Thông qua hợp tác các viện nghiên cứu, trường đại học, các sản phẩm của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Ðông (Công ty Rạng Ðông) từng bước "chiếm lĩnh" thị trường trong nước, mở hướng xuất khẩu quốc tế. Từ thành công đó, doanh nghiệp và các nhà khoa học đã có niềm tin để kết hợp trong việc đưa những kết quả nghiên cứu mới nhất ứng dụng vào sản xuất.
Ðịnh hướng tồn tại
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ sẽ tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Rạng Ðông Nguyễn Ðoàn Thăng đã tìm đến các viện nghiên cứu, trường đại học để "đặt hàng", nghiên cứu và đổi mới sản phẩm của công ty. Công ty Rạng Ðông đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2006 (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Trường đại học Bách khoa Hà Nội năm 2009, cùng nhau thực hiện nhiều đề tài ứng dụng như công nghệ thu hồi, tái xử lý bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì; công nghệ tráng phủ bột huỳnh quang cho đèn huỳnh quang compact...
Thông qua các hợp tác, ngoài việc nhà khoa học triển khai kết quả nghiên cứu ngay trong hệ thống thiết bị của công ty, họ còn hiểu được công việc và những vướng mắc trực tiếp trong quá trình triển khai kết quả nghiên cứu. Ngược lại, cán bộ kỹ thuật, công nhân được đào tạo, hướng dẫn sử dụng các phương tiện thiết bị mới ngay tại công ty.
Từ kết quả hợp tác nêu trên, tháng 3-2011, Công ty Rạng Ðông đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chiếu sáng (LRDC) do PGS, TS Ðỗ Xuân Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật liệu (VAST) làm Giám đốc khoa học với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đến từ nhiều đơn vị. Ðể hoạt động của LRDC có hiệu quả với thực tiễn sản xuất, bảy ngành nghiên cứu được thành lập, gồm: Nghiên cứu Ðiện tử; Hóa - Vật liệu và Quang điện tử; nghiên cứu nguồn sáng; Kỹ thuật chiếu sáng; thiết kế sáng tạo sản phẩm chiếu sáng tiên tiến; chiếu sáng nhân tạo; đo lường và kiểm soát chất lượng. Ðồng thời đã xây dựng hai xưởng sản xuất thử nghiệm về LED, HID và các xưởng sản xuất thủy tinh, FL, CFL, nhựa, cơ khí đột dập, xử lý bề mặt vật liệu.
Nhiệm vụ LRDC phải đưa KHCN thành động lực chủ yếu cho sự phát triển nhanh và bền vững trong chiến lược phát triển công ty giai đoạn 2011 - 2015. Thông qua hoạt động của LRDC, các kết quả nghiên cứu khoa học đều được chuyển ngay xuống dây chuyền sản xuất để thử nghiệm và nhận phản hồi trước khi chính thức ra thị trường, rút ngắn đáng kể thời gian từ lúc có ý tưởng đến khi tạo ra sản phẩm mới. Thời điểm khó khăn nhất của công ty là thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới diễn ra, cùng thời điểm đèn dây tóc trên 60W không được lưu hành, khiến hơn 70% sản phẩm của công ty bị khai tử và hơn 200 công nhân có nguy cơ mất việc. Trong bối cảnh đó, nhờ có LRDC, Công ty Rạng Ðông đã nhanh chóng tìm ra hướng đổi mới công nghệ, lựa chọn sản phẩm phù hợp công nghệ, vượt qua khó khăn và ổn định hoạt động sản xuất.
"Chìa khóa" thành công
Ðánh giá về quan hệ hợp tác giữa Công ty Rạng Ðông với các cơ quan nghiên cứu khoa học, PGS,TS Ðỗ Xuân Thành cho rằng: Mấu chốt để thành công của mối liên kết này đến từ nhận thức của lãnh đạo hai đơn vị. Giờ đây, mối liên kết giữa Công ty Rạng Ðông với các cơ quan khoa học đã phát triển đến mức hai bên đều coi là "lẽ sống còn của mình". Ðiển hình trong quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa Hà Nội với Công ty Rạng Ðông đã thay đổi, từ những hợp tác mang tính dịch vụ đôi bên đã có những dự án chung, bao gồm cả việc xây dựng hai phòng thí nghiệm chung, đặt tại công ty và trường.
Ðến nay, LRDC đã cung cấp nhiều hệ thống, giải pháp mang tính chiến lược, đưa Công ty Rạng Ðông từ doanh nghiệp chuyên thương mại hàng hóa, nay mở rộng sang thương mại dịch vụ. Trong đó phải kể đến thành công khắc phục tình trạng nhập hàng trăm tấn thủy tinh chì độc hại từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất, bằng việc chủ động sản xuất được thủy tinh không chì, một loại vật liệu mới của thế giới. Ðây là cơ sở quan trọng, mở ra triển vọng phát triển cho các sản phẩm chủ lực như đèn huỳnh quang compact "chiếm lĩnh" thị trường trong tương lai gần. Cùng với đó, hàng loạt dây chuyền sản xuất mới được hình thành tạo ra nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, LRDC còn là hạt nhân trong việc ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm chiếu sáng rắn (SSL/LED) và công nghiệp điện tử, giúp Công ty Rạng Ðông là chủ đơn một bằng sáng chế, bốn giải pháp hữu ích về sản phẩm LED đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam; nghiên cứu thành công bột huỳnh quang 3 phổ, giúp giảm tới 50% chi phí giá thành so với nhập khẩu; nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất thu hồi và tái chế bột huỳnh quang 3 phổ từ các sản phẩm bóng đèn compact lỗi hỏng, bảo đảm thu hồi được hơn 85% số lượng bột bám trên thành ống đèn, chất lượng bột thu hồi tráng cho đèn 4U50W tương đương 80-90% chất lượng bột huỳnh quang mới. Ðơn vị cũng tự sản xuất keo gắn đầu đèn, giảm 70% chi phí nhập khẩu...
Nhờ việc gắn kết giữa nghiên cứu vào sản xuất, xây dựng phòng nghiên cứu trong doanh nghiệp, Công ty Rạng Ðông tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ngoài việc hằng năm Công ty Rạng Ðông dành ra 2% doanh thu cho việc đầu tư hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, các cổ đông đã quyết định dành thêm 20% lợi nhuận sau thuế cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Từ hoạt động có hiệu quả của LRDC, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá cao và cho rằng đây là mô hình mới trong đổi mới, sáng tạo về khoa học và công nghệ, gắn kết các nhà khoa học với sản xuất, kinh doanh.
Theo Báo Nhân dân