Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Triệu Văn Hùng cho biết: Cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động KH&CN hiện nay chưa tạo thuận lợi cho nhà khoa học. Ví dụ việc khoán thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC- BKCN, của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN nhưng vẫn thiếu hướng dẫn về cách xác định tiền lương, tiền công cho cán bộ nghiên cứu, cũng như chưa có chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo trong nghiên cứu. Hơn nữa, cơ chế tài chính cũng chưa khuyến khích DN huy động vốn để đầu tư cho KH&CN hay khuyến khích các DN ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN.
Trước thực tế này, theo ông Hùng, cần đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN theo hướng tăng cường khoán chi phí cho các nhiệm vụ KH&CN, tính tiền lương tiền công vào nhiệm vụ KH&CN, tiến tới khoán đến sản phẩm cuối cùng; thống nhất giữa quản lý nội dung khoa học với quản lý tài chính, chỉ quyết toán chính thức sau khi nhiệm vụ kết thúc và được nghiệm thu; quy định về kinh phí đào tạo cán bộ và dự phòng trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Phan Minh Tân cho rằng, cần nâng cao tỷ lệ đóng góp của các DN và thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho KH&CN. Đối với những nhiệm vụ KH&CN do DN chủ trì, 70-80% kinh phí sẽ do DN đầu tư và chi trước toàn bộ kinh phí để thực hiện, Nhà nước nên cấp kinh phí hỗ trợ từ 20-30% theo phương thức thanh toán sau khi kết thúc đề tài, song DN cũng cần chứng minh được quy mô thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, hỗ trợ thiết thực về điều kiện kinh doanh, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và ngân sách cho các nghiên cứu và sản xuất công nghệ hình thành trong nước.
Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN sẽ thúc đẩy đầu tư của toàn xã hội cho đổi mới công nghệ. Theo đó, sẽ dành tỷ lệ đáng kể ngân sách sự nghiệp khoa học để đầu tư cho việc nhập, làm chủ công nghệ, mua sáng chế và thuê chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, thực hiện đầu tư có trọng điểm và đồng bộ về cơ sở vật chất và nhân lực cho các tổ chức KH&CN, hỗ trợ DN xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, đầu tư phát triển các trung tâm ươm tạo công nghệ. Trong đó, đầu tư mạnh vào xây dựng 10-12 viện nghiên cứu và 20-30 tập thể khoa học, 100-120 nhóm nghiên cứu, đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm quốc gia cũng như tiếp thu cải tiến công nghệ tiên tiến của thế giới.
Bộ KH&CN cũng cho biết, sẽ thay thế cơ chế tài chính hành chính hiện nay bằng cơ chế tài chính sự nghiệp để tạo động lực cho các tổ chức sự nghiệp KH&CN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phát triển nhanh và có hiệu quả quỹ phát triển KH&CN, đưa các quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia vào hoạt động.
Theo Báo Kinh tế Việt Nam (ven.org.vn), 15/04/2011