Theo Báo cáo tổng kết, qua gần tám năm triển khai thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg và Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 vào cơ quan hành chính nhà nước đã mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ đắc lực mục tiêu cải cách hành chính của Nhà nước. Cụ thể:
Hình thành khái niệm quản lý chất lượng trong dịch vụ hành chính công của các CQHCNN. Chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được cải thiện thông qua việc chuẩn hóa các quy trình giải quyết công việc theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001. Theo đó, các quy trình giải quyết công việc được xây dựng một cách khoa học; trình tự, trách nhiệm giải quyết công việc được xác định rõ ràng, giảm thiểu sự đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình giải quyết công việc. Đa số các CQHCNN khi áp dụng ISO đều có xu hướng xây dựng và thực hiện các dịch vụ công với thời gian ngắn hơn so với các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính. Hồ sơ, tài liệu được sắp xếp và lưu giữ một cách khoa học, dễ thấy và dễ tìm. Áp dụng HTQLCL, kết quả giải quyết công việc được theo dõi, định kỳ đánh giá, xác định các mặt tốt, mặt chưa tốt trong quá trình thực thi công vụ qua đó giúp CQHCNN tự khắc phục, cải tiến các hoạt động của cơ quan mình tốt hơn.
Có sự chuyển biến nhất định trong tư duy thực hiện hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Khái niệm “khách hàng” trong dịch vụ hành chính công được xác định và nhận thức rõ ràng hơn. Tư duy “phục vụ khách hàng”, “phục vụ nhân dân”, được thể hiện rõ ràng hơn trong quá trình thực thi công vụ, từng bước tạo được lòng tin, sự hài lòng của tổ chức, người dân khi đến cơ quan hành chính nhà nước.
Đã hình thành hệ thống cơ quan hành chính nhà nước áp dụng HTQLCL. Đến nay, đã có 5.824 cơ quan hành chính nhà nước được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 4.435 cơ quan hành chính nhà nước trong 63 tỉnh, thành phố và 1389 cơ quan thuộc 20 Bộ, ngành. Tại các Bộ, ngành, tuy còn một số Bộ, ngành chưa triển khai theo đúng tiến độ quy định nhưng đa số các Bộ, ngành đã triển khai việc xây dựng, áp dụng HTQLCL tại khối cơ quan Bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Khái niệm HTQLCL theo ISO 9001 đã trở nên khá phổ biến và thông dụng trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Việc xây dựng và áp dụng HTQLCL cũng không còn là vấn đề mới, khó khăn như thời kỳ đầu triển khai thực hiện QĐ 144/2006/QĐ-TTg. Việc áp dụng ISO 9001 của một số CQHCNN đã trở thành công cụ quản lý hàng ngày và được xem là công cụ đắc lực giúp nâng cao chất lượng giải quyết công việc của CQHCNN.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg tiếp tục yêu cầu các CQHCNN đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng HTQLCL theo hướng giao trách nhiệm cho người đứng đầu CQHCNN tổ chức xây dựng, áp dụng, tự công bố và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện HTQLCL, đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của việc áp dụng. Đồng thời, giao cho Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị trực thuộc nhằm đánh giá chính xác kết quả giải quyết công việc của CQHCNN.
Hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được qua gần tám năm triển khai thực hiện đồng thời cũng rút ra các bài học kinh nghiệm đối với các vấn đề tồn tại, vướng mắc để tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng và áp dụng HTQLCL vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Qua đó khẳng định rằng, để có thể triển khai thực hiện thành công Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, ý chí quyết tâm của lãnh đạo CQHCNN, sự nhận thức đúng đắn về HTQLCL của lãnh đạo và cán bộ trong cơ quan, đơn vị.
Xem chi tiết Báo cáo.
Nguồn: tcvn.gov.vn