Thu hoạch và bảo quản lúa gạo

Hiện đang là thời điểm thu hoạch lúa. Bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp sau để thu hoạch và bảo quản thóc đúng cách:

 

Thu hoạch và bảo quản lúa gạo

Lớp thóc cần được phơi dày từ 10-12 cm

1. Thu hoạch vào thời điểm thích hợp

Tùy theo nhóm giống và mục đích sử dụng khác nhau mà xác định thời điểm thu hoạch lúa khác nhau. Hiện nay, phần lớn lúa gạo được thu hoạch để xay xát nên nông dân cần tranh thủ thời tiết và căn cứ vào tỷ lệ hạt chín trên bông để thu hoạch lúa đạt hiệu quả cao.

- Đối với nhóm lúa nếp nên thu hoạch khi trên 87% tổng số hạt đã chín. Thu xong cần tuốt và phơi ngay.

- Đối với nhóm giống lúa chất lượng cần thu hoạch sớm hơn (bông lúa có khoảng 90% số hạt đã vàng). Thu hoạch vào lúc này sẽ bảo đảm cho tỷ lệ gạo trong cao hơn, hạt gạo ít bị gãy khi xay xát, chất lượng cơm gạo sẽ ngon hơn.

- Nhóm lúa thường: Cần thu hoạch muộn hơn khi lúa đã chín hoàn toàn (khoảng 95% số bông và số hạt đã vàng).

2. Phơi thóc

Ngay sau khi thu hoạch về cần được phơi khô ngay nên phải thu hoạch vào ngày nắng ráo, khô hanh. Dù phơi hay sấy thì thóc cũng phải được làm khô từ từ. Nếu làm khô đột ngột thì hạt gạo sẽ bị gãy nhiều khi xay xát, chất lượng gạo sau này cũng sẽ bị giảm.

Để gạo giữ được phẩm chất thơm ngon, hạt gạo trong và ít bị gãy cần phơi thóc qua 3 giai đoạn:

- Làm se vỏ: Lớp thóc cần được phơi dày từ 10-12 cm và thường xuyên được đảo đều.

- Làm khô thóc: Nên phơi thóc mỏng hơn và đảo thường xuyên cho thóc khô từ từ.

- Phơi đạt độ khô bảo quản: Thóc cần được làm sạch, phơi lại cho thật khô bảo đảm độ ẩm đạt 13% (bóc gạo cắn thấy kêu đanh là được). 

* Lưu ý: Nếu phơi thóc gặp những ngày có thời tiết nắng nóng gay gắt (trên 38 độ C) thì bà con chỉ nên tải thóc ra phơi vào buổi sáng và chiều, không nên phơi vào giữa trưa nắng gắt (từ 11-14 giờ) sẽ làm hạt gạo sau này kém phẩm chất và mẫu mã hay bị đen xỉn.

3. Bảo quản

Thóc thường được sử dụng trong thời gian dài (vài tháng) nên cần được bảo quản cẩn thận. Để giữ thóc được lâu mà vẫn bảo đảm chất lượng, cần phơi thóc thật khô, làm sạch hết tạp chất rồi mới đem bảo quản.

Nếu bảo quản trong gia đình cần giữ thóc trong chum, thùng phuy, thùng tôn, hòm gỗ hoặc trong bao chuyên dùng. Nơi cất trữ thóc đòi hỏi phải khô ráo, thóc để cách tường và kê cao cách mặt đất 40-50 cm để tránh hút ẩm. Nếu bảo quản trên 6 tháng thì cần phải phơi lại sau 5 tháng bảo quản để lấy lại độ ẩm 13%.

Nếu bảo quản ở các kho lớn: Kho cần được thiết kế và xây dựng theo quy chuẩn để chống ẩm, chống sâu mọt, nấm mốc, côn trùng và động vật phá hại, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh và khử trùng khi cần thiết...

Theo baohaiduong.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây