Vải Thiều Hải Dương chinh phục thị trường nội địa

Bên cạnh những lô vải thiều xuất ngoại, vải Hải Dương còn chinh phục khách hàng nội địa bởi vị thơm ngon đặc trưng không nơi nào có được. Vụ này, vải Hải Dương được bày bán tại nhiều thị trường mới trong nước.

Vải Thiều Hải Dương chinh phục thị trường nội địa

Chất lượng vượt trội

Đến thời điểm này, HTX Ameii Việt Nam ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đã thu hơn 500 tấn vải (bằng 2/3 tổng sản lượng HTX dự kiến thu mua trong vụ này). Những năm trước, toàn bộ hơn 14 ha trồng vải VietGAP và GlobalGAP của HTX chủ yếu phục vụ doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay ngoài thị trường xuất khẩu, HTX còn sản xuất vải theo hướng hữu cơ để phục vụ thị trường nội địa.

Ông Phạm Văn Giang, Giám đốc HTX Ameii Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi xác định thị trường trong nước rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là các sản phẩm chất lượng cao. Do vậy, vụ này HTX có gần 1 ha vải sản xuất theo hướng hữu cơ với sản lượng khoảng 7 tấn. Toàn bộ vải được doanh nghiệp bao tiêu với giá bán từ 35.000-40.000 đồng/kg. Vải hữu cơ được HTX cung cấp cho chuỗi cửa hàng hoa quả sạch ở Hà Nội. Sản lượng không đủ để cung cấp cho thị trường”.

Vụ này, huyện Thanh Hà có chiến lược tiêu thụ vải khác mọi năm. Trước đây, có tới khoảng 70% sản lượng vải được xuất khẩu sang Trung Quốc, còn lại là xuất khẩu sang thị trường khó tính và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” nên ngay từ đầu vụ địa phương và ngành nông nghiệp đã xây dựng các kịch bản để vải được tiêu thụ thuận lợi. Trong đó chú trọng tiêu thụ tại thị trường trong nước để giảm tối đa việc phụ thuộc vào Trung Quốc. Như vậy, ngoài xuất khẩu thì thị trường nội địa được xác định là nơi tiêu thụ chính. Cùng với đó, huyện Thanh Hà và ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người trồng vải nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài 189 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích hơn 600 ha thì Thanh Hà còn có 4.000 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt với sản lượng khoảng 27.000 tấn.

Ông Phạm Huy Mơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà phấn khởi nói: “Hầu hết nông dân đều nắm vững kỹ thuật sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt nên chất lượng quả đồng đều và vượt trội hơn so với các vụ trước và so với các địa phương khác trong cả nước. Đây là điểm cộng của vải Hải Dương trong vụ này. Sản lượng vải, giá vải đều tăng so với những năm trước. Vải chín đến đâu tiêu thụ hết đến đấy”.

Người tiêu dùng ưa thích

Vụ vải này là năm thứ 2 Công ty CP đầu tư Phát triển Nhân Hòa (Hà Nội) tiêu thụ vải Hải Dương. Nếu như vụ trước, doanh nghiệp chủ yếu thu mua vải để xuất khẩu thì vụ này toàn bộ sản lượng vải đều tiêu thụ tại thị trường nội địa. Từ đầu vụ đến nay, doanh nghiệp đã thu mua hơn 400 tấn vải để cung cấp vào các siêu thị và chuỗi cửa hàng trong cả nước như Ưu Đàm, Ecofood, Bác Tôm, Sói Biển… Ngoài thị trường lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vụ này cũng là lần đầu tiên người tiêu dùng miền Trung và Tây Nguyên được thưởng thức quả vải chất lượng của Hải Dương.

Anh Trần Trung Anh, Giám đốc Công ty CP đầu tư Phát triển Nhân Hòa chia sẻ: “Trước khi thu mua, doanh nghiệp đã lựa chọn và khảo sát tại nhiều vùng vải của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Tuy nhiên, vải Hải Dương vẫn có chất lượng vượt trội hơn nên chúng tôi chỉ thu mua vải ở Hải Dương. Ngoài các thành phố lớn, chúng tôi còn cung cấp vải cho hệ thống hoa quả sạch ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Lượng vải tiêu thụ rất tốt. Vụ tới, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thị trường nội địa và tăng lượng vải thu mua”.

Theo anh Lê Hưng Thịnh, tiểu thương kinh doanh ở chợ đầu mối Thủ Đức, từ đầu vụ anh đã thu mua 2.000 tấn vải của Hải Dương để cung cấp khắp TP Hồ Chí Minh. “Những năm trước, vải loại 1 thường được xuất sang Trung Quốc nên vải vào đến các tỉnh miền trong không được tươi ngon nhưng năm nay khác hẳn. Người dân được thưởng thức trái vải tươi ngon, chất lượng nên rất thích. Vải Hải Dương ngon hơn vải trồng ở các tỉnh, thành phố khác”, anh Thịnh nói.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, so với xuất khẩu thì tiêu thụ nội địa vẫn có nhiều ưu điểm, không chỉ giảm rủi ro cho doanh nghiệp mà còn mang đến sản phẩm an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng. Với quy mô dân số gần 100 triệu người thì thị trường nội địa là thị trường tiềm năng không chỉ quả vải mà còn của nhiều nông sản khác. Để khai tác tối đa thị trường nội địa, người sản xuất cần thay đổi tư duy, sản xuất ra sản phẩm sạch, chất lượng để phục vụ tiêu dùng nội địa thay vì chỉ xuất khẩu như trước.

Theo Báo Hải Dương


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây