Không có cách nào để chữa khỏi bệnh bại liệt. Cho trẻ tiêm/uống vaccine bại liệt là yêu cầu bắt buộc Trong một diễn tiến bất thường và đáng lo ngại, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra tuyên bố tình trạng bệnh bại liệt xuất hiện trở lại là "tình trạng khẩn cấp với y tế cộng đồng cần cả thế giới quan tâm".
Lý do tuyên bố trên trở nên cực kỳ đáng lo ngại là do mới chỉ 4 tháng trước, Ấn Độ - một quốc gia từng bị coi là "không thể thoát khỏi bệnh bại liệt", đưa ra tuyên bố chính thức đã tiêu diệt được căn bệnh này sau 3 năm không gặp thêm bất kỳ ca mắc bệnh nào.
Sau khi Ấn Độ xóa sổ thành công bệnh bại liệt, chỉ còn Afghanistan, Nigeria và Pakistan là các quốc gia chưa thoát khỏi căn bệnh này. Song, trong thời gian gần đây, bệnh bại liệt đã vượt ra khỏi biên giới của 3 quốc gia này và tiến sang các đất nước láng giềng. Có tới 7 quốc gia đã từng "xóa sổ" bệnh bại liệt ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh trở lại sau nhiều năm: Cameroon, Guinea, Ethiopia, Iraq, Israel, Somalia và Syria. Căn bệnh này đang lây truyền trong các động đồng tại các quốc gia này.
Tại phương Tây, bệnh bại liệt đã chìm vào quên lãng. Trường hợp cuối cùng bị mắc bệnh bại liệt tại Mỹ xảy ra vào năm 1979. Trên toàn cầu, WHO, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh, Tổ chức Rotary International cùng rất nhiều đơn vị khác đã tiến hành một chiến dịch xóa sổ bệnh bại liệt với kinh phí khổng lồ từ năm 1988 tới nay.
Sát nhân bị lãng quên đã trở lại...
Song, cứ mỗi lần gần như xóa sổ được bệnh bại liệt trên toàn cầu, căn bệnh này lại bùng phát trở lại. WHO đã từng hy vọng có thể công bố xóa sổ bệnh bại liệt trên toàn cầu vào năm 2000. Cột mốc này sau đó bị chuyển thành 2005, 2008, 2012, 2015 và giờ là 2018.
Tình hình những tháng gần đây khiến cho cả thời điểm 2018 trở thành không khả thi. Lý do khiến cho WHO buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp là do những tháng đầu năm đã có tới 74 ca mắc bại liệt trên toàn cầu. Trong cả năm 2013, chỉ có tổng cộng 417 ca mắc bại liệt. Đồng thời, mùa đông cũng là mùa bệnh bại liệt có tỉ lệ lây nhiễm thấp hơn, do đó việc bệnh bại liệt đang lây lan vào đầu năm đưa ra những cảnh báo rất đáng lo ngại vào các mùa có thời tiết ấm hơn, ẩm ướt hơn vào giữa năm.
Pakistan đang là vị trí "nóng" nhất của bệnh bại liệt với 59 ca trên tổng số 74 ca toàn cầu. Trong năm 2013, bệnh bại liệt cũng đang trở lại với tốc độ chóng mặt tại Syria: nội chiến tại quốc gia này khiến quá trình tiêm vaccine phòng ngừa trở nên bất khả thi. WHO đang rất lo ngại về trường hợp bệnh bại liệt lây lan rộng hơn vào các quốc gia đang có xung đột.
"Hậu quả của quá trình lây nhiễm toàn cầu tỏ ra đặc biệt nguy hại vào thời điểm này, do tình trạng không có dịch bại liệt nhưng lại chìm trong xung đột sẽ khiến quá trình phòng ngừa bị ảnh hưởng nặng nề, nâng cao nguy cơ mắc bệnh. Các quốc gia này sẽ gặp khó khăn to lớn trong việc phản ứng thành công nếu bệnh bại liệt trở lại", tiến sĩ Bruce Aylward, trợ lý tổng thư ký phụ trách bệnh bại liệt tại WHO tuyên bố vào ngày thứ hai tuần này.
Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em, khiến các em bị tàn tật khi sống sót qua cơn bệnh. Tiến sĩ Aylward cho biết hiện nay bệnh bại liệt bị lây truyền xuyên biên giới chủ yếu qua người lớn vốn có mang virus bại liệt song lại không bị ảnh hưởng. Nhằm giảm nguy cơ này, WHO đang đưa ra yêu cầu mạnh mẽ đối với các quốc gia có dịch dựa theo Quy định Y tế Thế giới IHR. Các yêu cầu này sẽ buộc các quốc gia có bại liệt phải đảm bảo người xuất cảnh được tiêm vaccine từ 4 – 12 tháng trước khi xuất cảnh. Nếu không, họ cần phải được tiêm vaccine ngay trước khi xuất cảnh, thậm chí là ngay tại sân bay.
Người dân tại các quốc gia có dịch nhưng chưa lây lan sang quốc gia khác cũng sẽ phải khuyến khích người xuất cảnh tiêm vaccine và mang theo bằng chứng đã được tiêm vaccine. Tất cả các quốc gia này phải thực hiện các yêu cầu nói trên cho tới 6 tháng sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Những yêu cầu nói trên của WHO được Wired nhận định là tương đối cứng rắn, nhất là trong bối cảnh WHO không có quyền lực để ép buộc các quốc gia khác phải thực hiện yêu cầu của mình. Rõ ràng, tình trạng bệnh bại liệt hiện nay là rất đáng lo ngại. Tiến sĩ Aylward cho biết:
"Có thể phải mất vài ngày để đưa ra chính sách phù hợp trong các quốc gia này, và một vài tuần lễ để thực hiện thống kê các văn bản cần thiết. Song, chúng tôi trông đợi rằng quá trình này sẽ diễn ra rất nhanh".
Việt Nam đang cảnh giác và chưa ghi nhận ca nhiễm virus bại liệt nào
Việt Nam đang cảnh giác và chưa ghi nhận ca nhiễm virus bại liệt nào
Trước thông tin WHO tuyên bố bệnh bại liệt lây lan nhanh là một tình huống y tế khẩn cấp quốc tế, có thể lan rộng giữa các quốc gia, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm virus bại liệt.
Tuy nhiên, để cảnh giác Bộ Y tế cũng vừa ra chỉ khẩn đối với Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, trung tâm y tế dự phòng và các cơ quan liên quan. Theo đó, Bộ yêu cầu quyết liệt giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của virus hoang dại vào Việt Nam để kịp thời ứng phó.
Theo Vnreview
Theo Vnreview