Kết quả áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa vụ mùa 2016

Hiện nay sản xuất lúa của tỉnh đang đứng trước những khó khăn, thách thức cũng như tiền đề thuận lợi và cơ hội. Để tăng hiệu quả trong sản xuất lúa của tỉnh trong thời gian tới, việc xây dựng mô hình mẫu trong sản xuất lúa áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, trong đó trọng tâm là làm mạ khay, cấy máy tại các địa phương trên cánh đồng đã dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng và ứng dụng xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch để tăng nguồn hữu cơ cho đất, bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng.

Kết quả áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa vụ mùa 2016

Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại tỉnh Hải Dương” với tổng diện tích 200 ha, ở vụ xuân và vụ mùa, quy mô mỗi mô hình: 10ha/HTX/điểm trở lên.

Vụ mùa năm 2016, thời tiết tương đối thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển, nông dân tích cực chăm bón nên lúa bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh nhanh và tập trung, cây lúa phát triển đồng đều, ít sâu bệnh. Đề tài được thực hiện với quy mô 93,28 ha, đạt 93,28% kế hoạch, với 484 hộ tham gia tại 4 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) trên địa bàn 3 huyện, bao gồm: HTXDVNN Tân Phong và Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang), HTXDVNN Tân Trường (huyện Cẩm Giàng), HTXDVNN Lạc Long (huyện Kinh Môn).

Mô hình áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, đồng thời hướng dẫn các hộ nông dân kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật. Áp dụng kỹ thuật sử dụng chế phẩm Biomix RR xử lý gốc rạ trên ruộng, cụ thể như sau: Ruộng sau khi thu hoạch lúa thì giữ mực nước trong ruộng từ 5-7 cm, sau đó rắc đều lượng chế phẩm lên mặt ruộng và đưa máy cày vào để vùi dập rơm rạ vào đất; vẫn giữ nguyên mực nước trên, sau thời gian từ 7-10 ngày bắt đầu bừa cấy. Ban chủ nhiệm đề tài đã cung ứng 8.331 kg chế phẩm, áp dụng trên quy mô 100 ha. Kết quả tại mô hình có xử lý chế phẩm Fito Biomix-RR sau 10 ngày, rơm rạ đã bị phân hủy. Sau khi cấy, cây lúa bẽn rễ hồi xanh nhanh hơn, không bị nghẹt rễ, vàng lá. So sánh đối chứng với ruộng không xử lý chế phẩm cho thấy ruộng không xử lý có tốc độ phân hủy rơm rạ chậm và lúa bén rễ hồi xanh chậm hơn. Như vậy, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã có tác dụng xử lý triệt để rơm rạ dư thừa thành lớp mùn cho đất ruộng, hạn chế lượng rơm rạ bị đốt sau thu hoạch.

Phương thức gieo cấy trong mô hình là gieo mạ khay và cấy bằng máy, với mật độ chỉ từ 28 – 30 khóm/m2, cấy 3-5 dảnh/khóm, gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, và TBR1. Mô hình đối chứng là gieo mạ sân, cấy thủ công với mật độ 40 – 45 khóm/m2, cấy 3-5 dảnh/khóm trên cùng giống lúa.

Kết quả theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa cấy trong mô hình cho thấy: Tại các mô hình sử dụng phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy có mật độ khóm/m2 thấp nên thuận lợi cho cây lúa quang hợp ánh sáng, lúa đẻ nhánh khỏe,  số dảnh hữu hiệu/khóm cao hơn so với ruộng đối chứng cấy thủ công bằng mạ sân. Thời gian sinh trưởng của cây lúa ở 2 mô hình tương đương nhau. Vụ mua năm 2016, thời tiết thuận lợi nên sâu bệnh ít phát sinh gây hại. Mô hình gieo cấy mạ khay, cấy máy có mức độ chống chịu sâu bệnh tốt, không bị nhiễm các bệnh sâu cuốn lá, bạc lá, khô vằn, khả năng chống đổ tốt. Mô hình đối chứng có bị nhiễm nhẹ các bệnh trên, khả năng chống đổ chỉ đạt điểm 5. Qua theo dõi các yếu tố cấu thành năng suất, mô hình gieo mạ khay, cấy máy có số hạt/bông đạt từ trung bình 145 – 158 hạt chắc/bông, tỷ lệ lép chỉ từ 4,4 – 6,7%. Năng suất thực thu đạt 52 – 55 tạ/ha (Bắc thơm số 7 KBL) và 73,7 tạ/ha (TBR), cao hơn so với mô hình đối chứng từ 5 – 8%.

Xét về hiệu quả kinh tế, tổng chi phí ở mô hình áp dụng phương thức gieo mạ khay cấy máy là 25 – 27 triệu đồng/ha, thấp hơn chi phí ở mô hình đối chứng gieo mạ sân, cấy thủ công từ 15-25 nghìn đồng/sào, giảm thuốc BVTV là 40 nghìn đồng/sào. Năng suất các mô hình áp dụng phương thức gieo mạ khay, cấy máy cao hơn so với cấy thủ công từ 2,5 - 5,4 tạ/ha nên hiệu quả kinh tế cao hơn từ 4 - 5,1 triệu đồng/ha, tương đương 145 - 185 nghìn đồng/sào. Ngoài ra, mô hình cấy máy còn góp phần giải phóng sức lao động của phụ nữ, giảm áp lực thời vụ, phát huy tác dụng của dồn ô đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mô hình mẫu sản xuất lúa vớitrọng tâm là cấy máy bằng mạ khay và xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm Fito- Biomix RR trên gốc rạ tại ruộng đãgóp phần giảm chi phí, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất, chất lượng đồng thời tạo ra sản phẩm hàng hoá tập trung bảo đảm chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông dân, tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch nhằm bổ sung phân hữu cơ tại chỗ, tạo thói quen cho người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường, tăng độ phì cho đất.

Nguyễn Thị Ánh


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập162
  • Hôm nay27,310
  • Tháng hiện tại1,106,161
  • Tổng lượt truy cập3,811,365
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây