Trong hai năm 2020 - 2021,Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện Dự án: “Phát triển mô hình sản xuất giống lúa chịu úng, chua SHPT3 phục vụ chế biến bún, bánh trên địa bàn tỉnh Hải Dương” với quy mô 700 ha/2 năm tại 8 huyện, thị xã, thành phố đều ở các chân đất chua, trũng hay ngập úng, cấy 2 vụ/năm, xuân muộn, mùa sớm và mùa trung, các địa phương áp dụng theo phương thức gieo cấy phổ biến hiện nay là cấy mạ non, mạ dày xúc (mạ sân), mạ khay, cấy máy và gieo vãi.
Kết quả giống lúa SHPT3 sinh trưởng phát triển khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, chịu được chua, trũng, chịu nóng, chịu lạnh khá, năng suất cao và có thời gian sinh trưởng vụ xuân từ 130 - 133 ngày đối với gieo mạ non, cấy máy; 120 ngày đối với gieo vãi. Vụ mùa từ 102 - 104 ngày đối với gieo vãi và 110 ngày đối với gieo mạ non, cấy máy. Giống có khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt như: sâu cuốn lá, đục thân, rầy nâu, bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, tốt hơn so với đối chứng Q5, Khang dân 18, BC15; khả năng chịu rét, chịu nóng. Năng suất đạt từ 69 - 74,5 tạ/ha (vụ xuân), cao hơn so với giống đối chứng Khang dân 18, Q5 từ 14 - 26%; đạt từ 63,5 - 75,8 tạ/ha (vụ mùa) cao hơn so với giống đối chứng Khang dân 18, Q5 từ 14,7 - 21,8% và BC 15 là 7,6%.
Giống lúa SHPT3 được thu mua 7.000 - 7.500 đồng/kg, có nơi bán 8.000 - 8.500 đồng/kg. Thóc SHPT3 được nhiều doanh nghiệp thu mua, trong đó có nhiều người làm nghề bún bánh bởi gạo của loại này có tinh bột cao, làm bún bán sẽ dôi dư, trung bình 1 kg gạo sẽ làm được 1,8 kg bún… Dự án được triển khai bước đầu đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hoá theo sự liên kết chuỗi sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, hiệu quả sản xuất lúa hàng hóa được nâng cao, nông dân gắn bón với đồng ruộng.
Hải Ninh