Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành tỉnh công nghiệp

Vấn đề xác định thế nào là một "tỉnh công nghiệp"; dùng những chỉ tiêu nào để xem xét đánh giá một tỉnh là tỉnh công nghiệp hiện nay đang là một vấn đề mang tính thời sự, đến nay chưa có một văn bản hay tài liệu nào nghiên cứu một cách đầy đủ về hệ thống chỉ tiêu phản ánh tỉnh công nghiệp. Hệ thống chỉ tiêu chủ yếu phản ảnh kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp là công cụ quan trọng để xem xét, đánh giá quá trình thực hiện mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp mà đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIV đề ra. Trong kế hoạch khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương 2 năm 2008 và 2009, Cục Thống kê Hải Dương tiến hành nghiên cứu đề tài "Nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu chủ yếu đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp".
Qua một năm thực hiện, đề tài đã xác định được 35 chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp, các chỉ tiêu này được chia thành 2 nhóm:

* Nhóm chỉ tiêu mục tiêu gồm 11 chỉ tiêu:
(1) Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) bình quân đầu người (USD theo tỷ giá hối đoái);
(2) Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP;
(3) Tỷ trọng công nghiệp trong GDP;
(4) Tỷ trọng dịch vụ trong GDP;
(5) Tỷ trọng công nghiệp chế tạo và chế biến trong GDP;
(6) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động;
(7) Tỷ trọng lao động công nghiệp trong tổng số lao động;
(8) Tỷ trọng lao động dịch vụ trong tổng số lao động;
(9) Hệ số GINI;
(10) Tỷ lệ dân số thành thị;
(11) Chỉ số phát triển con người (HDI).

* Nhóm chỉ tiêu giải pháp gồm 24 chỉ tiêu:
(1) Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) theo giá thực tế;
(2) Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm;
(3) Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp;
(4) Tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu trong tổng giá trị xuất khẩu;
(5) Tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất trong nông nghiệp;
(6) Năng suất lao động xã hội;
(7) Tỷ lệ giá trị xuất khẩu so với GDP;
(8) Tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội.
(9) Sản lượng điện tiêu thụ bình quân đầu người;
(10) Tỷ lệ chi cho giáo dục so với GDP;
(11) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia;
(12) Tỷ lệ chi cho y tế so với GDP;
(13) Số bác sỹ tính trên một vạn dân;
(14) Tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ so với GDP;
(15) Tỷ lệ lao động qua đào tạo;
(16) Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh;
(17) Tỷ lệ hộ nghèo;
(18) Tuổi thọ trung bình từ lúc sinh;
(19) Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế;
(20) Số cán bộ khoa học, kỹ thuật tính trên một vạn dân;
(21) Thu nhập thực tế bình quân đầu người;
(22) Tỷ lệ làng, khu dân cư văn hoá;
(23) Tỷ lệ đường nông thôn được trải nhựa (hoặc bê tông);
(24) Tỷ lệ che phủ của rừng và cây xanh.
Ngoài những chỉ tiêu cơ bản nêu trên, có thể sử dụng thêm một số chỉ tiêu khác nhằm phản ánh toàn diện hơn, đầy đủ hơn về một tỉnh công nghiệp như: nền kinh tế đạt tích luỹ cao; khoa học và công nghệ trở thành yếu tố quan trọng nhất trong phát triển; tỷ lệ cán bộ khoa học kỹ thuật và lao động được đào tạo ở mức cao; chỉ tiêu về tin học và kinh tế tri thức...

Năm 2009 đề tài tiếp tục điều tra, khảo sát thu thập thông tin, tính toán các chỉ tiêu cơ bản của tỉnh Hải Dương năm 2008, dự báo đến năm 2010 và 2015. Tính các chỉ tiêu cơ bản xây dựng tỉnh Hải Dương thành tỉnh công nghiệp năm 2008, đối chiếu so sánh các chỉ tiêu chủ yếu phải đạt được để tỉnh Hải Dương là tỉnh công nghiệp.

Ths. Trần Thị Loan



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây