Lưu ý khi thâm canh cây vụ đông sớm

Thời tiết vụ đông sớm luôn diễn biến phức tạp nên khi thâm canh cây rau màu ở trà này nông dân cần lưu ý:  
Lưu ý khi thâm canh cây vụ đông sớm
- Chọn giống: Ngoài các nhóm cây trồng ưa ấm thông dụng như ngô, khoai lang, đậu tương, các cây họ dưa bầu bí, nông dân có thể sử dụng một số cây trồng chịu nhiệt như cà chua, su hào ngắn ngày, cải bắp... để phát triển ở vụ đông sớm.


- Làm khung ni-lông trắng che chắn: Khung cao khoảng 0,8 - 1m, 2 mép ni-lông cách mép luống từ 25 - 30 cm. Khung được làm bằng các thanh tre hoặc nứa bánh tẻ uốn cong hình mui thuyền cắm vào 2 mép luống. Mỗi thanh tre cách nhau từ 1,2 - 1,5 m (áp dụng đối với các cây rau như su hào, cải bắp hoặc các loại rau ăn lá). Đối với các cây trồng như ớt, cà chua, dưa bầu bí thì nên áp dụng khung che thời kỳ cây còn non sau trồng với khung che có đường kính bằng 1/4 - 1/3 luống rau. 

- Bón phân và chăm sóc: Cây rau màu có thời gian sinh trưởng ngắn nông dân nên bón lót là chính (100% phân chuồng và lân + 70 - 80% đạm và kali). Lượng phân lót có sẵn trong đất được khung che, giữ sẽ giúp rau phát triển thuận lợi, khi thu hoạch rau cũng bảo đảm được độ an toàn về hàm lượng ni-tơ-rát (NO3). 

Lượng phân lót cần được đảo đều vào đất luống rau. Nên chọn phân tổng hợp NPK sẽ an toàn cho rễ rau non, nhất là các loại rau ăn lá. Phân chuồng bón lót cần được ủ hoai mục. Ngoài ra, cần bổ sung một lượng phân bón trung vi lượng và chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma để lót nhằm tăng sức đề kháng, giảm bệnh hại rễ và tăng chất lượng rau sau này.

Cách bón phân tốt nhất cho rau màu là áp dụng biện pháp bón vùi vào đất luống: Lượng phân bón được đảo đều và vùi vào phần đất giữa 2 hàng cây hoặc cách gốc 10 - 20cm. Không nên hòa tan phân bón thành dung dịch rồi tưới trực tiếp vào gốc vì rễ cây sẽ bị ngộ độc và vi sinh vật sẽ phát sinh phát triển và gây hại. Riêng các cây rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn nên bón lót 100% lượng phân bón gốc. 

Việc xới xáo hoặc vặt lá gốc cho cây cần được tiến hành vào thời điểm khô ráo để giảm thiểu lượng cây bị bệnh do xây xát.

- Bảo vệ thực vật: Rau vụ đông sớm sẽ bị sâu bệnh hại nhiều hơn rau đông chính vụ. Do vậy, ngoài các biện pháp chăm bón, nông dân cần áp dụng tổng hợp các biện pháp bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ cây trồng phát triển một cách tốt nhất. Việc dùng khung ni-lông che chắn cho rau phải bảo đảm được 2 điều kiện: Che được mưa, nắng nhưng phải thông thoáng. Nếu thời tiết có mưa lớn hoặc sương mù kéo dài cần phải phun thuốc phòng bệnh cho cây (phun cả thân lá và dưới gốc) để hạn chế các cây bị bệnh và bảo đảm thời gian cách ly của thuốc. Mặt khác, cần bổ sung cho rau các chất khoáng, vi lượng để cây khỏe mạnh, nâng cao chất lượng và kháng được sâu bệnh tốt hơn. 

Nếu phát hiện có một số cây rau màu bị bệnh vi-rút (khảm lá)  hoặc vi khuẩn héo xanh gây hại cần nhổ bỏ, tiêu hủy và áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác như phun thuốc diệt côn trùng chích hút (đối với bệnh vi-rút) hoặc tưới nấm đối kháng vào vùng rễ các cây còn khỏe (đối với bệnh héo rũ vi khuẩn) để tránh lây lan ra cả ruộng hoặc khu đồng.

Theo Báo Hải Dương

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây