Thợ cơ khí chế tạo máy gặt lúa từ đồ phế thải

"Một chiếc máy gặt đập liên hoàn có giá ngoài thị trường là 38 triệu đồng, tiền gặt 180.000 đồng/sào. Máy tự chế tạo giá 7 triệu, tiền gặt là 30.000 đồng/sào. Khoảng ba hộ gia đình chung nhau một chiếc máy thì rất ổn, giúp tiết kiệm được chi phí so với việc đi thuê”, ông Hải cho hay.
Thợ cơ khí chế tạo máy gặt lúa từ đồ phế thải
Ông Trương Minh Hải, 56 tuổi, trú tại khối 10, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, sinh ra trong một gia đình nông dân, từ nhỏ đã gắn liền với con trâu, ngọn cỏ, cây lúa. Học hết phổ thông, ông theo học cơ khí và gắn bó với Công ty Thủy lợi 4 cho đến khi nghỉ hưu năm 2000.
 
Vốn tính siêng năng, ưa vận động, ông về nhà mở xưởng cơ khí và sửa chữa xe máy. Xưởng làm việc của ông cùng 3 công nhân luôn chất đầy máy móc, dầu mỡ và động cơ xe máy hỏng.
Luôn tay tháo lắp, luôn chân di chuyển trong xưởng, ông Hải kể, năm 2009 đã nuôi ý định làm một chiếc máy gặt vì thời điểm đó không phải ai cũng đủ tiền để thuê. Tình cờ một lần, có người ở huyện Cẩm Xuyên đưa xe máy hỏng tới sửa. Làm xong, cầm bộ động cơ bị bỏ ngắm nghía, ông Hải tự hỏi: sao không tận dụng sắt thép, động cơ này để làm máy gặt lúa.
Nghĩ là làm, trong quá trình sửa xe, ông tập hợp các động cơ máy móc hư hỏng rồi đi gặp đồng nát, đến các tiệm cơ khí thu mua những sắt thép thải loại về chế tạo. Ban ngày sửa máy móc cho khách, rảnh rỗi và đêm tối ông lại cặm cụi nghiên cứu để gia công chiếc máy mơ ước. Làm say sưa, có khi đến giờ ăn ông Hải còn bỏ bữa. Sau 5 tháng, chiếc máy gặt đầu tiên dưới bàn tay khéo léo của người thợ cơ khí được ra đời và đem ra thử nghiệm ở vụ mùa hè thu 2009.
Theo người "kỹ sư" này, khó khăn lớn nhất trong quá trình làm là không có ruộng để thử máy. Nhiều hôm ông phải xuống đồng, xin nông dân cho gặt thử. Có người khi nhìn máy còn không tin là gặt được vì thấy kết cấu đơn giản quá. Lúc máy hoạt động suôn sẻ, gặt lúa thành công, nhiều người mới à ồ thán phục.
Sau vụ mùa năm 2009, ông Hải nhận được nhiều đơn đặt hàng, có những người nghe danh còn lặn lội từ các tỉnh xa tới đặt mua, ông từ chối bán. Ông Hải lý giải, vì mới làm thử nghiệm nên chưa thể bán được, lỡ hỏng hóc gì thì tội người mua. Nhưng cứ vụ mùa đến, ai nhờ hoặc thuê, ông đều đưa máy ra ruộng gặt giúp.
"Một chiếc máy gặt đập liên hoàn có giá ngoài thị trường là 38 triệu đồng, tiền gặt 180.000 đồng/sào. Máy tự chế tạo giá 7 triệu, tiền gặt là 30.000 đồng/sào. Khoảng ba hộ gia đình chung nhau một chiếc máy thì rất ổn, giúp tiết kiệm được chi phí so với việc đi thuê”, ông Hải cho hay.
Kết cấu của máy khá đơn giản, rộng 1,2m, dài 2,5m, cao 80cm, nặng 100kg, phía trước là những chiếc răng nhọn, thân máy được làm từ các mảnh tôn và sắt cứng. Bên trong là động cơ xe máy, được kết nối bởi các sợi xích quay quanh trục. Bánh xe cũng được hàn, chế từ sắt. Chỉ cần đổ xăng vào cho động cơ chạy là có thể gặt được.
Ưu điểm của chiếc máy gặt này là tận dụng được các máy móc, sắt thép đã bỏ đi, và đặc biệt là khi hỏng hóc các thợ xe máy đều có thể sửa dễ dàng. Hơn nữa máy còn có thể gặt được ở những ruộng sâu, nhỏ lẻ mà máy gặt đập liên hoàn không vào được.
“Địa bàn nơi tôi trồng lúa là vùng trũng, các máy gặt khác vào hơi khó khăn, nhưng máy gặt của anh Hải thì vào được đơn giản và gặt rất nhanh, trong 30 phút đã gặt được 3 sào. Qua vài vụ thuê gặt, thấy máy tốn ít xăng, giá thành cũng vừa phải nên tôi đang ấp ủ sẽ đặt hàng một cái”, anh Nguyễn Thịnh, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ.
Vợ con nhiều lần trách vì lo ông Hải tuổi đã cao làm việc nhiều với máy móc, dầu mỡ sẽ ảnh hưởng sức khỏe nhưng người "kỹ sư" nông dân chỉ cười khì bảo: nghề nó ngấm vào máu rồi, bỏ làm sao được; còn sức, còn đi lại được thì còn cần sáng tạo.
Đến nay, ông Hải đã cho ra đời 3 chiếc máy gặt lúa và sáng chế thêm các máy móc như chiếc máy cày vun luống đất cho Nông trường chè 20/4, huyện Hương Khê. Sản phẩm máy gặt của ông từng được tham dự chương trình Nhà sáng chế do VTV2 tổ chức. Ngoài ra, người "kỹ sư" này từng được UBND TP Hà Tĩnh, Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tặng bằng khen về thành tích sáng chế khoa học.
"Minh Hải là một người rất có đam mê về sáng chế, khả năng sáng tạo tốt. Các sản phẩm luôn được tham gia dự thi trong tỉnh và toàn quốc, có một số sản phẩm được ứng dụng, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn", Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn nói.
Người thợ cơ khí luôn lại quan sát chiếc máy gặt tỉ mỉ mỗi ngày và mong muốn nó trở nên hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, nguồn vốn có hạn nên ông không thể mua thêm các vật liệu về để nhân rộng mô hình được. "Tôi không có người cùng nghiên cứu, nếu có ai tiếp quản, tôi sẵn sàng nhường, chia sẻ bí quyết, cách chế tạo để chiếc máy gặt càng được cải tiến", ông Hải nói.
Theo: Vnexpress

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây