Thủ tướng bày tỏ mong muốn cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, dám đối diện với khó khăn, thách thức, không sợ thất bại.
Nhiều điểm sáng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại chương trình Dấu ấn Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp TPHCM 2023 (Techfest – Whise 2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng khi tham dự chương trình. Theo Thủ tướng, đây là năm thứ 9 (bản thân Thủ tướng tham dự 3 lần), Việt Nam tổ chức sự kiện quan trọng này, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp.
Đồng thời, truyền tải thông điệp của Chính phủ là “Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách tổng thể, toàn diện, hướng tới Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới, với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, cởi mở; hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, bản sắc, tinh thần con người Việt Nam”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược; vừa có thời cơ, thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức và điều quan trọng là chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ tạo dựng giá trị trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và là động lực quan trọng phát triển nhanh và bền vững của các quốc gia, nhất là trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định và hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Dấu ấn Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp TPHCM 2023 (Techfest – Whise 2023).
Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và nằm trong top dẫn đầu của các nền kinh tế đang phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh đứng trong nhóm 81-90 thuộc Top 100 thị trường startup mới nổi của toàn cầu (Theo Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu của Startup Genome). Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn giữ được mức phát triển tương đối tốt so với khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD).
Hiện nay, Việt Nam có trên 3 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, kiều bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. "Chúng ta phải coi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới", Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh kinh tế, địa chính trị trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Xung đột vũ trang, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, ... là những vấn đề lớn, có tính toàn cầu. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm (dưới 3% trong năm 2023). Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm: (1) Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,08% so với tháng 9, bình quân 10 tháng tăng 3,2%; (2) Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; (3) An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt trên 4 tỷ USD, tăng trên 17% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ);
(4) Hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi động, duy trì mức tăng khá cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng ước đạt gần 10 triệu lượt, gấp 4,2 lần cùng kỳ, vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách năm 2023); (5) Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại và là điểm sáng (trị giá xuất khẩu tháng 11, tính đến ngày 23/11/2023 đạt 23,05 tỷ USD, nhập khẩu đạt 22,64 tỷ USD, xuất siêu đạt hơn 400 triệu USD) ; (6) Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng, tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
"Qua báo cáo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng ta nhận thấy nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ USD đã và đang hình thành, phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ Việt, sức sáng tạo Việt, ý chí người Việt từng bước khẳng định và vươn ra thế giới. Tôi cũng rất vui mừng vì người Việt Nam chúng ta đã biết tận dụng lợi thế riêng có, tạo dựng được những mô hình doanh nghiệp như vậy, đã gây dựng được nền tảng và lớn mạnh, vượt ra khỏi biên giới quốc gia hội nhập với thế giới.
Qua theo dõi và chỉ đạo, tôi thấy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội một cách nhanh chóng và mạnh mẽ ra sao, đặc biệt là trong ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống, sản xuất, chuyển đổi số, thương mại điện tử, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Thói quen, hành vi, tiêu dùng, sinh hoạt ... hiện tại đã và đang không thể tách rời khoa học và công nghệ và phần không nhỏ là từ sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đang là động lực mới, mở ra không gian phát triển mới góp phần phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng cho hay.
Cần phải có chiến lược bài bản
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới và chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa thể so sánh với Israel – quốc gia hàng đầu về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hay Singapore – quốc gia hàng đầu về năng lực cạnh tranh. Mặt khác, hiện nay cũng như tình trạng chung của khu vực và thế giới, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn “mùa đông gọi vốn”, các nhà đầu tư quốc tế ngày càng thận trọng hơn, đa dạng hóa danh mục đầu tư, quản lý rủi ro chặt chẽ hơn.
Từ phía Chính phủ nhìn nhận và khẳng định sự cần thiết và quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội; khẳng định sự ủng hộ và đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ cũng sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh chính sách tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất, ban hành, thực thi những mô hình thí điểm, đặc thù để thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung, và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.
"Trong phiên họp chuyên đề Chính phủ ngay tuần trước, tôi cũng đã nhấn mạnh, xây dựng pháp luật phải cắt giảm tối đa thủ tục, giảm bớt xin cho, giảm sách nhiễu, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nhất là phải phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra. Các quy định phải xử lý vấn đề mới phát sinh để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, không để “cài cắm” lợi ích nhóm, cục bộ, lợi ích của bộ ngành, địa phương trong xây dựng pháp luật.
Để công cuộc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cùng đại diện các Bộ, ngành cùng tham quan gian hàng tại Techfest-Whise 2023.
Các giải pháp chính
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cũng đề cập tới các giải pháp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách toàn diện, bền vững. Đầu tiên, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội nhằm xây dựng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới; địa điểm hấp dẫn cho thử nghiệm các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hay mô hình kinh doanh; đặt doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào trung tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển; tạo cơ chế kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp khởi nghiệp, những nhà đầu tư và các chuyên gia.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải triển khai một cách khoa học, bài bản và có trọng tâm, trọng điểm; trước mắt tập trung vào 04 ưu tiên chính: (i) Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong công nghệ thông tin, an ninh mạng, dịch vụ kỹ thuật số như công nghệ tài chính, thương mại điện tử, logistics…; (ii) Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong công nghệ y tế, giáo dục; (iii) Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong công nghệ môi trường và năng lượng; (iv) Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao và cần hướng tới phát triển bền vững, tác động tích cực tới môi trường, xã hội.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tận dụng và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm khởi nghiệp, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, các mô hình tăng tốc khởi nghiệp, không gian làm việc chung... cùng với sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên.
Xây dựng văn hóa khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, nhất là cho thế hệ trẻ Việt Nam; là những con người đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phải trao cơ hội cho các bạn trẻ để phát triển một cách toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường, tạo nên sự khác biệt theo cách riêng của mình, dám chấp nhận thất bại; trở thành một phần quan trọng, rất đáng tự hào của đất nước Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu.
Xác định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, xây dựng thể chế, chính sách, kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài; phát huy truyền thống, văn hóa, lịch sử dân tộc, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường của con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Để sớm thu hẹp khoảng cách phát triển và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hàng đầu về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có giải pháp gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tri thức, khoa học công nghệ và đặc thù riêng có của đất nước, con người Việt Nam. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, giải quyết các bài toán về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả quản trị quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng lao động… góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; có công cụ và chính sách đột phá nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương, quốc gia. Khuyến khích những ý tưởng mới, những kế hoạch sáng tạo, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế trên đất nước ta và trên toàn cầu.
Ba là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ, sản phẩm mới… liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.
Bốn là, phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, "vườn ươm sáng tạo" tạo, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các viện, trường là chủ thể nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các tổ chức trung gian, môi giới, sàn giao dịch vốn, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ về pháp lý, quản lý… để hình thành hệ sinh thái làm "bệ đỡ" cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
Năm là, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ các bậc học phổ thông và ngay từ những ngày đầu khi thanh niên có ý tưởng lập nghiệp. Đẩy mạnh phát triển giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật làm nền tảng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Có chiến lược, kế hoạch cụ thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Sáu là, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau (Nhà nước, các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các tập đoàn, tổ chức quốc tế, các cá nhân và cộng đồng). Đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
"Tôi mong muốn thông qua sự kiện này, các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và đại diện bộ, ngành, địa phương sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm quý, bài học hay. Đồng thời, tôi kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam - một đất nước anh hùng và một dân tộc ngàn năm văn hiến.
Cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, dám đối diện với khó khăn, thách thức, không sợ thất bại; có động lực mạnh mẽ, nhiệt huyết, niềm tin và đam mê cháy bỏng, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, dám khởi nghiệp để tạo nên những điều kỳ diệu, những “kỳ lân" tầm cỡ khu vực và thế giới, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng được ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng kết luận.
Nguồn: Tạp chí điện tử Chất lượng Việt Nam (vietq.vn)