Trong quá trình triển khai dự án đã gặp phải một số khó khăn như: thay đổi thời tiết và dịch bệnh dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt; tỷ lệ sống của cá không cao; thiếu đầu tư thức ăn khiến cá chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch. Mặc dù vậy, việc nuôi cá lăng chấm trong khuôn khổ dự án là khá hiệu quả, giá bán cao, tiêu thụ thuận lợi trên thị trường.
Cá lăng chấm là loài cá quý hiếm và hoang dã, vốn chỉ có ở hệ thống sông Hồng. Đây được xem là loài cá có giá trị kinh tế cao và là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc, do thịt cá thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng nên giá thành rất cao. Tại những nơi có điều kiện kinh tế phát triển tại miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, nhu cầu tiêu thụ cá Lăng chấm tại một số thành phố lớn khoảng 200-300 tấn/năm. Giá bán dao động trong khoảng 200.000-300.000đồng/kg.
Tuy nhiên, do bị khai thác quá mức nên sản lượng cá lăng chấm khai thác tự nhiên ngày càng giảm. Trên thị trường hầu hết là cá lăng được nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái. Trước thực trạng đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã nghiên cứu thành công việc sản xuất giống cá lăng chấm và xây dựng quy trình nuôi thương phẩm trong ao. Công nghệ này được chuyển giao thành công cho các tỉnh như Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hòa Bình…
Thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hoàn thiện mô hình nuôi cá lăng chấm hàng hóa trên địa bàn tỉnh”, trong 3 năm 2011-2013, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương đã xây dựng mở rộng mô hình nuôi cá Lăng chấm đạt hiệu quả cao, nhằm đưa loại cá có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thuỷ sản tại Hải Dương.
Năm 2011, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học đã đầu tư trang thiết bị phục vụ nuôi cá Lăng chấm thương phẩm. Trong đó, hỗ trợ 50% kinh phí cho các hộ đầu tư xây dựng cơ bản và sắm máy móc thiết bịgồm: 1 lồng nuôi cá; 4 máy chế biến thức ăn tự chế; 08 máy phun mưa tạo ôxy; 04 tủ đá bảo quản thức ăn. Đồng thời đầu tư 100% kinh phí mua 01 bộ thiết bị kiểm tra môi trường nước và 04 bộ Test môi trường.
Dự án đã xây dựng mô hình nuôi thâm canh Cá Lăng chấm thương phẩm trong ao đất với quy mô 8.000 con. Tại gia đình anh, Đặng Duy Tuyền (thôn Cáy xã Đoàn Thượng huyện Gia Lộc), cá lăng chấm được nuôi thâm canh với mật độ 2 con/m2. Do ảnh hưởng của thời tiết, nguồn nước không đảm bảo gây thiệt hại tới 80% số lượng cá của mô hình. Số cá còn lại đã đạt tiêu chuẩn thu hoạch, trung bình đạt 1,2 kg/con với năng suất 4,4 tấn/ha.
Còn hộ ông Phạm Văn Tơ (thôn An Định xã An Thanh huyện Tứ Kỳ) nuôi thâm canh trên diện tích 3.000 m2 chủ động nguồn nước, tuy cá nhỏ, không đều trọng lượng trung bình chỉ đạt 0,65 kg/con nhưng tỷ lệ cá sống đạt đến 85%, năng suất đạt như mục tiêu dự án 11 tấn/ha. Sau 25 tháng, sản lượng cá thu được là 3,3 tấn, với giá bán là 250.000 đồng/kg, doanh thu hơn 800 triệu đồng. Trừ chi phí nuôi, mỗi ha cho thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Mô hình nuôi Cá Lăng chấm thương phẩm bằng lồng ven sông được thực hiện tại hộ ông Nguyễn Trung Tựu ven sông Kinh Thầy xã Nam Tân- Nam Sách với quy mô 3.000 con (mật độ 30 con/m3 ). Tốc độ sinh trưởng của cá tại mô hình nuôi lồng rất nhanh đạt 2,2 g/ngày. Do được đầu tư đầy đủ, cá tăng trọng rất nhanh, có độ đồng đều cao (1,0 đến 1,4 kg/con), cá bán được giá, hệ số thức ăn thấp chỉ có 3,5 kg thức ăn cho 01 kg cá thương phẩm, tuy tỷ lệ chết tới 50 % nhưng vẫn thu lãi 76,7 triệu đồng sau17 tháng nuôi.
Trong quá trình triển khai dự án đã gặp phải một số khó khăn như: thay đổi thời tiết và dịch bệnh dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt; tỷ lệ sống của cá không cao; thiếu đầu tư thức ăn khiến cá chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch. Mặc dù vậy, việc nuôi cá lăng chấm trong khuôn khổ dự án là khá hiệu quả, giá bán cao, tiêu thụ thuận lợi trên thị trường.
Để phát triển mô hình nuôi cá lăng chấm trên địa bàn tỉnh, Ban chủ nhiệm đề tài đã đưa ra khuyến nghị như sau:
- Trong điều kiện tỉnh Hải Dương nên kết hợp mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh, đó là mật độ nuôi nên để ở mức 1 con/m 2 khi có điều kiện thâm canh chỉ để mức không quá 1,5 con/m2
- Diện tích, quy mô nuôi thả chỉ để ở mức độ vừa phải (mỗi hộ không quá 0,5 ha khi đã có kinh nghiệm, nuôi ao đất mật độ nên để 1con/m2 và nuôi lồng không quá 20 con/m3 giai đoạn vỗ béo).
- Không nên mở rộng sản xuất ồ ạt.
- Chỉ nhân rộng phát triển nuôi cá lăng khi đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về: cơ sở vật chất, khả năng đầu tư, có kỹ thuật nuôi, quản lý được môi trường, dịch bệnh ao nuôi và chủ động về nguồn giống.
Anh Nguyên