Khó khăn nhất trong phát triển các hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) ở địa phương là còn lúng túng trong khai thác giá trị các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ quyền SHTT, đưa sản phẩm đó trở thành thế mạnh của địa phương.
Đây là vấn đề được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày 8/11. Các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, thách thức và giải pháp để thúc đẩy hoạt động SHTT trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh khẳng định, trong thời gian qua, nhiều chính sách và văn bản pháp luật về SHTT đã được ban hành để thúc đẩy hơn nữa hoạt động sở hữu trí tuệ trên toàn quốc. Cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Hoạt động của toàn hệ thống SHTT đã đạt được những kết quả khả quan.
Điều này có thể thấy rõ thông qua số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) liên tục tăng, các hoạt động thực thi quyền ngày càng sôi động; nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng thành công tài sản trí tuệ để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cụ thể, tính đến tháng 11/2016, Cục SHTT đã xử lý 80.787 đơn các loại, trong đó có 38.872 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 9,9% so với năm 2015. Đặc biệt lượng đơn khiếu nại, đề nghị chấm dứt hủy bỏ hiệu lực đã được giải quyết tăng cao (đạt 1.320 đơn, gấp 7,8 lần so với năm 2015); kết quả xử lý đơn sáng chế tăng cao so với năm 2015 (tăng 23%).
Bên cạnh đó, việc đưa vào sử dụng Thư viện số trực tuyến về SHCN trên trang web của Cục SHTT đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ địa phương tư vấn chính xác hơn và hoạt động tư vấn, xác lập, bảo vệ quyền SHTT tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Thứ trưởng cho rằng, công tác thẩm định đơn đăng ký SHCN chưa đáp yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin về SHCN còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước, chưa xây dựng được nguồn nhân lực thực sự mạnh.
Tại Hội nghị, các địa phương cũng chỉ ra vấn đề khó khăn nhất trong phát triển các hoạt động SHTT ở địa phương là còn lúng túng trong khai thác giá trị các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ quyền SHTT, đưa sản phẩm đó trở thành thế mạnh của địa phương.
Theo Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí, Cục SHTT sẽ đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia để định hướng hoạt động của hệ thống SHTT quốc gia trong giai đoạn tới. Dự thảo Chiến lược dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào cuối năm 2017.
Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thẩm định đơn đăng ký SHCN. Các địa phương tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT…
Đề cập đến định hướng cần ưu tiên tập trung trong lĩnh vực SHTT tại các địa phương trong giai đoạn tới, ông Định Hữu Phí cho rằng, trên cơ sở các định hướng lớn đối với nhiệm vụ phát triển KHCN, trong đó có lĩnh vực SHTT được Chính phủ phê duyệt, các địa phương cần tăng cường, chú trọng vào một số hoạt động chủ đạo nhằm tăng cường và thúc đẩy hoạt động này tại địa phương, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế -xã hội trong thời kỳ hội nhập.
theo baochinhphu.vn