Hà Nội đang bùng phát dịch sởi ở người lớn, trong đó nhiều bệnh nhân có biến chứng nguy hiểm. Hiện đã có 8 bệnh nhân độ tuổi từ 18 - 40 bị biến chứng viêm não do sởi đang được điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia...
Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, bệnh sởi đã có dấu hiệu tăng nhanh từ cuối tháng 12/2008 và cho đến nay, đã có khoảng 340 bệnh nhân nhập viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia. Nhưng theo xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thì chỉ có 180 ca trong số đó mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, nguy hiểm là người dân chủ quan với bệnh sởi, nên nhiều ca bệnh nhập viện trong tình trạng có biến chứng, hôn mê sâu, rất nguy kịch.
Bệnh nhân phần lớn sống rải rác ở địa bàn Hà Nội mở rộng, nhiều trường hợp là sinh viên, độ tuổi mắc từ 18 - 40 tuổi. Ngoài ra, ở hầu hết các quận nội thành Hà Nội, ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam đều đã có bệnh nhân nhập viện do sởi.
Tại Khoa điều trị tích cực Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia hiện đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng do sởi, đặc biệt là biến chứng viêm não. Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực, cho biết: "Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng với các triệu chứng: hôn mê sâu, ngừng thở, rối loạn nhịp tim, tất cả đều trong độ tuổi từ 18- 25".
Về dịch sởi đang bùng phát tại Hà Nội, ông Dương nhận định, việc khống chế dịch là không đơn giản. Vì vi rút sởi có tính lây lan mạnh, tính chất dịch tại Hà Nội hiện nay lại tản phát, do đó công tác phòng chống dịch là khó khăn. Vì thế, ngay từ khi có thông tin về dịch sởi tại Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã phối hợp chặt với Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia điều tra, xác định các ca bệnh, chỉ đạo các trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh thành phố thực hiện tích cực các biện phòng chống dịch tại địa phương. Ông Dương cũng đưa ra lời khuyên, để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), có triệu chứng viêm long (ho, hắt hơi, chảy mũi, mắt lèm kèm, hoặc mắt đỏ)… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế. Vì khi mắc bệnh, hệ miễn dịch bị suy yếu, bệnh nhân dễ bị biến chứng viêm phổi, thậm chí biến chứng nặng gây viêm não. Đối với những trường hợp nhẹ, được hướng dẫn điều trị tại nhà, người bệnh vẫn cần tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, ăn thức ăn mềm, cần hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang.
Nguyễn Thị My st