Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

(VietQ.vn) - Một tín hiệu rất vui là hiện nay nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ và muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp không phải chỉ với mục đích làm giàu mà nhằm thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam.

Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

 Đến với nông nghiệp sạch bằng cái “tâm”

Cách đây khoảng 5 - 6 năm, cả xã hội xôn xao về câu chuyện nhiều hộ nông dân trồng hai luống rau, một luống rau sạch để gia đình ăn còn một luống phun thuốc đem bán. Cho đến nay, câu chuyện vẫn dấy lên lo ngại về sức khỏe người tiêu dùng nếu chẳng may ăn phải những luống rau xanh non “tắm” đầy thuốc. Không những vậy, môi trường sống của vật nuôi, cây trồng và con người cũng bị tàn phá nặng nề nếu tiếp tục lạm dụng các loại thuốc hóa học.

Từ đó cho thấy, tầm quan trọng của việc xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ chính là duy trì sự phát triển bền vững, tăng cường “sức khỏe” cho đất đai, con người, giữ gìn môi trường trong lành, giúp cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ cộng đồng. Tại Việt Nam, dường như chưa bao giờ phát triển nông nghiệp hữu cơ lại được nhắc đến nhiều và trở thành mục tiêu hướng đến của cả xã hội như hiện nay.

Theo ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Một tín hiệu rất vui là nếu như trước đây các tập đoàn lớn không tham gia vào nông nghiệp thì nay đã đầu tư vào lĩnh vực này. Họ vẫn xác định rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng đã có nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp và muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp không phải là với mục đích chỉ làm giàu mà tạo ra cú huých nhằm thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam.

Đó mới là giá trị cao nhất của việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp. Từ giá trị đó, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo được thế để đưa nông sản ra nước ngoài cũng như chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Thu hút “đại bàng” nhưng đừng quên “chim sẻ”

Tuy nhiên, ông Hoan cũng chia sẻ rằng, như trong tự nhiên, sẽ có những con “đại bàng”, cũng sẽ có những con “chim sẻ”, chúng ta muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con “chim sẻ”. Đó là những hợp tác xã, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đầu tư ở các địa phương, mặc dù giá trị có thể không cao nhưng hợp lực các “chim sẻ” lại sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa.

Các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Những doanh nghiệp, những bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, công nghiệp hiện đại sẽ trở về khởi nghiệp. Hiện nay chúng ta chỉ tính tới “đại bàng” nhưng “chim sẻ”- các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa - sẽ tạo ra một phân khúc nhất định so với phân khúc của các doanh nghiệp lớn.

Các cơ quan truyền thông cũng hãy trân quý, tôn vinh và phát hiện các doanh nghiệp này. Có như vậy, chúng ta mới có điều kiện thu hút đội ngũ trí thức trẻ về làm nông nghiệp. Và như vậy, đến một ngày, chúng ta sẽ không còn phải “ca cẩm” thanh niên cứ rời bỏ ruộng, bỏ quê.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải đề xuất với Chính phủ có chính sách để kích hoạt được những doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương. Càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương thì khi các nhà đầu tư đến sẽ có hệ sinh thái xung quanh, sẽ có những doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không thể làm hết. Khi chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điều kiện để chúng ta kéo các “đại bàng” về hoạt động. Từ đó, sẽ vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp vừa tạo ra giá trị cho người nông dân.

Đồng thời, theo ông Hoan, hình mẫu nông dân hiện đại cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Bởi nông dân là người đầu tiên của tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh. Vậy làm sao để người nông dân trở nên chuyên nghiệp, trở nên thông minh?

“Đó là bằng những quyết sách, đề án để thay đổi nhận thức của người nông dân, biết cách tiếp cận tri thức cơ bản nhất trong nền kinh tế thị trường, hiểu biết quy luật cung - cầu,… Người nông dân phải xem nông nghiệp là một nghề chứ không phải không biết làm gì thì đi làm nông. Chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân, tiến tới ngày nào đó chúng ta giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề” - ông Hoan nhấn mạnh.

Các chuyên gia đưa ra cảnh báo, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phải gắn với tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,… tránh việc sản xuất không gắn với các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của sản phẩm hữu cơ.

Theo VietQ


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập182
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,082,787
  • Tổng lượt truy cập3,787,991
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây