Phạt từ 10 đến 50 triệu đối với vi phạm hành chính về kinh doanh khí hóa lỏng
Nghị định nêu rõ, đối với các trường hợp vi phạm như: Sản xuất, chế biến, phân phối LPG khi Giấy chứng nhận không đăng ký khoản mục này; có kho chứa LPG nhưng không theo quy chuẩn kỹ thuật; trạm nạp LPG vào ô tô xây dựng không theo quy định; không có biển "Cấm lửa", "Cấm hút thuốc", "Nội quy phòng cháy chữa cháy" ...; đưa sản phẩm LPG lần đầu vào lưu thông không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; san chiết, nạp LPG không đúng nơi quy định; bán LPG cho khách hàng không tuân thủ quy định về an toàn sử dụng LPG, phòng chống cháy, nổ... sẽ áp dụng mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng tùy theo từng trường hợp vi phạm.
Cũng theo Nghị định này, mức phạt sẽ tăng lên mức từ 20 đến 30 triệu đồng đối với một trong các vi phạm gồm: Không đủ số lượng tối thiểu chai LPG, chai LPG không phù hợp với nhãn hiệu đăng ký bảo hộ theo quy định; cơ sở sản xuất, chế biến LPG không đúng theo quy hoạch; không có kho chứa chai LPG và LPG chai; không có hệ thống phân phối quy định khi tổ chức bán lẻ LPG và LPG chai trên thị trường; bán buôn LPG cho thương nhân kinh doanh LPG khác không đảm bảo điều kiện theo quy định...
Riêng với hành vi vi phạm làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép (như thay chân đế, cắt quai xách; mài lô gô, thay đổi nhãn hiệu, seri; hàn gắn thêm kim loại; tráo đổi van đầu chai...) sẽ bị phạt nặng với mức phạt từ 40 - 50 triệu đồng. Cùng đó, hành vi cho mượn hoặc thuê, mượn hay giả mạo Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai cũng bị phạt với mức phạt này.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt theo các hình thức là cảnh cáo, phạt tiền hoặc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kinh doanh LPG, tịch thu phương tiện, tang vật. Hình thức phạt bổ sung đối với các vi phạm trên là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện chế biến LPG đến 12 tháng.
Mức xử phạt vi phạm trong kinh doanh xăng dầu cao nhất lên tới 70 triệu đồng
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 104/2011/NĐ- CP về quy định xử phạt vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2012, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 70 triệu đồng.
Nghị định nêu rõ, đối với tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Mức phạt tăng lên từ 20 đến 30 triệu đồng nếu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu có hành vi làm thay đổi chất lượng xăng dầu, hoặc gian lận về chất lượng xăng dầu trong quá trình thực hiện dịch vụ.
Nếu sử dụng phương tiện đo bị sai, bị hỏng hoặc không đúng quy định về đo lường xăng dầu cũng bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Mức phạt trên cũng áp dụng đối với một trong các hành vi như: tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo như tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn cho phép.
Cũng theo Nghị định, đối với một trong các hành vi như: không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng quy định, không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; bán sai giá niêm yết do thương nhân đầu mối quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với thương nhân đầu mối có hành vi không chấp hành quy định về mức điều chỉnh giá, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu và thời gian tối đa giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Riêng với cửa hàng bán lẻ xăng dầu không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, dễ thấy sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng thêm 10 triệu đồng khi có một trong các hành vi: cắt giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng; không bán hàng hoặc ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng; giảm lượng bán hàng ra so với thời gian trước đó mà không có lý do.
Đáng chú ý, các hành vi vận chuyển, buôn bán, trao đổi xăng dầu qua biên giới không đúng quy định sẽ bị phạt từ 5 đến 70 triệu đồng tùy theo trị giá xăng dầu: phạt 5 triệu đồng nếu trị giá xăng dầu đến 10 triệu đồng; mức phạt cao nhất đến 70 triệu đồng nếu trị giá xăng dầu từ 100 triệu đồng trở lên và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về các vi phạm trong sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, sẽ phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực; tự tẩy xóa, sửa chữa Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; cho thuê, cho mượn Giấy phép này. Đối với đại lý bán lẻ xăng dầu có hành vi kinh doanh xăng dầu khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã hết thời hạn nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng./.
Nguồn tin: Báo hải quan