Hải Dương: Nghiên cứu, đổi mới chương trình dạy học Lịch sử, Địa lý địa phương

Hải Dương: Nghiên cứu, đổi mới chương trình dạy học Lịch sử, Địa lý địa phương

Để phục vụ công tác giảng dạy chương trình lịch sử và địa lý địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu và hướng dẫn giảng dạy Lịch sử và Địa lý địa phương phục vụ trong các trường phổ thông tỉnh Hải Dương”. Đề tài được thực hiện trong năm 2012-2013, do TS. Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Sở làm chủ nhiệm.


Dạy học Lịch sử và Địa lý địa phương (LS, ĐLĐP) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình học tập lịch sử dân tộc và địa lý đất nước. Mỗi sự kiện lịch sử địa phương đều gắn liền với tên đất, tên người cụ thể, gần gũi với cuộc sống, qua đó gợi mở cho học sinh niềm tự hào về đất nước, quê hương.  Năm 2000, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu, xuất bản 2 cuốn sách: “Lịch sử Hải Dương” và “Địa lý Hải Dương”. Tuy nhiên, do đặc thù hoàn cảnh, công tác biên soạn nên tư liệu còn nhiều thiếu sót về nội dung, hạn chế về phương pháp.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành khảo sát trên 2.400 người là cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh để đánh giá thực trạng dạy và học 2 môn: Lịch sử và Địa lý địa phương. Qua khảo sát cho thấy: Chương trình Lịch sử địa phương nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo, chính quyền địa phương, lãnh đạo các trường và sự quan tâm tìm hiểu của các em học sinh. Tuy nhiên việc dạy học Lịch sử và Địa lý địa phương chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết giáo viên chưa được tham gia tập huấn nội dung chương trình (67,4 - 78%), tài liệu dạy và học LS, ĐLĐP đã cũ, nội dung rất sơ lược, thiếu thông tin cập nhật từ năm 1975 đến nay nên việc dạy của giáo viên còn mang tính hình thức; việc học của học sinh phần lớn mang tính chất chống đối dẫn đến kết quả học tập không đáp ứng yêu cầu kiến thức và tư tưởng. Nguyên nhân của các hạn chế trên một phần có sự buông lỏng quản lý chỉ đạo của một bộ phận cán bộ quản lý; sự thiếu nhiệt tình, chậm đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên; song nguyên nhân khách quan tác động lớn nhất chính là tài liệu LS, ĐLĐP cũ có quá nhiều hạn chế và bất cập (thiếu thông tin, không có kênh hình…).

Từ kết quả nghiên cứu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành sưu tầm nhiều nguồn tài liệu như: Địa chí Hải Dương, Lịch sử Đảng bộ tỉnh, Lịch sử Đảng bộ các huyện, thành phố, thị xã, Lịch sử Đảng bộ các xã, phường, thị trấn; Gia phả các dòng họ… Trên cơ sở các tài liệu đã sưu tầm, Sở tiến hành nghiên cứu, lưa chọn, thẩm định thông tin, biên soạn trên nguyên tắc chính xác, khoa học, khách quan và tổ chức hội thảo khoa học để hoàn thiện Tài liệu dạy học và hướng dẫn giảng dạy Lịch sử Hải Dương và Tài liệu dạy học và hướng dẫn giảng dạy Địa lý Hải Dương. Mỗi bài học đều có định hướng mục tiêu, nội dung và phương pháp, tuân thủ đúng các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng, tư tưởng, thái độ theo mục tiêu giáo dục phổ thông và mục tiêu từng môn học.

Sau khi được nghiệm thu bộ tài liệu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức dạy thực nghiệm và đối chứng tại 24 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn tài liệu trên cho toàn bộ giáo viên THCS, THPT đang trực tiếp giảng dạy LS, ĐLĐP toàn tỉnh để đưa vào giảng dạy trong năm học 2013-2014.  Đánh giá về bộ tài liệu này, thầy Mai Văn Sỹ, Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc) cho biết: Trước đây, tài liệu dạy học LS, ĐLĐP còn nhiều số liệu chưa chính xác, gây hoang mang cho cho giáo viên bộ môn. Bộ Tài liệu mới của Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành vừa qua đã khắc phục được tình trạng này với số liệu và thông tin chính xác, có hệ thống, bổ sung kênh hình một cách cụ thể và sinh động.

Kết quả nghiên cứu trên của đề tài đã thổi một luồng gió mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn LS, ĐLĐP, định hướng cho giáo viên kiến thức trọng tâm và phương pháp dạy học hiệu quả, tích hợp kiến thức liên môn trong giảng dạy, đáp ứng mục tiêu phát huy năng lực của học sinh.

Để việc dạy và học LS, ĐLĐP ngày càng hiệu quả, các nhà trường cần có sự đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học để giúp học sinh hứng thú, say mê học tập; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu bài học để ứng dụng các nghiên cứu của đề tài vào quản lý, dạy và học theo yêu cẩu đổi mới căn bản và toàn diện.

Anh Nguyên


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây