1. Hãm hoa
- Với hoa đào: Nếu do thời tiết trước Tết ấm, cành đào nở trước 3-4 ngày chỉ còn 1/2 số nụ, có thể hãm như sau: dùng 1 túi nhựa nilon trong, dày cho trấu sạch hoặc mùn cưa vào, đổ nước xâm xấp, cắm gốc cành vào rồi buộc chặt miệng túi lại rồi cho cả vào trong lọ, để nơi kín gió, không thay nước. Túi trấu và nước trong túi dùng được khoảng 1 tuần; nếu thấy khô nước thì mở miệng túi cho thêm nước vừa đủ ẩm. Với cách hãm này cành đào có thể kéo dài thêm được 3-5 ngày nữa mà hoa vẫn tươi, vẫn đẹp (với điều kiện là đào không đốt gốc).
- Với các loại hoa lay ơn, cúc, thược dược mà nở sớm: mỗi cành hoa cắm vào 1 túi nilon nhỏ có chứa một ít bông thấm nước (cũng có thể thay bằng trấu hoặc mùn cưa) rồi đổ nước vừa đủ ẩm, buộc chặt miệng túi, cho vào lọ để nơi kín gió, thoáng mát. Lọ hoa sẽ chơi tiếp được 3-5 ngày nữa mà vẫn đẹp, vẫn tươi.
2. Thúc hoa
- Với hoa đào: cành đào nhiều nụ nhưng nở muộn do trời lạnh, có thể thúc nở như sau: Hơ nhẹ gốc đào vào lửa (không để cháy sém) rồi cắm ngay vào lọ đầy nước, hàng ngày thay nước. Nếu đào vẫn không nở thêm hoa thì ban đêm thả cả cành vào bể nước, ban ngày cắm hoa vào lọ, phun nước nhẹ như sương lên cành. Với cách này cành đào có thể nở sớm 1-2 ngày.
- Với các loại hoa lay ơn, cúc, thược dược thì pha nước ấm 35-40oC (2 nước sôi + 3 nước lã) đổ đầy lọ, thay nước ngày 2 lần kết hợp phun sương nhẹ lên lá và hoa. Ban đêm có thể để lọ hoa trong buồng ấm, đóng kín cửa để ngăn gió lạnh, lọ hoa có thể nở sớm được 2-3 ngày.
3. Cho hoa nở sớm hay muộn theo ý muốn
Nếu muốn hoa nở sớm, dùng vài viên aspirin hay vài gam phân đạm hòa thêm vào nước cắm hoa. Nhờ được cung cấp thêm dinh dưỡng, muối khoáng sẽ thúc đẩy quá trình sinh trưởng, thúc cho hoa nở nhanh. Ngược lại muốn cho hoa nở chậm, cũng có thể dùng lòng trắng trứng gà phết lên nụ hoa, khi khô sẽ tạo thành lớp hồ dán các cánh hoa làm cho hoa nở chậm lại. Ngoài ra, có thể dùng thuốc tím để diệt khuẩn trong nước cắm hoa cũng có tác dụng làm cho hoa nở chậm lại.
4. Cách giữ cho hoa tươi lâu
Muốn giữ hoa tươi lâu cần để lọ, chậu hoa nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp nên thường xuyên thay nước sạch, cắt bỏ phần cuối gốc cành tiếp xúc với nước nhằm ngăn sự thối rữa gây nhiễm bẩn cho nước, tạo điều kiện cho hoa hút nước được tốt hơn. Pha một ít nước cốt chanh pha đường, hòa tan dung dịch trước khi cắm hoa vào lọ sẽ có tác dụng giữ cho hoa tươi lâu hơn.
- Hoa tường vi: Sau khi cắt cành hơ vết cắt qua lửa rồi cắm vào lọ nước sạch.
- Cúc: Cho thêm vào nước cắm hoa một chút phân u rê có thể làm hoa tươi tới 30 ngày.
- Bạch lan: Ban đêm bọc hoa bằng vải ẩm, ban ngày bỏ ra có thể giữ hoa tươi thêm được 2-3 ngày.
- Phù dung: Cắm gốc hoa vào nước nóng khoảng 1-2 phút rồi cắm vào nước lạnh sau sẽ giúp hoa tươi lâu hơn bình thường.
- Mẫu đơn và thược dược: Ngâm vết cắt vào nước nóng trước khi cắm vào nước lạnh.
- Thủy tiên: Pha thêm muối vào bát thủy tiên với tỷ lệ 1/1.000 sẽ làm cho hoa tươi lâu hơn tới nửa tháng.
- Muốn hoa huệ tươi lâu, có thể cắm vào nước đường pha loãng.
- Hoa sen: Bịt vết cắt bằng bùn rồi cắm vào nước muối nhạt cũng làm cho hoa tươi lâu, chậm rã cánh.
5. Sử dụng các chế phẩm bảo quản sinh học: Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại chế phẩm thương mại giúp bảo quản hoa tươi được lâu, trong đó có Nước cắm hoa sinh học Bio-ptretty của Công ty Long Đỉnh sản xuất và cung ứng giúp bảo quản, kéo dài thời gian hoa tươi rất hữu hiệu.
Công Hào
NTT ( Sưu tầm trên Agriviet.com)