Doanh nghiệp Khoa học & công nghệ: Nhiều điểm nghẽn cần khơi thông

Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, nhưng việc phát triển doanh nghiệp KHCN vẫn còn nhiều vướng mắc, số lượng tính đến nay mới chỉ đạt 14% so với mục tiêu đề ra.

Doanh nghiệp Khoa học & công nghệ: Nhiều điểm nghẽn cần khơi thông

Mở rộng cơ chế, chính sách với doanh nghiệp KHCN

Tại Hội thảo “Chuyển đổi Số và Đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KHCN Việt Nam” do Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo đã tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp KHCN được xác định là một nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo, phát triển lĩnh vực KHCN nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển.

Sự ra đời Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp KHCN, bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng… giúp doanh nghiệp KHCN có thêm điều kiện để phát triển.

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược Phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó xác định phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia… Đồng thời, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xác định rõ không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin mà là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới. Nhờ vậy, việc phát triển và ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã từng bước phát triển, nhiều kết quả nghiên cứu KHCN được ứng dụng nhanh và hiệu quả hơn.

 Ban tổ chức vinh danh các Ngôi sao sáng chế 2023 cho nhà sáng chế trẻ, sản phẩm công nghệ tiêu biểu từ sáng chế, chủ đơn có nhiều đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích.

Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Việt Nam đã thiết lập một hệ thống pháp luật và quy định để hướng dẫn việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, phù hợp với các điều ước quốc tế hiện hành. Tiến trình thương mại hóa tuân thủ tất cả các luật và quy định liên quan cả trong nước và quốc tế.

Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40.

Minh chứng cho ưu thế khi trở thành doanh nghiệp KHCN, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) cho hay, ThaiBinh Seed là doanh nghiệp KHCN đầu tiên của tỉnh Thái Bình từ năm 2012, trong 10 năm qua đã được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 84 tỷ đồng. Công ty này cũng được tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu với tổng giá trị 130 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước 79,5 tỷ), đồng thời được tiếp cận nhiều thông tin mới về KHCN.

Vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết

Dù vậy, việc phát triển việc phát triển số lượng doanh nghiệp KH&CN trong những năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt được như kỳ vọng. Tính đến hết năm 2022, cả nước chỉ mới có 712 doanh nghiệp KHCN, tức chỉ đạt hơn 14% so với mục tiêu đề ra tại Quyết định số 418 ngày 11/4/2012 của Thủ tưởng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 là sẽ có 5.000 doanh nghiệp KHCN. Trong khi thực tế, còn khá nhiều doanh nghiệp có tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp KHCN. 

Đó là chưa kể, khi trở thành doanh nghiệp KHCN, các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, khó khăn trong việc đưa các sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, trong quá trình thực thi Nghị định 13/2019, kết quả mang lại cho các doanh nghiệp còn không ít hạn chế.

Ông Hoàng Đức Thảo, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam cho biết, Hội đã khảo sát ý kiến với 167 doanh nghiệp thành viên. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các doanh nghiệp khoa học công nghệ không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13. Mới chỉ có 6 doanh nghiệp được ưu đãi theo Nghị định 13 với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỉ đồng. Trong khi đó, 18 doanh nghiệp chưa biết tiếp cận cơ chế ưu đãi như thế nào. Có doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm KHCN không đủ tỉ lệ 30% để nhận ưu đãi. 141 doanh nghiệp còn lại chưa được hưởng ưu đãi nào.

Thông tư số 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp KH&CN quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp KHCN được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, thủ tục và hồ sơ để thụ hưởng chính sách ưu đãi này theo hướng dẫn tại Thông tư 03 vẫn còn rất phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách.

Bên cạnh đó, kết quả thương mại hóa sản phẩm KHCN ra thị trường của nhiều đơn vị chưa tương xứng với đầu tư và kết quả nghiên cứu. Việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến không đạt hiệu quả như mục tiêu và nhu cầu phát triển. Không ít doanh nghiệp chưa đặt trọng tâm đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, để làm nền tảng cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững…

Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ ThaiBinh Seed, doanh nghiệp KHCN gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục giải ngân, chứng nhận sản phẩm KHCN

Ở góc độ doanh nghiệp KHCN trong nông nghiệp, ông Trần Mạnh Báo nhìn nhận, khó khăn trước hết là ở thương mại hóa sản phẩm KHCN. Vấn đề công nhận giống cây trồng còn nhiều phức tạp mới do thay đổi của luật trồng trọt, việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối doanh nghiệp nông nghiệp nhất là giống cây trồng chưa cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại khi đưa ra thị trường. Ngân sách cho hoạt động KHCN còn rất ít, thủ tục nhiều mà lại khó khăn giải ngân (ngày 20/7/2023 Bộ trưởng kế hoạch đầu tư cho biết, ngân sách dành cho KHCN giảm dần qua các năm từ 1,1% năm 2017 xuống còn 0,82 % năm 2023). Quá trình thực hiện các đề tài/dự án có hỗ trợ ngân sách nhà nước còn nhiều thủ tục, phức tạp.

Trước thực tế trên, Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam kiến nghị cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo. Đồng thời tăng cường năng lực hiệu quả của tổ chức Thanh tra Bộ KH&CN để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thúc đẩy hoạt động KHCN.

“Đề nghị Bộ KH&CN có cơ chế ưu tiên rút ngắn thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thương mại hóa sản phẩm ra thị trường theo hướng quy định chủ sở hữu và tác giả phải cam kết chịu trách nhiệm bồi thường thích đáng nếu có tranh chấp,” đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam nhấn mạnh.

Về nguồn nhân lực phục vụ hoạt động KHCN, ông Trần Mạnh Báo cũng cho rằng, nhà nước nên có các chính sách ưu tiên đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho nhân lực thuộc các doanh nghiệp này. Cần có chính sách ưu đãi để đào tạo Ths,TS, công nhân trình độ cao tại nước ngoài hoặc các cơ sở đào tạo uy tín do đội ngũ nhân lực hiện nay tại các doanh nghiệp KHCN còn thiếu và yếu.

Liên quan đến định hướng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho rằng cần xây dựng đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng chính sách chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học và công nghệ, khuyến khích hợp tác công – tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ…

Nguồn: Tạp chí điện tử Chất lượng Việt Nam (vietq.vn)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây