Cẩm Giàng phát triển thương hiệu nông sản

Huyện Cẩm Giàng: Chỉ đạo các địa phương tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, "chắp cánh" cho các nông sản vươn xa.

Cẩm Giàng phát triển thương hiệu nông sản
Nâng bước nông sản 

Từ đầu tháng 4.2023 đến nay, giá bán buôn trứng gà trên thị trường hạ xuống còn 1.800-1.900 đồng/quả. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP 3 sao "Trứng gà Cẩm Đông” luôn duy trì mức 1.950-2.000 đồng/quả. Theo ông Đào Hữu Thuân, chủ thể sản phẩm trứng gà Cẩm Đông, từ ngày đạt OCOP 3 sao, có truy xuất nguồn gốc từ giống đến quy trình sản xuất nên trứng luôn được khách bao tiêu toàn bộ. 

Ban đầu hồ sơ OCOP của trứng gà Cẩm Đông có nhiều tiêu chí đạt điểm cao như liên kết trong sản xuất, tăng trưởng doanh thu, sử dụng lao động địa phương. Đến nay, sản phẩm đã đạt thêm nhiều tiêu chí như loại hình sản xuất, kinh doanh, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì, nhãn mác… Từ cuối quý I.2023, các gia trại nhà ông Thuân thử nghiệm thành công và phổ biến cho các thành viên trong HTX Kinh doanh và dịch vụ thương mại Cẩm Đông sử dụng chế phẩm vi sinh Ja Biotic của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gà, nhằm chuyển đổi chủ thể “Trứng gà Cẩm Đông” từ cá nhân sang thương hiệu tập thể. 

Đạt OCOP 4 sao là một trong những điều kiện thuận lợi giúp cà rốt tươi Đức Chính mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu. Đầu tháng 4 vừa qua, thị trường Hàn Quốc mở cửa trở lại cho sản phẩm cà rốt của Việt Nam nên vụ cà rốt đông xuân ở Đức Chính đã kết thúc thắng lợi.

Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết: “Hơn 20 doanh nghiệp Hàn Quốc đang nhập khẩu trực tiếp cà rốt Đức Chính đều có đơn hàng mua sản phẩm”.

Với 1.460 ha cà rốt tại xã và ruộng thuê trồng ở các địa phương khác, nông dân Đức Chính thu hoạch khoảng 60.000 tấn cà rốt, đạt doanh thu trên 270 tỷ đồng. Năm nay, sản lượng cà rốt xuất khẩu chiếm khoảng 80%, tăng 10% so với vụ trước, chủ yếu xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á, còn lại là tiêu thụ trong nước.

 

Năm 2022, Công ty TNHH Chicken P.T (xã Cẩm Phúc) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm OCOP 3 sao sau 6 năm hoạt động, gồm gà ta thả vườn P.T, thịt vịt P.T, thịt gà trắng P.T, chân gà P.T, cánh gà P.T. Năm nay, doanh nghiệp đang đăng ký nâng hạng 4 sao cho sản phẩm gà ta thả vườn P.T. Ông Vũ Đình Phong, Giám đốc công ty chia sẻ: “Đây là hành trình xây dựng thương hiệu để sản phẩm của công ty trực tiếp đến được với khách hàng”.


Sơ chế cà rốt tươi xuất khẩu

Biện pháp thiết thực

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Cẩm Giàng đã triển khai đề án xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản. Trong đó, địa phương tập trung phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng các mã truy xuất nguồn gốc, khẳng định chất lượng nông sản; xúc tiến hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực, có lợi thế; tham gia các hội chợ, quảng bá, giới thiệu nông sản của huyện... 

Ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: “Huyện đã triển khai đồng bộ Chương trình OCOP để kinh tế nông thôn bứt phá theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị nông sản địa phương. Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Lễ hội cà rốt ở xã Đức Chính vào tháng 2.2022 bước đầu hình thành điểm nhấn, tạo sự bứt phá về giá trị nông sản, tạo nền tảng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. 

Trong 4 năm 2019-2022, huyện có 9 chủ thể đã xây dựng được 19 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Năm nay, Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương và ông Hoàng Văn Tùng (xã Cẩm Văn), Công ty TNHH Hùng Dũng (thị trấn Lai Cách), HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Liên đăng ký xây dựng OCOP cho hành lá sấy, cà rốt sấy khô và bột mùi sấy khô, đông trùng hạ thảo Thanh Tùng, rượu DiLong, dưa hấu Ngọc Liên. 

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Loan, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, việc vận động các chủ thể tham gia OCOP lần đầu và nâng hạng cho sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do hồ sơ tham gia chương trình yêu cầu nhiều loại thủ tục, giấy chứng nhận, có loại mất chi phí khi thực hiện… 

Nguồn: baohaiduong.vn

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Bản tin KH&CN
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập197
  • Hôm nay31,050
  • Tháng hiện tại428,520
  • Tổng lượt truy cập2,257,546
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây