Thời gian qua, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đã có những bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đã có những bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã dần thâm nhập vào hoạt động sản xuất, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng so với các nước trong khu vực, chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam còn khá chậm. Lao động trong ngành dịch vụ có tính huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng chiếm tỷ trọng rất thấp, ở mức 0,8% năm 2020.
Chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học giỏi, đầu ngành, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nhân lực khoa học và công nghệ phân bố không đều, một bộ phận sử dụng nhiều thời gian cho công tác quản lý; tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm còn yếu, khó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu liên ngành hoạt động lâu dài, bền vững.
Chính sách thu hút, đãi ngộ chưa tạo thành động lực để phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học có trình độ cao, tài năng trẻ. Chưa có chính sách thoả đáng để thu hút và sử dụng các trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhận định, tại Việt Nam rất cần nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ở góc độ ngành KHCN, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn lực con người và việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, trong thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thời gian tới, các Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho nhà khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa năng lực nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần dành sự ưu tiên đầu tư thích đáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.
Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu, phối hợp các cơ quan liên quan nhằm tạo dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp đặc thù hoạt động nghiên cứu khoa học, theo thông lệ quốc tế, với định hướng chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học; chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh khoán chi trong tài trợ nghiên cứu khoa học.
Nguồn: Tạp chí Chất lượng Việt Nam (vietq.vn)