nước đóng bình bốc mùi gi

Thấp thỏm lo lây bệnh từ... nước Đặt mua nước đóng bình dài hạn, chị Trần Vân Trinh phát hoảng khi một lần thấy một bình có rêu xanh và lần khác thấy nước bốc mùi giếng thối. Chị cho biết, nhà chị thường xuyên đặt nước uống đóng bình nhãn Elmaco theo số điện thoại của một cửa hàng tại Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội. Đầu năm 2010, một lần người nhà chị phát hiện ra bình nước được giao nổi rêu xanh. Ngay lập tức, chị đã liên hệ với số điện thoại đặt nước thì nhân viên giao hàng đã đến đổi ngay và bình nước được đổi không gặp vấn đề gì.

Thế nhưng sau đó ít lâu, chị lại được giao một bình nước cũ bẩn, và nước trong bình chỉ cần rót ra cốc đã thấy mùi khăn khẳn, tanh tanh của nước giếng thối. Chị lại gọi điện đến số đã đặt hàng thì lần này không thấy có ai đến, không có trả lời cũng như giải quyết vấn đề bình nước thối cho chị. Trên bình nước cũng không hề có một số điện thoại nào khác.

Chị Trinh cho biết: "Hai lần mua phải nước mọc rêu và hôi thối, tôi sợ đến già. Nhưng điều tôi lo nhất bây giờ là không may nhiễm tả từ những bình nước này. Chắc gì những bình nước khác mà nhà tôi đã dùng đảm bảo chất lượng?"

Mua phải nước đóng bình vô chủ

Bình nước thối mà chị Trinh gặp phải có nhãn Elmaco và thông tin: "Thanh trùng bằng tia cực tím, đóng chai trực tiếp tại nhà máy nước khoáng Elmaco số 2, Long Biên II, Hà Nội với công nghệ châu Âu bởi công ty nước khoáng Cúc Phương Elmaco".

Khi mua nước đóng chai, đóng bình, người tiêu dùng cần xem xét kỹ nhãn mác trên bình vì theo quy định của Bộ Y tế, sản phẩm phải được công bố chỉ tiêu chất lượng, hoá lý, vi sinh...và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên VietNamNet thì hiện đã không còn công ty nước khoáng Cúc Phương Elmaco trên thị trường.

Ông Hoàng Thanh Liêm, Giám đốc công ty cổ phần nước khoáng Cúc Phương khẳng định: "Từ đầu năm 2008, sau khi tách khỏi công ty cổ phần Tập đoàn Vật liệu điện và Cơ khí thì thương hiệu Elmaco và nhà máy sản xuất nước uống đóng bình tại số 2 - Long Biên - Hà Nội thuộc công ty cổ phần Tập đoàn điện và Cơ khí. Sản phẩm chính của chính tôi hiện nay là sản xuất - kinh doanh nước khoáng thiên nhiên với một thương hiệu duy nhất Cúc Phương. Sản phẩm nước uống mang nhãn Elmaco mà khách hàng Trần Vân Trinh sử dụng không phải là sản phẩm do công ty sản xuất."

Còn đại diện công ty cổ phần tập đoàn Vật liệu điện và Cơ khí, xí nghiệp kinh doanh kho vận EMJ thì cho biết: nước uống đóng bình Elmaco được sản xuất và tiêu thụ từ năm 2008 nhưng do nhiều lí do, công ty đã ngừng sản xuất và kinh doanh nước uống đóng bình Elmaco

Thông báo gửi nhà phân phối và người tiêu dùng về việc tạm dừng sản xuất khẳng định: "Từ ngày 06/2/2010, tạm dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nước uống đóng bình Elmaco". Tuy nhiên, việc thông báo tới người tiêu dùng và tiến hành thu hồi vỏ bình, công ty này lại giao phó cho nhà phân phối.

Cũng theo đại diện của công ty này, vẫn còn khoảng hơn 1.000 vỏ bình nước uống Elmaco trên thị trường chưa thu hồi hết.

Nước uống đóng bình: Bát nháo sạch - bẩn

Như vậy, chị Trinh đã mua phải một bình nước vô chủ. Có thể đại lý dùng vỏ bình nước cũ của Elmaco, cho nước chưa qua xử lý vào niêm phong và bán tới tay người dùng. Với việc giao nhiệm vụ thu hồi vỏ bình cho đại lý, công ty Elmaco đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng thương hiệu của mình bán hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng.

 

 

Trên thực tế, việc sản xuất nước đóng bình, đóng chai ở Việt Nam vô cùng dễ. Các cơ sở sản xuất thường tự công bố chất lượng nước uống đóng chai, đóng bình và đem mẫu nước của cơ sở đến cơ quan Y tế dự phòng kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước, nồng độ pH... Nếu đạt tiêu chuẩn thì cơ sở đó được cấp phép và sản xuất hàng loạt. Thế nhưng để cạnh tranh và thu lãi nhiều, nhiều cơ sở sẵn sàng bán vài bình đầu là nước tinh khiết thật sau thì đổ nước không tên vào để đánh lừa người tiêu dùng.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, năm 2009, trên cả nước đã có hơn 1.000 cơ sở sản xuất nước đóng chai. Trong các đợt thanh tra về nước uống đóng chai, đóng bình, lần nào thanh tra các Sở Y tế các địa phương cũng phát hiện ra không ít sai phạm của các cơ sở sản xuất và hàng loạt mẫu nước bị nhiễm vi sinh vật (trong một đợt thanh tra năm 2009, TP.HCM, phát hiện 138/329 cơ sở vi phạm tiêu chuẩn ATVSTP, Hà Nội phát hiện 5 mẫu nước trực khuẩn gây bệnh đường ruột, tiêu chảy, đình chỉ 3 cơ sở sản xuất).

Trong một hội thảo về nước uống đóng chai và sức khỏe người dùng, ông Nguyễn Viết Linh, Trưởng phòng kinh doanh Xí nghiệp Nước tinh khiết Hà Nội Hapuwa (Công ty nước sạch Hà Nội) cho biết: "Với những hệ thống xử lý nước kiểu rẻ tiền, không mong gì nước sản xuất được đảm bảo. Ví dụ, cũng là máy khử khuẩn bằng tia cực tím, nhưng nếu là thiết bị không đảm bảo, thì chỉ có thể diệt khoảng 30 % vi khuẩn có trong nước ngầm. Nguy hiểm nhất là E.Coli, luôn có sẵn trong nước giếng khoan, không được khử triệt để sẽ tồn tại trong nước "tinh khiết" rồi vào cơ thể người gây bệnh. Chưa kể đến hàm lượng các chất độc hại có trong nước giếng khoan (như Asen...) không được xử lý triệt để".

  • Hà Thu

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây