Công bố tiêu chuẩn sản phẩm: Doanh nghiệp cần quan tâm những gì?

Trong thời gian qua, vẫn còn khá nhiều Doanh nghiệp, thương nhân chưa nắm được Quy chế mới về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm.Dưới đây là những điều cơ bản nhất mà các Doanh nghiệp cần quan tâm khi thực hiệnviệc công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm theo Quy chế của Bộ Y tế.
Đối tượng áp dụng:
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và đại diện công ty nước ngoài có đưa sản phẩm thực phẩm vào lưu thông tiêu thụ trên thị trường Việt Nam (gọi chung là thương nhân).
Phân cấp quản lý công tác cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm:
Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn của các thực phẩm:
- Nước khoáng thiên nhiên đóng chai, thuốc lá điếu, thực phẩm đặc biệt và thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm nhập khẩu.
- Sản phẩm thông thường sản xuất trong nước có mục đích xuất khẩu có thể công bố tại Bộ Y tế - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nếu nước nhập khẩu yêu cầu.
Sở Y tế tỉnh, thành phố cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn của các thương nhân có cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn.
Sản phẩm thực phẩm phải công bố bao gồm:
Sản phẩm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc lá điếu, nguyên liệu thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu nhằm kinh doanh, tiêu thụ tại Việt Nam. Sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm (dụng cụ chứa đựng và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nguyên liệu chính để sản xuất ra các sản phẩm này) và sản phẩm chỉ nhằm mục đích xuất khẩu cũng được khuyến khích công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Sản phẩm sản xuất trong nước, có mục đích xuất khẩu, công bố tiêu chuẩn sản phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Các sản phẩm có chất lượng không ổn định, sản phẩm bao gói đơn giản để sử dụng trong ngày và các sản phẩm sản xuất theo thời vụ, theo đơn đặt hàng ngắn hạn có thời hạn sử dụng dưới 10 ngày trong điều kiện môi trường bình thường, không bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn sản phẩm.
Hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm:
Đối với thực phẩm sản xuất trong nước và vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thành phẩm:
- Bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm.
- Bản tiêu chuẩn cơ sở do thương nhân ban hành.
- Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân Việt Nam hoặc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của công ty sản xuất nước ngoài.
- Phiếu kết quả kiểm nghiệm. Riêng nước khoáng thiên nhiên phải có thêm phiếu kết quả xét nghiệm đối với nước nguồn.
- Mẫu có gắn nhãn và nhãn hoặc dự thảo nội dung ghi nhãn sản phẩm phù hợp với quy định pháp luật về nhãn.
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.
- Bản sao Giấy chứng nhận sở hữu nhãn hiệu hàng hóa (nếu có).
- Bản sao biên lai nộp phí
- Riêng đối với thực phẩm chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen, sản phẩm công nghệ mới hoặc trong thành phần có chứa nguyên liệu có nguồn gốc biến đổi gen, chiếu xạ phải có bản sao giấy chứng nhận an toàn sinh học, an toàn chiếu xạ và thuyết minh quy trình sản xuất.
Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hồ sơ gồm:
Ngoài yêu cầu như hồ sơ đối với thực phẩm sản xuất trong nước và vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thành phẩm cần có: Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy chứng nhận y tế.
Đối với thực phẩm nhập khẩu không phải là thực phẩm đặc biệt:
- Bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm.
- Bản tiêu chuẩn cơ sở do thương nhân ban hành.
- Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân Việt Nam hoặc Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của công ty sản xuất nước ngoài.
- Tiêu chuẩn sản phẩm của nhà sản xuất hoặc Phiếu kết quả kiểm nghiệm của nhà sản xuất hoặc của cơ quan kiểm định độc lập nước xuất xứ. Nhãn sản phẩm; Mẫu có gắn nhãn (nếu có yêu cầu để thẩm định).
- Bản sao Chứng nhận GMP; HACCP; hoặc giấy chứng nhận tương đương.
- Bản sao biên lai nộp phí.
- Bản sao Hợp đồng thương mại (nếu có).
- Riêng đối với thực phẩm chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen hoặc trong thành phần có chứa nguyên liệu có nguồn gốc biến đổi gen, chiếu xạ trong hồ sơ công bố phải có bản sao Giấy chứng nhận của nước xuất khẩu cho phép sử dụng với cùng mục đích trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó và thuyết minh quy trình sản xuất.
Đối với thực phẩm đặc biệt:
Ngoài yêu cầu như hồ sơ đối với thực phẩm nhập khẩu không phải là thực phẩm đặc biệt thì cụ thể đối với các loại thực hẩm đặc biệt cần có:
- Thực phẩm là sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ: Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy chứng nhận y tế
- Thực phẩm dinh dưỡng y học: thêm kết quả nghiên cứu lâm sàng về chức năng đó.
- Thực phẩm dinh dưỡng qua ống xông: thêm kết quả nghiên cứu lâm sàng về an toàn trong sử dụng cho ăn qua ống xông và hiệu quả đối với sức khỏe đối tượng được chỉ định.
- Thực phẩm chức năng: thêm kết quả nghiên cứu lâm sàng hoặc tài liệu chứng minh về tác dụng đặc hiệu và tính an toàn thực phẩm.
Đối với phụ gia thực phẩm hạn chế sử dụng:
Phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng của Việt Nam nhưng được phép sử dụng ở nước sản xuất hoặc có trong danh mục Codex, Bộ Y tế (Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm) sẽ xem xét trong trường hợp cụ thể để cho phép công bố tiêu chuẩn sản phẩm.
Đối với chất ngọt tổng hợp:
+ Nếu ở dạng đã phối trộn, bao gói nhỏ để sử dụng một lần: thương nhân công bố tiêu chuẩn như đối với phụ gia thực phẩm được phép sử dụng ở Việt Nam.
+ Nếu ở dạng bao gói nhằm sử dụng nhiều lần: thương nhân chỉ được nhập khẩu từng lô theo giấy uỷ thác nhập khẩu của nhà sản xuất thực phẩm ăn kiêng (dùng cho người bị bệnh, người béo phì, không muốn béo) hoặc khi có hợp đồng với những nhà sản xuất thực phẩm ăn kiêng. Lần nhập khẩu tiếp theo, thương nhân phải có hóa đơn hoặc chứng từ chứng minh chỉ bán cho nhà sản xuất thực phẩm ăn kiêng và nhằm mục đích khác.
Đối với vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thành phẩm (bao bì chứa đựng), phụ gia thực phẩm nhập khẩu, chỉ để phục vụ sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp và các sản phẩm tự nhập để kinh doanh tại các khách sạn, siêu thị của mình, doanh nghiệp công bố theo danh mục nêu tại Mẫu 7 ban hành kèm theo Quy chế này.
- Tất cả các hồ sơ theo quy định tại Điều này bằng tiếng nước ngoài đều phải có bản dịch sang tiếng Việt, do thương nhân tự chịu trách nhiệm hoặc là bản dịch hợp pháp, nếu được cơ quan y tế có thẩm quyền yêu cầu.
Hồ sơ, thủ tục gia hạn công bố tiêu chuẩn sản phẩm:
Thương nhân gia hạn lại số chứng nhận sau 03 năm kể từ ngày được ký cấp số chứng nhận hoặc gia hạn. Hồ sơ xin gia hạn gồm:
- Công văn xin gia hạn Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm (theo Mẫu 6 ban hành kèm Quy chế này) kèm Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn cơ sở lần trước (bản gốc hoặc bản sao công chứng).
- Phiếu kết quả xét nghiệm định kỳ đối với sản phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm đặc biệt nhập khẩu (do thương nhân tự gửi hoặc do cơ quan kiểm tra lấy mẫu tại cơ sở sản xuất, phân phối gửi cơ quan thử nghiệm được công nhận hoặc được chỉ định của Việt Nam cấp) hoặc các thông báo lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu đối với thực phẩm thông thường nhập khẩu của cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu.
- 01 mẫu sản phẩm có nhãn đang lưu hành (kèm nhãn phụ đối với thực phẩm nhập khẩu).
- Bản sao Giấy chứng nhận cơ sở thực phẩm đủ điều kiện vệ sinh chung (đối với sản phẩm sản xuất trong nước) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Bản sao biên lai nộp phí thẩm định hồ sơ và lệ phí cấp số chứng nhận cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
- Đối với những sản phẩm thực phẩm đã được cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quyết định số 2027/2001/QĐ-BYT ngày 30/05/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế, có hiệu lực 03 năm kể từ ngày ký, sau thời hạn trên, thương nhân phải thực hiện công bố lại theo quy định tại Quy chế này.
- Trường hợp thay đổi các nội dung đã công bố, thương nhân có trách nhiệm công bố lại, trừ trường hợp chỉ thay đổi hình thức nhãn hoặc quy cách bao gói thì nộp bổ sung nhãn đã thay đổi kèm công văn xin bổ sung hoặc thay thế nhãn đang lưu hành.
- Thương nhân công bố tiêu chuẩn ở đâu, thì xin gia hạn công bố ở đó.

Nguồn: Cục ATVSTP

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây