Để sáng kiến có được “đất diễn”

Sau 5 năm triển khai Quyết định 165/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, hội thi đã hình thành được phong trào sáng tạo kỹ thuật trong toàn dân.

Tại các địa phương, số lượng giải pháp tham gia hội thi tăng đột biến, có tác dụng thiết thực, tạo xung lực cho hoạt động sáng tạo kỹ thuật trong toàn dân. Bên cạnh những mặt tích cực thì “hậu” hội thi cũng để lại nhiều băn khoăn, nhất là việc ứng dụng sáng tạo kỹ thuật vào đời sống.…

Thành công lớn nhất qua 20 năm tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và 5 năm triển khai Quyết định 165/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật là đã hình thành được phong trào sáng tạo kỹ thuật trong toàn dân. Ngay từ đầu, hội thi đã có sự chỉ đạo, hỗ trợ rất lớn của các cơ quan từ Trung ương và bộ, ngành và địa phương. Do vậy, số lượng bộ, ngành và địa phương tham gia dự thi ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng tốt hơn. Đối tượng dự thi phong phú hơn: gồm các nhà khoa học, nhà kỹ thuật… Thậm chí, thành phần nông dân, công nhân, cũng có các giải pháp dự thi và được giải cao. Phản hồi từ các địa phương cũng cho thấy, từ khi Quyết định 165 ra đời, số lượng các giải pháp tham gia tăng đột biến, tác dụng thiết thực, tạo thành xung lực cho hoạt động sáng tạo kỹ thuật trong dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều giải pháp được trao giải thưởng, nhưng hiệu quả tác động vào cuộc sống còn mờ nhạt. Doanh nghiệp không mặn mà sử dụng sáng kiến, sáng tạo khoa học công nghệ. Kinh phí đầu tư cho việc phát triển và nhân rộng sáng kiến không cao. Điều này, theo Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) Hồ Uy Liêm, trong thời gian qua, Việt Nam nặng về phát triển chiều rộng, tức là sử dụng nhiều tiền, nhiều nguyên vật liệu, nhiều lao động, nhưng chưa đầu tư vào việc phát triển sáng kiến trong nước. Đáng lo ngại là khả năng sáng tạo của các nhà sáng tạo trẻ chiếm đa số trong các giải thưởng của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tổ chức thời gian qua nhưng thiếu môi trường và điều kiện để phát triển. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho những giải pháp tốt, được giải thưởng còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Điều này có lý do từ việc thông tin hỗ trợ của Ban tổ chức nhiều khi không tới được người đoạt giải (Quỹ Vifotec đã có chính sách hỗ trợ như đăng ký bản quyền, kiểu dáng, sáng chế… cho các sản phẩm đoạt giải hoàn toàn miễn phí). Và mặc dù có những hỗ trợ như vậy, nhưng hiện nay mới thực hiện được từng bước ở Trung ương và còn khó khăn thực hiện tại địa phương.

Cũng theo ông Hồ Uy Liêm, để sáng kiến có được “đất diễn” trong đời sống, vai trò của doanh nghiệp trong việc khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo là hết sức cần thiết. Đề xuất, sáng kiến, cải tiến phù hợp, trước hết doanh nghiệp nên sử dụng và tận dụng. Một mặt để cho các phương pháp sáng tạo đó được triển khai vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho chính bản thân doanh nghiệp, mặt khác đem lại một phần lợi ích cho những người sáng tạo ra nó. Về phía Nhà nước, việc ứng dụng các sáng tạo vào cuộc sống cũng là một việc rất lớn bởi nền kinh tế thị trường càng phát triển mạnh, nhu cầu sử dụng các phương thức sáng tạo càng trở nên quan trọng hơn. Nhà nước cần quan tâm đến việc mở rộng hội thi, đầu tư nhằm đưa các sáng kiến vào thực tế. Ngoài ra, các địa phương cần dành một khoản kinh phí nhất định cho việc hướng dẫn và giúp đỡ các tác giả có sản phẩm được công nhận đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng ỷ lại vào nguồn kinh phí của Trung ương như hiện nay.(congthuong.com.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây