Mô hình sản xuất, lai tạo giống lúa chất lượng cao ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang

Mô hình sản xuất, lai tạo giống lúa chất lượng cao tại ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (An Giang) do anh Danh Văn Dưỡng (sinh năm 1951) - một nông dân người dân tộc Khmer thực hiện hơn 10 năm qua, đạt kết quả khả quan, mang lại hiệu quả cao.

Mô hình sản xuất, lai tạo giống lúa chất lượng cao ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang

Anh Danh Văn Dưỡng cho biết: là người dân tộc Khmer sinh ra và lớn lên bên triền phía Đông núi Ba Thê thuộc ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo - một vùng đất gắn với khu di tích văn hóa Óc Eo nổi tiếng, anh học đến hết bậc trung học phổ thông, sống với cha mẹ và gia đình bằng nghề làm ruộng.

Sau 1975, quê hương Vọng Thê của anh còn gặp nhiều khó khăn, đường xá giao thông chưa thuận tiện, đa số nông dân chủ yếu làm ruộng lúa một vụ. Đến năm 1989, Vọng Thê chuyển từ lúa mùa một vụ sang lúa 2 vụ/năm. Nông dân chưa quen với cách làm, chăm sóc lúa cao sản ngắn ngày nên năng suất chưa cao. Trước tình hình trên, anh Dưỡng đã suy nghĩ, trăn trở với sự đam mê sản xuất lúa, anh mày mò tự chọn những bụi lúa có bông to nhiều hạt, trong, đẹp đem về gieo trồng cho mùa vụ tiếp theo với hy vọng lúa đạt năng suất cao để gia đình thoát nghèo, nhưng hiệu quả không cao.

Vào năm 2004, tại thị trấn Óc Eo, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn: “Kỹ năng chọn tạo và sản xuất giống tại cộng đồng”, anh Danh Văn Dưỡng và 18 nông dân địa phương tham gia. Được nắm bắt, học hỏi tiến bộ kỹ thuật mới về kỹ thuật chọn tạo và sản xuất giống lúa theo phương pháp mới đã mở ra hướng đi tích cực cho anh trong những năm sau này.

Với kiến thức học tập từ những cán bộ chuyên môn về lai tạo giống lúa và qua kinh nghiệm bản thân trong quá trình canh tác lúa trước đây, anh đã bắt tay vào việc lai tạo giống lúa mới và đạt kết quả ngoài mong đợi.

Từ thử nghiệm với 16 tổ hợp lai ban đầu đến áp dụng khoa học kỹ thuật vào lai tạo giống lúa, anh cho ra đời 4 bộ giống tốt đó là: HỒNG NGỌC ÓC EO, ÓC EO 7, ÓC EO 8, HUYỀN NGỌC với hạt gạo màu tím đen rất nhiều dinh dưỡng. Riêng giống Hồng Ngọc Óc Eo với hạt gạo màu đỏ hồng có đặc tính nổi trội chống chịu tốt sâu bệnh, thích nghi vùng đất phèn và vùng đất cao. Bốn giống lúa trên hiện nay được nhân rộng trồng nhiều nơi, có thương hiệu, sản phẩm tiêu thụ tốt, được người tiêu dùng tín nhiệm.

Từ vụ Đông Xuân 2014, anh Danh Văn Dưỡng được Công ty Bảo Ngọc (TP Hồ Chí Minh) hợp đồng sang Lào sản xuất lúa cho dự án đất nông nghiệp của tỉnh Champasak của Lào, anh Dưỡng đã cùng với 24 nông dân trong huyện Thoại Sơn đem lúa các giống HỒNG NGỌC ÓC EO trồng thử nghiệm 100 héc ta ở huyện Mường Khổng vùng đất nghèo dinh dưỡng, lắm phèn, khô hạn. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm tưới tiêu, thoát úng, xả phèn nhưng với quyết tâm khắc phục khó khăn, anh cùng bạn xây dựng kinh nội đồng dẫn nước, xả phèn, tạo thành 4 lô canh tác cho 4 giống lúa từ Thoại Sơn sang Lào. Vượt qua không ít khó khăn trong quá trình hướng dẫn nông dân Lào các khâu về kỹ thuật chăm sóc lúa, kết quả thu hoạch cuối vụ rất khả quan, năng suất bình quân trên 6 tấn/ha.

Với thành tích nghiên cứu lai tạo giống lúa mới và mở rộng địa bàn sản xuất, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân nước bạn Lào, anh Danh Văn Dưỡng được công nhận là nông dân sản xuất giỏi các cấp, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng nhiều bộ, ngành tặng Bằng khen.

Theo nguồn khoahocvacongnghevietnam.com.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây