Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hoa quả tươi, tránh hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc

Theo lực lượng chức năng, khi mua hoa quả tươi người tiêu dùng cần đặc biệt tỉnh táo vì thị trường xuất hiện nhiều hoa quả nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hoa quả tươi, tránh hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc

Liên tiếp thu giữ hoa quả tươi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang thông tin, Đội QLTT số 1 tiến hành các biện pháp nghiệp vụ xác minh thông tin và tiến hành phối hợp với các lực lượng chức năng (Công An thành phố; Trung tâm y tế thành phố…) khám xe ô tô tải biển kiểm soát 88H 01527 đang dừng đỗ giao bán hàng tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang.

Kết quả khám phương tiện phát hiện 170kg hoa quả gồm 100kg quả nho tươi, 70 kg quả dưa vàng. Tiến hành làm việc với ông N.Q.Thủy là lái xe kiêm chủ hàng hóa, địa chỉ Xã Đại Đồng, Huyện Vĩnh Tường, Tỉnh Vĩnh Phúc. Qua đấu tranh ông Thủy đã thừa nhận toàn bộ số hàng hóa hoa quả trên là hàng nhập lậu được một đầu mối mua gom từ những người dân khu vực biên giới giáp Trung Quốc, sau đó mang đi tiêu thụ.

Đội QLTT số 1 đã hoàn tất hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 10.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ 170kg hoa quả là Quả nho tươi và quả dưa vàng với tổng trị giá 18.500.000 đồng.

 

Tiếp đến, Đội QLTT Số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên vừa phối hợp với Đội QLTT Số 1 (Cơ động) tiến hành rà soát, kiểm tra đối với 02 cơ sở kinh doanh trái cây tươi nhập khẩu trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, phát hiện và xử lý 02 cơ sở về các hành vi: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng số tiền xử phạt 10 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy gồm: 137 kg nho, 80 kg dưa vàng, 75 kg hồng, trị giá 12.285.000 đồng. 

Thận trọng khi lựa chọn hoa quả nhập khẩu, tránh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Liên quan tới hoa quả nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, trong nền kinh tế thị trường, hàng hóa đa dạng từ mẫu mã chủng loại đến nguồn gốc xuất xứ. Do đó, chọn hoa quả Việt Nam, Trung Quốc hay quốc gia nào là quyền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần thông minh hơn khi quyết định xuống tiền mua hàng hóa.

Ông Nguyên gợi ý, hiện nay những loại hoa quả vốn được trồng phổ biến ở xứ nhiệt đới của Việt Nam như chuối, dưa, bưởi…người tiêu dùng không cần thiết mua hoa quả nhập khẩu. Bởi các loại quả nhập khẩu thường có giá đắt gấp nhiều lần hoa quả trong nước, trong khi đó, nguy cơ giả xuất xứ nguồn gốc rất cao.

Đối với hoa quả ở xứ ôn đới như quả anh đào, việt quất… Việt Nam gần như không trồng được. Do đó, nếu có nhu cầu, người tiêu dùng có thể chú ý các loại quả này.

Về việc phân biệt hoa quả nhập khẩu chuẩn nguồn gốc phải nhìn vào từng loại quả. Ví dụ đối với quả nho. Mặc dù, nhìn từ màu sắc, kích thước, hình dáng khó phân biệt, tuy nhiên, nếu ăn quả nho mà có hạt thì khả năng rất cao là nho Trung Quốc. Nho các nước Mỹ, Úc, Hàn Quốc thì không có hạt.

Người tiêu dùng cũng cần chú ý mua hoa quả nhập khẩu phải đúng vụ. Ví dụ nho Mỹ có mùa vụ từ tháng 8 đến cuối năm. Còn nho Úc có mùa từ tháng 2 đến tháng 8. Kiwi từ New Zealand có vụ mùa từ tháng 5 đến 12, trong khi đó, kiwi Trung Quốc được thu hoạch từ cuối tháng 3 đến tháng 5. Quả cherry chín được thu hoạch vào mùa hè từ tháng 5 tới tháng 9 tại Mỹ. Tại Úc, mùa thu hoạch cherry sẽ bắt đầu từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 2 năm sau.

Bắt buộc có tem phụ bằng tiếng Việt

Tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định như sau: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc có những nội dung sau: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Như vậy hàng hóa nhập khẩu nói chung, hoa quả nhập khẩu nói riêng được bày bán ở Việt Nam thì bắt buộc phải dán cả tem chính và tem phụ bằng tiếng Việt trên bao bì sản phẩm. Người tiêu dùng có thể tìm trên bao bì tem chính và tem phụ để kiểm tra các thông tin này. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu chủ cửa hàng cho xem các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của hoa quả nhập khẩu, tránh hàng nhập lậu.


Theo VietQ.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây