Gần đây, việc ăn côn trùng trở thành “phong trào” và người ta bắt đủ loại côn trùng đưa vào nhà bếp, kể cả các loài trước đây không ai ăn. Từ côn trùng “hiền” đến côn trùng “dữ” như ve sầu có cánh, cà cộ, xén tóc già, chang chang, cào cào ngô (loài cào cào to), thằn lằn núi, bò cạp, rết... đều đem lên bàn nhậu. Bọ xít (bọ xít nhãn, bọ nẹt mướp...) là một trong nhóm khoái khẩu “độc chiêu”, bởi khi nướng chín con nào con nấy cái bụng tròn vo đầy trứng béo ngậy...
Khi dùng những côn trùng để ăn kể trên, đặc biệt là những món chưa bao giờ một lần dùng thử, nhiều người lại không lưu ý đến những mối nguy rình rập. Gặp loài có độc khi đưa vào làm thực phẩm đôi khi bị hại khi vừa tiếp xúc; khi chế biến và khi ăn uống, chất độc thường tác động lên đường ruột, hệ thần kinh...
Trường hợp thương tâm mới đây, ngày 14/8, bệnh nhân Trương Thanh S. (59 tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng suy thận, gan, tim, nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu... Bệnh nhân được lọc máu cấp cứu, thở máy, truyền máu, dùng thuốc vận mạch nhưng bệnh nhân đã tử vong ngay sau 13 giờ. Sự việc trước đó, trưa 9/8, ông S. và một người hàng xóm 70 tuổi đã rang bọ xít làm mồi uống bia. Ông S. ăn 6 con bọ xít. Khoảng 30 phút sau, cả hai nôn nhiều, đau bụng kèm đi phân lỏng nên được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân 70 tuổi tử vong do suy thận, còn bệnh nhân S. được chuyển đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và sau đó cũng tử vong.
Các chuyên gia xác định loài bọ xít mà hai bệnh nhân ăn là bọ xít lửa. Nó là thành trùng của sâu Cartharis mylabris, ở Việt Nam được gọi là sâu đậu, thuộc bọ cánh cứng, mình dài khoảng 2 cm, có 3 cặp chân với vuốt cong và bén, đầu có 2 râu, mõm nhọn, thân màu xanh lục biếc (gần màu đen bóng). Trên cánh có 3 dãy sọc vàng đỏ (nên có tên bọ xít lửa). Điểm đặc biệt của bọ xít lửa là có mùi hôi khét rất khó chịu. Hễ chạm vào là nó tiết ra dịch tiết sền sệt màu vàng có thể làm bỏng rộp da. Bọ xít lửa sống nhiều trên ruộng đậu đen.
Việc người dân tự sử dụng loại bọ xít lửa này để rang, chiên, nướng... ăn có thể bị ngộ độc với triệu chứng thường gặp là phồng rộp dạ dày, ruột, tiểu tiện ít và có máu. Ngộ độc nặng hơn, bệnh nhân sẽ đau đớn, rối loạn thần kinh, hôn mê và tử vong trong vòng 24 giờ. Người dân cần thận trọng, không vì có nhiều loài bọ xít dùng làm thức ăn, mồi nhậu được mà gặp bọ xít nào cũng bắt để ăn. Trước khi ăn cần tìm hiểu kỹ, không được tùy tiện. Các loại côn trùng sử dụng làm thực phẩm phải có sự hướng dẫn, nghiên cứu, và có sự khuyến cáo của những người làm khoa học.
Nguồn khoahoc.com.vn