Ngay từ đầu mùa, các Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ở Thanh Hà đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn xã viên sản xuất vải bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Các tiêu chuẩn này tuy không mới nhưng để người dân chấp hành nghiêm các quy định không phải đơn giản. Ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức HD cho biết năm nay ông đã lập nhóm Zalo với 127 thành viên để trao đổi kinh nghiệm và gửi thông báo về tình hình sâu bệnh cho xã viên phòng trừ. Các thời điểm phun phòng trừ sâu bệnh, thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật đến khi thu hoạch đều được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên nhóm. Các xã viên bám sát hướng dẫn, tuân thủ thực hiện nên vải bảo đảm chất lượng. Đến ngày 28.5, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức HD đã đưa hơn 5 tấn vải sớm vào các siêu thị của Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam (Hà Nội) và một số cửa hàng tiện lợi chuyên nông sản sạch ở Hạ Long (Quảng Ninh). Vải đưa lên kệ siêu thị không chỉ được lựa chọn kỹ lưỡng từ chất lượng mà mẫu mã cũng phải đẹp. Hiện vải u hồng đang cho thu hoạch, mỗi ngày hợp tác xã bán từ 2-3 tạ cho siêu thị, với giá khoảng 35.000 đồng/kg.
Nhiều năm có kinh nghiệm cung cấp vải cho siêu thị và chuỗi cửa hàng nông sản sạch ở Nghệ An và Ninh Bình, ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Cường khẳng định chỉ có chất lượng vải tốt mới chinh phục được thị trường, dù trong hay ngoài nước. Hợp tác xã này tập trung đưa 3 loại vải lên kệ siêu thị gồm: u hồng, tàu lai và vải thiều chính vụ. Những năm trước khi mới bán vải cho siêu thị, đại diện các doanh nghiệp trực tiếp đến các vùng sản xuất kiểm tra hàng hóa, mẫu mã và đặt mua. Từ năm nay họ chỉ liên hệ qua điện thoại và đặt hàng theo ngày, hợp tác xã đóng hàng rồi gửi xe khách, rất tiện lợi.
Chị Phạm Thị Huyền Trang, đại diện Hợp tác xã Nông sản an toàn Thái Dương (xã Hồng Lạc) cho biết từ đầu mùa đến nay, hợp tác xã đã cung cấp gần chục tấn vải sớm Thanh Hà vào hệ thống siêu thị BigC, Metro. Sản lượng vải thiều năm nay không nhiều nhưng hợp tác xã sẽ nỗ lực để quả vải Thanh Hà tiêu thụ nhiều hơn trong hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch.
Mỗi hợp tác xã đều có những mối hàng riêng để tiêu thụ vải. Ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì các HTX cũng là địa chỉ tin cậy để các cơ quan, đơn vị liên hệ đặt vải làm quà. Các HTX còn hỗ trợ nhau để đủ số lượng cung cấp cho khách hàng, bảo đảm uy tín, chất lượng.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, năm nay, sản lượng vải thiều Thanh Hà sẽ giảm so với những năm trước. Vải sớm giảm đáng kể nhưng giá ổn định ở mức cao. Với chất lượng vượt trội, vải thiều Thanh Hà (cả trà vải sớm và chính vụ) không lo đầu ra. Địa phương có 4 vùng trồng vải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này gồm: vùng vải Đồng Ngõ Lái, Đồng Quan Viên, Đồng Nhạn, Đồng Bẩy Trang (cùng xã Thanh Cường), 3 cơ sở đóng gói vải đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc gồm: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức HD, Công ty TNHH một thành viên Xốp Phúc Cường (cùng xã Thanh Quang), cơ sở đóng gói Hoàng Thị Huế (xã Thanh Thủy). Không chỉ thị trường Trung Quốc, vải thiều Thanh Hà còn xuất khẩu thuận lợi sang Mỹ, EU, Hàn Quốc, Singapore… UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, phát huy vai trò của hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ vải và lựa chọn sản phẩm đạt chuẩn để giới thiệu tới khách hàng.