CHÍNH SÁCH CHUNG CỦA CƠ QUAN CÔNG NHẬN VỀ TÍNH LIÊN KẾT CHUẨN ĐO LƯỜNG

Chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ ngày càng phụ thuộc nhiều vào các phép đo tin cậy. Các phép đo chỉ được gọi là tin cậy khi nó có khả năng “quy chuẩn” tới các chuẩn đo lường quốc gia hoặc quốc tế. Những định nghĩa và những diễn giải khác nhau về thuật ngữ “Liên kết chuẩn” (Traceability) trong các tiêu chuẩn và các tài liệu khác nhau đã nẩy sinh những giải thích khác nhau và nhầm lẫn.

 

Vậy liên kết chuẩn là gì, làm thế nào để đạt được tính liên kết chuẩn của các kết quả đo và tính liên kết chuẩn được chứng tỏ như thế nào. Đó chính là mối quan tâm của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn đăng ký xin công nhận hoặc đã được công nhận; của các nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm thành thạo và các nhà sản xuất chất chuẩn.

Liên kết chuẩn đo lường là “Tính chất của kết quả đo hoặc giá trị của một chuẩn mà nhờ đó có thể liên hệ tới những chuẩn đã định, thường là chuẩn quốc gia hoặc chuẩn quốc tế, thông qua một chuỗi so sánh không gián đoạn với những độ không đảm bảo đo đã định”. Mục đích yêu cầu của tính liên kết chuẩn nhằm đảm bảo các phép đo thể hiện được giá tri của đại luợng đo một cách chính xác.

Tính liên kết chuẩn được đặc trưng bởi sáu yếu tố cơ bản:

  1. một chuỗi các phép so sánh không gián đoạn: quy về các chuẩn đã định được các bên chấp nhận, thường là chuẩn quốc gia hoặc chuẩn quốc tế;
  2. độ không đảm bảo đo: độ không đảm bảo đo cho mỗi bước trong chuỗi liên kết chuẩn phải được tính toán hoặc ước lượng theo những phương pháp đã thoả thuận và phải được tuyên bố sao cho một độ không đảm bảo đo tổng thể cho toàn chuỗi có thể được tính toán hoặc ước lượng được;
  3. tài liêu hóa: mỗi bước trong chuỗi phải được thực hiện theo những thủ tục đã được thừa nhận chung và đã được tài liệu hóa; và những kết quả phải được lưu hồ sơ;
  4. năng lực: những phòng thí nghiệm hoặc những tổ chức thực hiện một hoặc nnhiều bước trong chuỗi phải cung cấp bằng chứng về năng lực kỹ thuật của mình (ví dụ chứng tỏ  mình đã được công nhận);
  5. quy về các đơn vị SI: khi thích hợp, chuỗi so sánh phải kết thúc ở những chuẩn đầu thực hiện các đơn vi SI (hệ đơn vị đo lường quốc tế);
  6. Khoảng hiệu chuẩn: hiệu chuẩn phải được lặp lại ở những khoảng thời gian thích hợp; khoảng thời gian này dài ngắn tùy thuộc vào một số biến (ví dụ độ không đảm bỏa được yêu cầu, tấn suất sử dụng, cách sử dụng, độ ổn định của thiết bị).

(R1)1) Cơ quan công nhận yêu cầu tất cả các phép hiệu chuẩn và kiểm định thiết bị đo và thử nghiệm, các chuẩn quy chiếu và các chất chuẩn phải được thực hiện bởi:

1) R1….R9: chữ đậm, in nghiêng là các yêu cầu về chính sách của cơ quan công nhận

  • Một phòng hiệu chuẩn đã được công nhận theo ISO/IEC 17025 bởi một cơ quan công nhận đã được thừa nhận lẫn nhau. Danh mục các cơ quan công nhận đã được thừa nhận.
  • Một nhà sản xuất chất chuẩn đã được công nhận theo ISO/IEC Guide 34 bởi một tổ chức công nhận đã được thừa nhận lẫn nhau; hoặc
  • Một viện đo lường quốc gia (NMI) đã được thừa nhận, nghĩa là NMI đã ký tham gia thỏa ước thừa nhận lần nhau của Ủy ban cân đo quốc tế (CIPM-MRA). Danh mục các viện đã được thừa nhận.
  • Một phòng hiệu chuẩn được công nhận theo ISO/IEC 17025 bởi tổ chức công nhận nước sở tại đã được thừa nhận, nghĩa là tổ chức công nhận đã ký tham gia thỏa ước thừa nhận lẫn nhau của tổ chức công nhận các phòng thử nghiệm quốc tế (ILAC-MRA) thông qua các tổ chức công nhận khu vực. Ví dụ ở Việt Nam, danh mục các phòng hiệu chuẩn được BoA-VILAS  công nhận.
  • Một phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu về hiệu chuẩn nội bộ của tổ chức công nhận nước sở tại đã được thừa nhận lẫn nhau; hoặc
  • Một tổ chức đo lường có thẩm quyền thực hiện dịch vụ hiệu chuẩn.

Thiết bị dùng trong các phòng hiệu chuẩn và thử nghiệm được công nhận phải hiệu chuẩn là những thiết bị cần thiết để thực hiện một phép hiệu chuẩn hoặc một phép thử trong phạm vi được công nhận và có ảnh hưởng đáng kể đến độ không đảm bảo đo của các kết quả hiệu chuẩn hoặc thử nghiệm.

Tổ chức đo lường có thẩm quyền (các phòng thí nghiệm đo lường hợp pháp) ở một số nền kinh tế cũng cần tìm kiếm sự công nhận thông qua các tổ chức quốc tế và khu vực của mình để đảm bảo năng lực và tính liên kết chuẩn của các kết quả đo lường hiệu chuẩn và tạo ra sự minh bạch về năng lực của mình cho bên thứ ba.

(R2)  Các phép hiệu chuẩn và kiểm định cho bên ngoài phải được tài liệu hóa trong giấy chứng nhận hoặc báo cáo hiệu chuẩn có chứng thực bằng logo của cơ quan công nhận đã được thừa nhận hoặc được chứng thực bởi viện đo lường quốc gia. Các phép hiệu chuẩn và kiểm định nội bộ phải đáp ứng các yêu cầu trong R9.

(R3)  Các tổ chức đăng ký công nhận hoặc đã được công nhận phải có chính sách nhằm đạt được tính liên kết chuẩn đo lường và cũng phải nhằm đạt được tính liên kết chuẩn đo lường cho các chất chuẩn nếu có thể. Chính sách này phải phù hợp với chính sách của tổ chức công nhận .

Phạm vi công nhận

Phạm vi công nhận là tài liệu xác định cụ thể các phép đo mà một phòng thí nghiệm được công nhận để tiến hành. Phạm vi công nhận cũng xác định phạm vi đo của đại lượng đo đã được công nhận cùng với khả năng đo tốt nhất được diễn đạt như độ không đảm bảo nhỏ nhất cho từng đại lượng đo và phạm vi đo.

Trước khi chọn một phòng thí nghiệm đã được công nhận, khách hành nên yêu cầu một bản sao về phạm vi của phòng thí nghiệm (không phải chỉ là chứng chỉ công nhận) sao cho khách hàng có thể đảm bảo rằng phòng thí nghiệm đã được công nhận để thực hiện phép đo mà mình cần. Khách hàng cũng phải đảm bảo rằng độ không đảm bảo đo của phòng thí nghiệm phù hợp với yêu cầu của mình.

Báo cáo thử nghiệm và hiệu chuẩn đã được công nhận

Để chứng minh tính liên kết chuẩn đo lường, bất cứ ở đâu thích hợp nên chỉ ra tính liên kết chuẩn với chuẩn đo lường quốc gia hoặc chuẩn đo lường quốc tế và phải cung cấp kết quả đo và độ không đảm bảo đo kèm theo.

Bất cứ ở đâu thích hợp và khi phù hợp với yêu cầu của khách hàng, có thể tuyên bố sự phù hợp với một phương pháp đã xác định hoặc với một quy định kỹ thuật đã được thủ tục hóa thay cho kết quả đo và độ không đảm bảo đo kèm theo.

Chỉ những giấy chứng nhận hoặc báo cáo hiệu chuẩn được chứng thực bằng logo của cơ quan công nhận đã được thừa nhận hoặc tham chiếu tới tình trạng công nhận, mới được xem là thỏa mãn các yêu cầu về tính liên kết chuẩn Theo định nghĩa, trong một giấy chứng nhận hoặc báo cáo đã được chứng tỏ như vậy sẽ có một tuyên bố thích hợp về kết quả đo và / hoặc tuyên bố phù hợp với một quy định đo lường đã định, kèm theo tuyên bố độ không đảm bảo đo đã xác định một cách thích hợp và một tuyên bố thích hợp về tính liên kết chuẩn.

Xác định và tuyên bố độ không đảm bảo đo

Một yếu tố quan trọng của khái niệm liên kết chuẩn là độ không đảm bảo đo.

(R4)  Khi việc phân tích độ không đảm bảo đo thích hợp, cơ quan công nhận yêu cầu các phòng thí nghiệm tính độ không đảm bảo đo theo ISO GUM “Hướng dẫn diễn đạt độ không đảm bảo trong đo lường”. Khi báo cáo, độ không đảm bảo này phải là độ không đảm bảo mở rộng có hệ số bao hàm k (thường k = 2) và khoảng tin cậy (thường xấp xỉ ở mức tin cậy 95%).

(R5)  Nếu giấy chứng nhận hiệu chuẩn hoặc báo cáo thử nghiệm chứa tuyên bố về kết quả đo và độ không đảm bảo kèm theo thì phải kèm theo lời giải thích về ý nghĩa của tuyên bố đó.

Ví dụ lời giải thích có thể là “Độ không đảm bảo đã báo cáo là độ không đảm bảo mở rộng, diễn đạt xấp xỉ ở mức tin cậy 95% vói hệ số bao hàm k = 2”. Tuyên bố độ không đảm bảo mà không quy định hệ số bao hàm và mức tin cậy là không đầy đủ và không đủ để chứng minh rằng tính liên kết chuẩn đã đạt được.

Trường hợp giấy chứng nhận hiệu chuẩn  tuyên bố theo tỷ số độ không đảm bảo của phép thử (TUR) và cho biết độ không đảm bảo đo không vượt quá một tỷ lệ dung sai nào đó, có thể được xem là đầy đủ cho mục đích chứng tỏ tính liên kết chuẩn đo lường vì khi biết tỷ số dung sai sẽ cho phép xác định được giá trị lớn nhất của độ không đảm bảo đo. Tuy nhiên,

(R6)  Phải dùng độ không đảm bảo đo mở rộng để tính TUR, chứ không chỉ dùng độ không đảm  bảo của chuẩn đo lường.

(R7)  Khi công bố độ không đảm bảo đo theo TUR  phải kèm theo lời giải thích đã dùng độ không đảm bảo đo mở rộng để tính tỷ số độ không đảm bảo và cũng tuyên bố hệ số bao hàm , mức tin cậy.

Tuyên bố tính liên kết chuẩn

(R8)  Cùng với những thông tin đã yêu cầu ở trên, giấy chứng nhận hoặc báo cáo hiệu chuẩn phải bao gồm cả tuyên bố về tính liên kết chuẩn.

Tuyên bố này nhằm khẳng định phép hiệu chuẩn được thực hiện bằng những chuẩn mà giá trị của nó đã được quy chuẩn tới chuẩn quốc gia, quốc tế, tự nhiên và đồng thuận. Ví dụ, chuỗi liên kết chuẩn cho một phòng thí nghiệm bắt nguồn ở Trung tâm đo lường Việt Nam (VMI), thì tuyên bố sẽ là “ Phép hiệu chuẩn này được thực hiên theo chuẩn đo lường  đã quy chuẩn tới SI qua VMI”

Giấy chứng nhận hoặc báo cáo hiệu chuẩn không có tuyên bố đầy đủ về tính liên kết chuẩn thì không đủ để chứng tỏ tính liên kết chuẩn.

Hiệu chuẩn nội bộ

Một hệ thống hiệu chuẩn nội bộ nhằm đảm bảo tất cả các thiết bị đo và thử dùng trong một công ty được hiệu chuẩn đều đặn với các chuẩn quy chiếu của họ. Hệ thống hiệu chuẩn nội bộ phải đảm bảo tính liên kết chuẩn đo lường bằng cách có các chuẩn chính của riêng mình và các chuẩn này được hiệu chuẩn ở một phòng hiệu chuẩn đã được công nhận hoặc ở viện đo lường quốc gia.

Bản chất và phạm vi kiểm soát đo lường trong hiệu chuẩn nội bộ là tùy ở tổ chức mẹ. Chúng phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể sao cho các kết quả nhận được từ các thiết bị đo và thử đủ chính xác và tin cậy. Công nhận các tổ chức để thực hiện hiệu chuẩn nội bộ không nhất thiết thỏa mãn các yêu cầu của ISO/IEC 17025. Tuy nhiên theo định nghĩa về liên kết chuẩn,

(R9)  Tất cả các hệ thống hiệu chuẩn nội bộ phải đảm bảo tối thiếu các yếu tố sau:

  • Phòng thí nghiệm nội bộ phải duy trì các thủ tục đã tài liệu hóa cho các phép hiệu chuẩn nội bộ và các phép hiệu chuẩn nội bộ phải được chứng tỏ bằng một giấy chứng nhận, báo cáo hiệu chuẩn hoặc gắn nhãn hoặc bằng một phương pháp thích hợp khác;  hồ sơ hiệu chuẩn phải lưu trong thời gian đã được mô    tả thích hợp;
  • Phòng thí nghiệm nội bộ phải duy trì hồ sơ đào tạo cho các nhân viên hiệu chuẩn và hồ sơ này phải chứng tỏ được năng lực kỹ thuật của các nhân viên thực hiện các phép hiệu chuẩn: bằng chứng về năng lực, ví dụ bao gồm việc đào tạo đã được tài liệu hóa và những kết quả đánh giá đo lường.
  • Phòng thí nghiệm nội bộ phải có khả năng chứng tỏ tính liên kết chuẩn tới chuẩn quốc gia hoặc chuẩn quốc tế bằng cách mua các dịch vụ hiệu chuẩn từ các phòng hiệu chuẩn đã được công nhận hoặc từ viện đo lường quốc gia;
  • Phòng thí nghiệm nội bộ phải có và phải áp dụng thủ tục tính độ không đảm bảo đo. Độ không đảm bảo đo phải tính cho từng loại hiệu chuẩn và hồ sơ tính toán phải được duy trì. Phải kể đến độ không đảm bảo đo khi tuyên bố sự phù hợp với yêu cầu kỹ thuật;
  • Chuẩn quy chiếu phải được hiệu chuẩn lại ở những khoảng thời gian thích hợp để đảm bảo giá trị quy chiếu là tin cậy. Chính sách và thủ tục thiết lập, thay đổi khoảng thời gian hiệu chuẩn phải dựa trên diễn biến lịch sử của chuẩn quy chiếu.

Không phải dễ xác định khi nào một hoạt động hiệu chuẩn đã cho được xem là hiệu chuẩn nội bộ mà không phải chịu sự công nhận. Tuy nhiên ít nhất cũng có hai trường hợp có thể phân biệt được:

  1. Nếu dịch vụ hiệu chuẩn được thực hiện trong cùng một địa điểm với khách hàng (người nhận dịch vụ hiệu chuẩn nội bộ), và nếu hiệu chuẩn được thực hiện trong phòng hiệu chuẩn cố định (ví dụ thiết bị được hiệu chuẩn của khách hàng được chuyển tới phòng hiệu chuẩn), thì hiệu chuẩn được xem là hiệu chuẩn nội bộ không chịu các yêu cầu công nhận;
  2. Nếu dịch vụ hiệu chuẩn được thực hiện ở địa điểm khác phòng hiệu chuẩn cố định (ví dụ nếu chuẩn quy chiếu được chuyển tới thiệt bị cần hiệu chuẩn của khách hàng), thì dịch vụ hiệu chuẩn như vậy phải được công nhận.

Tổ chức công nhận các phòng hiệu chuẩn và thử nghiệm ở Việt Nam

Sự quan trọng của thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (MRA) là những người ký thỏa ước ủng hộ sự thừa nhận và chấp nhận giấy chứng nhận và báo cáo phát ra từ các tổ chức đã được công nhận bởi cơ quan công nhận đã ký  MRA. Thông qua các phương tiện truyền bá của MRA, một mức đồng đều về năng lực của các tổ chức được công nhận trong đó được đảm bảo và nhu cầu về đánh giá nhiều lần được hạn chế hoặc loại bỏ. Điều này có nghĩa nhà cung cấp chỉ cần  một chứng chỉ  hoặc báo cáo để thỏa mãn thị trường và các chính phủ mà người ký thỏa ước MRA đại diện.

Hiện nay có các thỏa ước thừa nhận lẫn nhau ở tầm quốc tế và khu vực: ILAC-MRA, APLAC-MRA mà BoA/VILAS là tổ chức thành viên. Với tư cách là người ký các thỏa  ước thừa nhận đa phương này, BoA/VILAS đã cam kết ủng hộ sự thừa nhận và chấp nhận sự công nhận của các tổ chức thành viên khác trong MRA.

Các kết quả hiệu chuẩn và thử nghiệm được báo cáo từ các phòng thí nghiệm được công nhận bởi các tổ chức đã được thừa nhận trong các MRA này, và được báo cáo trong báo cáo hiệu chuẩn hoặc thử nghiệm mang logo của tổ chức công nhận được BOA/VILAS thừa nhận sẽ thỏa mãn các yêu cầu liên quan đến tính liên kết chuẩn đo lường.

Các thỏa ước thừa nhận lẫn nhau về đo lường

Liên kết chuẩn đo lường là điều kiện tiên quyết, cơ bản để đạt được tính so sánh của các kết quả đo và thử nghiệm trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Sự thừa nhận lẫn nhau các giấy chứng nhận hiệu chuẩn và thử nghiệm phải dựa vào niềm tin ở  tính so sánh được của các kết quả đo này. Các kết quả đo, thử nghiệm so sánh được với nhau chỉ khi chúng được “quy chuẩn” tới các đơn vị SI thông qua các chuẩn quốc gia. Do vậy có thể nói hạ tầng cơ sở đo lường quốc gia để đảm bảo tính liên kết chuẩn là: các chuẩn đo lường quốc gia và hệ thống các phòng hiệu chuẩn được công nhận. Trung tâm đo lường Việt Nam (VMI) hiện đã được Chính phủ phê duyệt 10 chuẩn đo lường quốc gia và đã tham gia CIPM-MRA. Văn phòng công nhận (BoA) đã tham gia ILAC/APLAC-MRA về cả dịch vụ hiệu chuẩn và thử nghiệm. Song cũng cần nhớ , một viện đo lường quốc gia (NMI) đã được thừa nhận chỉ có thể thực sự là “cửa ngõ” liên kết chuẩn tới các đơn vị SI khi nó không những có và có đủ các chuẩn quốc gia cần thiết mà còn phải tham gia đều đặn và thành công vào các phép so sánh liên phòng quốc tế và khu vực của BIPM và các tổ chức đo lường khu vực. Một tổ chức công nhận quốc gia đã được thừa nhận (NAB) muốn làm “cầu nối” liên kết chuẩn tới chuẩn quốc gia cho các kết quả đo, thử trong sản xuất, dịch vụ, thương mại…thì không những phải có mạng lưới các phòng hiệu chuẩn và thử nghiệm phù hợp mà còn phải thực hiện và duy trì được các chuẩn mực công nhận, đặc biệt là các yêu cầu về năng lực kỹ thuật của các phòng thí nghiệm đã được công nhận theo ISO/IEC 17025.

Cơ sở để  hài hòa về đo lường  là CIPM-MRA, ILAC-MRA và OIML-MAA.Chính vì vậy  CIPM, ILAC,OIML đã ra tuyên bố chung (23/01/2006) khuyến nghị các Chính phủ, các tổ chức có thẩm quyền, các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và quốc tế sử dụng các thỏa thuận trên vào bất cứ đâu, ở bất cứ khi nào thích hợp vì không còn có tổ chức có thẩm quyền kỹ thuật nào cao hơn nữa trên phạm vi quốc gia và quốc tế Người sử dụng các dịch vụ đo lường thử nghiệm của các tổ chức tham gia MRA có thể hoàn toàn tin tưởng vào các chứng chỉ mà các tổ chức này cấp ra, tin tưởng vào tính liên kết của các kết quả đo tới các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến nhất và tin tưởng vào sự phù hợp của chúng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định luật pháp tương ứng.( ST)


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập159
  • Hôm nay52,385
  • Tháng hiện tại352,412
  • Tổng lượt truy cập4,667,832
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây