Thanh niên Đỗ Trọng Nghĩa làm giàu từ cây vải thiều trên đất Thanh Hà

Vải thiều Thanh Hà là một đặc sản nổi tiếng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, cũng là sản phẩm được bình chọn với nhiều danh hiệu, giải thưởng như: “Tốp 50 sản phẩm uy tín, chất lượng” năm 2012; “Tốp 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng” và “Tốp 10 sản phẩm uy tín, chất lượng” năm 2013; “Tinh hoa đặc sản ba miền” và “Tốp 10 sản phẩm uy tín chất lượng năm 2014; “Thương hiệu vàng, Logo và Slogan ấn tượng” năm 2015.

Thanh niên Đỗ Trọng Nghĩa làm giàu từ cây vải thiều trên đất Thanh Hà

Mặc dù vải thiều Thanh Hà đã có thương hiệu là vậy, người trồng vải thiều Thanh Hà cũng đã có một thời kỳ hoàng kim với loại trái cây này, song đa phần người dân trồng vải đều gặp nhiều trở ngại mỗi mùa thu hoạch vải. Đó là nghịch lý được mùa thì vải mất giá, vải được giá cũng là năm mất mùa. Và thực trạng ép giá do mùa thu hoạch vải chỉ vỏn vẹn trong khoảng đôi ba tuần không thể kéo dài thời gian thu hoạch và bảo quản. Chính vì vậy, trong khoảng chục năm trở lại đây, nhiều người dân Thanh Hà đã dần phá bỏ cây vải để chuyển sang loại cây trồng khác như ổi, quất, chuối, chanh…

Để khắc phục tình trạng phá bỏ cây đặc sản của địa phương, chính quyền tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà đã phối hợp cùng các ban, ngành triển khai nhiều giải pháp để nâng cao giá trị của cây vải thiều như xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xúc tiến thương mại xuất khẩu vải thiều đến một số thị trường lớn như Mỹ, Úc, châu Âu… Và chàng thanh niên Đỗ Trọng Nghĩa cũng đã tìm ra cách làm của riêng mình, để nâng cao giá trị của cây vải thiều, phát triển kinh tế gia đình và giữ gìn đặc sản của quê hương.

Anh Đỗ Trọng Nghĩa sinh năm 1987, sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất có cây vải thiều tổ nước ta, là thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. Anh Nghĩa cho biết, diện tích trồng vải của gia đình anh có hơn 1 mẫu, đã trồng vải từ cách đây hơn 20 năm. Trước thực trạng giá vải xuống quá thấp, vườn vải của gia đình anh cũng rơi vào tình trạng chung lúc bấy giờ là quả vải đến mùa rụng trút không có người hái, hết mùa vải không có người tỉa cành, chăm bón cây cho vụ sau. Chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, công việc chăm sóc khôi phục cây vải mới thực sự được tiến hành. Anh Nghĩa tiến hành cắt tỉa cành, chăm bón phân để cây ra cành mới. Hai năm đầu tiên sau khôi phục, anh Nghĩa hoàn toàn không thu hoạch quả để cây dần phục hồi. Bắt đầu từ năm thứ ba, cây vải đậu quả tốt, năng suất đạt khoảng 60% trung bình chung. Sản lượng quả vải tăng dần qua các năm, đến năm thứ bảy sau cải tạo, tỉ lệ vải cho thu hoạch đạt khoảng 80%. Vụ vải năm 2016, năng suất vải tại vườn của anh Nghĩa đạt 80kg/cây. Với 310 cây vải, anh thu hoạch gần hai chục tấn vải. Giá bán vải trung bình đạt 12.000 đồng/kg. Trừ chi phí, anh Nghĩa thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Mặc dù năm 2016 được coi là năm cây vải “mất mùa”, diện tích trồng vải của hầu hết các hộ đều đạt năng suất thấp hơn trung bình vài năm trước đây. Song diện tích vải nhà anh Nghĩa vẫn đạt năng suất tương đương năm trước, và cao hơn so với năng suất trung bình ở địa phương. Điểm khác biệt này nằm ở các biện pháp kỹ thuật chăm bón cây vải của anh Nghĩa áp dụng trên diện tích trồng vải của gia đình mình.

Theo anh Nghĩa, vụ vải năm 2016 gia đình anh thu được sản lượng vải cao hơn mặt bằng chung ở địa phương là do anh áp dụng một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây đã được anh đúc kết từ quá trình thử nghiệm cũng như học hỏi, tìm tòi. Biện pháp khoanh cây vải được áp dụng 2 lần vào thời điểm tháng 10 âm lịch và khi cây ra lộc lần 2. Nếu cây tiếp tục phát lộc cần khoanh cây và bẻ lộc để kìm hãm sự phát tán của cây, hạn chế bón phân cho cây. Việc phun thuốc trừ sâu bệnh tiến hành theo thông báo của cơ quan chuyên môn và sự quan sát trực tiếp của người trồng. Phun thuốc diệt sâu ngay từ khi sâu mới nở, không để đến khi sâu trưởng thành, sức đề kháng của sâu cao hơn sẽ khó diệt trừ sâu gây hại. Mỗi lần phun thuốc xong cần kiểm tra kỹ lưỡng. Những ngày trời mưa, cần chú ý phát hiện sâu cuốn lá để phun trừ. Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật anh Nghĩa sử dụng cho cây vải đều được lựa chọn là dòng thuốc sinh học nhập khẩu từ các nước Mỹ, Úc, Ca - na - da, và cách ly trước thời điểm thu hoạch ít nhất 1 tháng để đảm bảo an toàn cho nông sản.

Là một người con của quê hương vải thiều, Đỗ Trọng Nghĩa cho biết, anh sẽ tiếp tục duy trì diện tích trồng vải của gia đình để gìn giữ một đặc sản của quê hương. Để cây vải ngày càng phát triển, giá trị cây vải ngày càng được nâng cao, anh Nghĩa đang từng ngày tích lũy kinh nghiệm từ thực tế, học hỏi bí quyết của người trồng vải lâu năm trên quê hương mình để áp dụng vào thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, anh Nghĩa cũng nhiệt tình chia sẻ những kiến thức kỹ thuật chăm sóc cho các hộ trồng vải tại địa phương với mong muốn nông dân trồng vải có nhiều mùa bội thu hơn so với năm nay.

Nguyễn Thị Ánh


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay27,325
  • Tháng hiện tại1,106,176
  • Tổng lượt truy cập3,811,380
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây