* Phóng xạ lan ra nhiều nước nhưng chưa nguy hiểm TT - Đó là dự báo của Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện. Tuy nhiên nồng độ phóng xạ của đám mây không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, do vẫn thấp hơn hàng ngàn lần giá trị giới hạn quy định theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Tính đến ngày 8-4, các trạm quan trắc của Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) tại khu vực Đông Nam Á đã phát hiện thêm một số đồng vị phóng xạ hạt nhân từ Nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 (Nhật Bản). Dự báo của CTBTO cũng cho thấy trong vài ngày tới, một đám mây lớn với nồng độ phóng xạ cao gấp khoảng 100 lần so với mức đã phát hiện sẽ bao trùm lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, TS Trịnh Văn Giáp - viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - khẳng định khi đám mây này di chuyển đến, dù có mưa xuống thì nồng độ phóng xạ cũng không ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong trường hợp xấu nhất, đám mây phóng xạ bao phủ lên lãnh thổ Việt Nam (trong ngày 10-4), mức phóng xạ sẽ tăng thêm lớn nhất là 100 lần so với mức đã phát hiện được.
Khi đó, nồng độ phóng xạ quan trắc được cũng vẫn thấp hơn hàng ngàn lần giá trị giới hạn quy định theo tiêu chuẩn Việt Nam.
TS Giáp cho rằng về nguyên tắc, khi có mưa thì bụi phóng xạ sẽ theo nước mưa xuống đất. Tuy nhiên, hàm lượng phóng xạ trong không khí đã rất nhỏ nên khi theo mưa xuống đất, giá trị của phóng xạ cũng nhỏ và không thể có chuyện cô đặc khi nước mưa chảy theo hệ thống cống rãnh ra sông hồ.
Theo ông Giáp, các đồng vị phóng xạ từ Nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 hiện nay phát tán ra môi trường gồm hai loại. Loại thứ nhất mà các trạm quan trắc trên thế giới đều phát hiện được là đồng vị phóng xạ phân hạch thoát ra từ nhiên liệu hạt nhân do thanh nhiên liệu bị nóng chảy. Những đồng vị phóng xạ này nguy hiểm đối với con người khi đến ngưỡng cho phép. Loại đồng vị phóng xạ thứ hai thoát ra do phản ứng hạt nhân kích hoạt một số vật liệu trong lò phản ứng tạo ra. Đồng vị phóng xạ này bao giờ hàm lượng cũng nhỏ hơn rất nhiều so với đồng vị từ các thanh nhiên liệu.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã phân tích một số mẫu nước biển của Việt Nam nhưng chưa phát hiện các đồng vị phóng xạ có nguồn gốc từ sự cố Fukushima 1. Việc phân tích này cũng sẽ được tiến hành thường xuyên do nghi ngại những dòng hải lưu có thể đẩy các luồng nước phóng xạ đi xa hơn.
Bên cạnh đó, đề phòng trường hợp thủy hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản có thể nhiễm phóng xạ, Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra hàng nhập khẩu từ Nhật vào Việt Nam. Khi có phát hiện dị thường sẽ có xử lý ngay, thông báo và khuyến cáo đối với người dân.