, “Thiết kế nội dung giáo dục đạo đức và các hoạt động dạy học giáo dục đạo đức học sinh trong môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông”, “Giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh qua môn Ngữ văn ở trường Trung học phổ thông”, “Biện pháp giúp học sinh lớp 1 thích ứng với hoạt động học tập”.
Các sáng kiến ở cả hai lĩnh vực trên đã thiết kế nội dung và đưa ra giải pháp cụ thể, bài bản, chi tiết, được nhiều trường học áp dụng có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh những sáng kiến đạt hiệu quả cao, sáng kiến của ngành giáo dục cũng còn một số điểm hạn chế, cụ thể như: một số sáng kiến trình bày không khoa học, chưa lo-gic; một số sáng kiến còn nặng về lý thuyết, chưa nêu bật trọng tâm vấn đề sáng kiến cần giải quyết; một số sáng kiến chưa nêu được tính mới, tính sáng tạo và bản thân tác giả chưa tự đánh giá được hiệu quả cũng như khả năng áp dụng. Để thúc đẩy phong trào và nâng cao chất lượng sáng kiến trong thời gian tới, ngành giáo dục cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giới thiệu các sáng kiến đã được công nhận và đánh giá công tác nhân rộng sáng kiến trong ngành.
Nguyễn Thị Ánh