Nhập hơn 10.000 chiếc bánh trung thu trôi nổi về bán kiếm lời

Đội Quản lý thị trường số 24 bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải (địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội), phát hiện 10.800 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán.

Nhập hơn 10.000 chiếc bánh trung thu trôi nổi về bán kiếm lời

..Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 (Cục QLTT Hà Nội) bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Giá niêm yết tại cửa hàng là 2.500 đồng/chiếc, tổng trị giá hàng hóa 27.000.000 đồng. Ông Nguyễn Công Dũng - chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của 10.800 chiếc bánh trung thu nói trên.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa vi phạm.  

Theo lời khai của ông Dũng, gần Tết Trung thu nhu cầu tiêu thụ cao nên ông đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về bán. “Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ. Tôi mới nhập hàng về chưa bán được chiếc nào thì đoàn đến kiểm tra và phát hiện”, ông Dũng khai nhận.

Hiện, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa là 10.800 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất để tiếp tục xác minh làm rõ.

Trước đó, vào đầu tháng 7, Đội QLTT số 24 đã kiểm tra, tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lô hàng này thuộc về hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn tại xóm Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. 

Tương tự, tại khu vực các tỉnh phía Nam, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Tây Ninh) cũng phát hiện nhiều sản phẩm bánh trung thu và bánh kẹo các loại không nhãn hiệu, địa chỉ sản xuất. Chủ hộ kinh doanh là ông Phạm Văn Thanh không xuất trình hóa đơn theo quy định cho đoàn kiểm tra. Tổng cộng, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong gần 500 chiếc bánh trung thu, bánh bông lan các loại.

Theo ghi nhận, thị trường đang cận dịp lễ truyền thống, nhu cầu tiêu thụ bánh trung thu rất lớn. Lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời. Đáng lo ngại là tình trạng này không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng kinh doanh truyền thống mà còn được quảng cáo, giới thiệu, bày bán trên các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi lựa chọn bánh trung thu, nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, người dân phải tìm hiểu kỹ đánh giá của người mua cũng như thông tin về người bán. Tuyệt đối không mua hàng ở những tài khoản không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng hoặc chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn...

Trước đó, Bộ KH&CN đã công bố tiêu chuẩn quốc gia dành cho bánh trung thu, bao gồm bánh nướng, bánh dẻo. Các tiêu chuẩn này sẽ giúp doanh nghiệp áp “chuẩn” trong sản xuất cũng như công bố chất lượng sản phẩm. Theo đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL), với bộ tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp sẽ tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mình công bố. Tuy nhiên, sự ra đời của bộ tiêu chuẩn mới dành cho bánh nướng và bánh dẻo cũng sẽ giúp cơ quan quản lý có cơ sở để kiểm tra, quản lý hoạt động sản xuất bánh trung thu dễ dàng hơn, và để đạt đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn của người tiêu dùng.

Nguồn: VietQ.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây