(VietQ.vn) - Dẫn số liệu từ Bộ KH&ĐT, TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết, có tới 60% doanh nghiệp nói rằng chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ là một rào cản của họ trong quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đang là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, giá trị mới hơn…
Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội (HBA) và Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho biết, nếu thực hiện chuyển đổi số hiệu quả sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, qua khảo sát về tình hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT nhận thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn còn gặp phải những rào cản, khó khăn. Trong đó, có tới 60% doanh nghiệp nói rằng chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ là một rào cản. Ngoài ra, thách thức đối với quá trình chuyển đổi số còn đến từ việc làm sao để thay đổi được thói quen, tập quán kinh doanh và tìm kiếm ở đâu nguồn nhân lực hỗ trợ chuyển đổi số.
TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết, chuyển đổi số đang là việc quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển, giúp các doanh nghiệp thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn.
Ông Đặng Duy Khánh, Trưởng Ban Dự án Chuyển đổi số Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của VNPT cho hay, hiện Việt Nam có hơn 850.000 doanh nghiệp, trong đó 98% là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (SME), đóng góp 45% vào GDP hàng năm. Trong đó, riêng TP Hà Nội có khoảng 281.228 doanh nghiệp. Ông Khánh cho rằng mục tiêu của chuyển đổi số doanh nghiệp là tăng doanh thu, giảm chi phí, tạo ra mô hình kinh doanh mới. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ giúp tăng doanh thu thông qua dịch vụ quảng cáo số; Dịch vụ email Marketing; Kênh thương mại điện tử; Thanh toán và giao nhận; Quản trị khách hàng đa kênh, hợp nhất; Tổng đài số. Chuyển đổi số cũng sẽ giúp giảm chi phí khi ứng dụng các dịch vụ giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước (SmartCA, BHXH); Văn phòng điện tử, hội nghị trực tuyến; Phần mềm quản trị nội bộ: ERP, DMS, AMS… Đào tạo trực tuyến…
Theo ông Khánh, các giai đoạn trưởng thành số của doanh nghiệp gồm: Giai đoạn 1: Số hóa - Chuyển đổi dữ liệu sang dạng số hoá; Giai đoạn 2: Ứng dụng công nghệ số: Đưa ứng dụng công nghệ vào quy trình, sản phẩm của doanh nghiệp; Giai đoạn 3: Sử dụng dữ liệu số, ứng dụng số tạo ra mô hình kinh doanh và giá trị mới. Các lộ trình mẫu chuyển đổi số gồm: Xác định hiện trạng và mục tiêu, sau đó lên chương trình hành động và chuẩn bị nguồn lực; Triển khai và Đánh giá kết quả rồi rút kinh nghiệm.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, ông Đào Đình Khả. Viện Quốc tế Pháp ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, từ tác động của xu thế bùng nổ công nghệ trong một môi trường kết nối bao trùm sẽ giúp chi phí công nghệ cơ bản giảm mạnh. Công nghệ truyền thông thế hệ mới sẽ giúp cho sự kết nối được diễn ra mọi lúc, mọi nơi, mọi chiều và phổ cập. Môi trường kết nối cũng dẫn đến sự lựa chọn và yêu cầu đa dạng. Đây cũng là thách thức mới đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đổi mới sản phẩm, dịch vụ.
TS Đào Đình Khả cũng cho biết, môi trường số sẽ giúp thay đổi hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ đưa ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới ra thị trường và chính môi trường số cũng là thước đo giá trị sản phẩm. Tuy nhiên theo TS. Đào Đình Khả, doanh nghiệp cần liên tục đổi mới sáng tạo để cạnh tranh bền vững trong môi trường số nhiều biến động, cần phương thức mới để đổi mới sáng tạo hiệu quả và cạnh tranh bền vững.
Theo Vietq.vn